Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời thông tin, ngày 22/5, Cơ quan Hậu cần nhà nước Indonesia (Perum Bulog) đã thông báo Tập đoàn Lộc Trời và Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Đại Tài (Công ty Đại Tài, thành viên của Lộc Trời) trúng thầu 100.000 tấn gạo, trên tổng số 300.000 tấn mà Perum Bulog đấu thầu đợt này.
Dự kiến toàn bộ đơn hàng sẽ được giao trong 2 tháng, Lộc Trời cùng Công ty Đại Tài sẽ thu về trên 1.300 tỷ đồng.
Lộc Trời cho biết, hiện đang làm việc với các ngân hàng để tài trợ cho phương án tối đa việc mua lúa cho nông dân. Mức giá trên đáp ứng các yêu cầu và theo thị trường, theo chất lượng gạo, có tính thời điểm và không làm ảnh hưởng tới các đợt đấu thầu tiếp theo.
Lộc Trời cũng cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng lúa bà con nông dân sản xuất ra, với mức giá cao hơn thị trường từ 100 – 500 đồng/kg.
Ông Huỳnh Văn Thòn – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cho biết, nhu cầu vốn của tập đoàn rất lớn. Ngoài ứng tiền đầu tư đầu vụ cho bà con, còn phải thanh toán ngay khi thu hoạch, với vài nghìn tỷ đồng mỗi vụ, đặc biệt vào cao điểm thu hoạch. Điều này khiến chi phí tài chính trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp, cũng như thời gian đáo hạn ngắn, khiến dòng tiền dễ bị sự cố…
Liên quan đến việc bán gạo cho Indonesia, tại hội nghị về xuất khẩu gạo do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, bà Huỳnh Thị Bích Huyền – Chủ tịch HĐQT Công ty CP xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát – đề nghị: Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần có những cuộc họp, để doanh nghiệp cùng ngồi lại đưa ra một mức giá sàn trước đối với hợp đồng bán gạo cho Indonesia.
Theo bà Huyền, doanh nghiệp dự thầu không được bán thấp hơn giá sàn nhằm tránh tình trạng bán thấp giá hơn nước bạn. Việc có giá sàn sẽ giúp đảm bảo an toàn cho cả người nông dân, công nhân và doanh nghiệp, thậm chí tránh rủi ro cho cả ngân hàng khi giải ngân khoản vay cho doanh nghiệp.
Đại diện doanh nghiệp này cũng kêu gọi phải đoàn kết, gắn bó giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.
“Vấn đề quan trọng là có được hợp đồng với giá tốt nhất, mang về lợi nhuận cao nhất. Không phải lấy hợp đồng nhiều rồi về thua lỗ, thất thoát kinh tế, thất thoát cho công nhân và nông dân trồng lúa. Các cấp chính quyền, Bộ Công Thương, Chính phủ cần hỗ trợ cho doanh nghiệp”, bà Huyền nêu vấn đề.
Theo đại diện một doanh nghiệp, có tình trạng chấp nhận rủi ro bán gạo giá thấp để có được hợp đồng xuất khẩu nhằm có được khoản vay mới từ phía ngân hàng. Việc “bán đổ bán tháo” nhằm có được hợp đồng để ngân hàng giải ngân là rất nguy hiểm cho cả doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lẫn phía ngân hàng.
Trước thông tin cho rằng, doanh nghiệp đàm phán giảm giá bán theo yêu cầu của bên nhập khẩu, có thể gây thiệt hại cho nông dân, ông Nguyễn Việt Anh – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông không đồng tình quan điểm này. Theo ông Việt Anh, luật chơi do người mua quyết định.
“Chúng ta muốn bán gạo giá cao thì không có hợp đồng. Nếu cân đối được tồn kho với giá cả hợp lý thì doanh nghiệp quyết định bán, miễn có hiệu quả, quyền của doanh nghiệp. Còn đưa ra giá sàn nhưng không có hợp đồng tình hình càng khó khăn hơn”, ông Việt Anh nói thêm.
Để lại một phản hồi