Phản ứng tích cực với câu chuyện bán dẫn, nhà đầu tư đang trả cho FPT một mức giá cao để chờ đợi một câu chuyện xa hơn

TIN MỚI

    Kể từ thời điểm tin tức về mối quan hệ hợp tác giữa Tập đoàn FPT và NVIDIA xuất hiện, cổ phiếu FPT trên thị trường bứt phá ngoạn mục. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, giá cổ phiếu FPT tăng gần 50%, gấp 4 lần mức tăng của VN-Index. Giá trị vốn hóa thị trường theo đó cũng vọt lên sát ngưỡng 174.000 tỷ đồng (~6,85 tỷ USD), tăng hơn 2 tỷ USD so với đầu năm 2024 và lọt Top 5 doanh nghiệp niêm yết giá trị nhất.

    FPT_2024-05-28_19-10-10.png

    Triển vọng bán dẫn sẽ là động lực tăng trưởng dài hạn của FPT

    Trong báo cáo gần đây, Chứng khoán VNDirect đánh giá sự hợp tác giữa FPT và NVIDIA sẽ giúp xây dựng hệ sinh thái cho ngành bán dẫn, bao gồm thiết kế và phát triển chip, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành này. NVIDIA cũng có thể chuyển một phần sản xuất GPU cho siêu máy tính sang Việt Nam. Tại châu Á, NVIDIA chỉ chọn một đến hai đối tác ở hai đến ba quốc gia để mở trung tâm AI.

    Theo dự báo, quy mô thị trường chất bán dẫn đến năm 2030 sẽ đạt 990 tỷ USD. Sự gia tăng đáng kể của công nghệ số và Internet vạn vật (IoT) đang tạo ra nhu cầu cao về chất bán dẫn trong các thiết bị điện tử, xe tự lái, thiết bị y tế và nhiều ứng dụng khác. Do đó bên cạnh sự hợp tác với NVIDIA, VNDirect cũng kỳ vọng FPT sẽ có chỗ đứng nhất định trong ngành bán dẫn toàn cầu và sẽ ký được những hợp đồng đáng kể từ các đối tác đặc biệt là Mỹ, qua đó góp phần cho sự tăng trưởng doanh thu dài hạn.

    VNDirect nhận định, thị trường đang phản ứng tích cực với câu chuyện bán dẫn, đặc biệt là khi các cổ phiếu liên quan đến chip bán dẫn đã được định giá lại mạnh mẽ trong những năm gần đây. Vì vậy, mặc dù đóng góp trực tiếp của bán dẫn vào kết quả tài chính không thực sự đáng kể, nhưng thị trường thậm chí có thể sẵn sàng trả cho cổ phiếu FPT một mức giá cao để chờ đợi một câu chuyện xa hơn.

    photo-1716898271185

    Dịch vụ CNTT toàn cầu dự kiến đạt mức tăng trưởng doanh thu 25% trong năm 2024

    Xét ngắn hạn trong năm 2024, Chứng khoán VNDirect kỳ vọng mảng dịch vụ CNTT toàn cầu của FPT sẽ tiếp tục tăng tốc, doanh thu cả năm có thể đạt mức tăng trưởng 25%. Động lực chính sẽ đến từ thị trường Nhật Bản với mức tăng trưởng 34% do tình trạng thiếu hụt nhân sự CNTT tại quốc gia này. FPT sở hữu chất lượng dịch vụ cao với giá cả cạnh tranh, hiện đã trở thành nhà thầu CNTT tại một số doanh nghiệp Nhật lớn giúp FPT có lợi thế hơn. FPT đặt mục tiêu đạt doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường Nhật Bản vào năm 2027, tương đương mức tăng trưởng kép 34%.

    Thị trường APAC cũng có thể đạt tốc độ tăng trưởng 30%, nhờ quá trình chuyển đổi sang các giải pháp dựa trên điện toán đám mây được dự đoán sẽ có sự đột biến đáng kể, với tăng trưởng kép 30% cho đến năm 2026 trong bối cảnh lượng khách hàng lớn gia tăng tại Hàn Quốc (LG, SK,…), Singapore, Malaysia và Indonesia.

    Trong khi đó, thị trường Mỹ cũng được dự báo sẽ phục hồi 18% vào năm 2024, nhờ nhu cầu dịch vụ CNTT phục hồi ở Mỹ. FPT hiện chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng chi tiêu CNTT của thị trường này (ước tính khoảng 2.000 tỷ USD mỗi năm) và ba thương vụ M&A mới trong năm 2023 giúp tăng cường sự hiện diện tại thị trường Mỹ. Điểm thuận lợi ở đây là FPT cung cấp giá dịch vụ cạnh tranh so với các đối thủ, với chất lượng dịch vụ tương đương.

    photo-1716898305295

    Đặc biệt, VNDirect đánh giá việc nâng cao năng lực thu hút khách hàng mới và đảm bảo các đơn đặt hàng lớn sẽ giúp FPT mở rộng bền vững. Cách thức tiếp cận của FPT tại các thị trường toàn cầu quan trọng như Nhật Bản và Mỹ là tập trung vào việc tiếp cận tệp khách hàng tầm trung (doanh thu từ 1 triệu USD đến 5 triệu USD) và khách hàng lớn (trên 5 triệu USD) để ký kết các hợp đồng có giá trị cao. Các mối quan hệ hợp tác với các tập đoàn lớn có xu hướng lâu dài do khó khăn trong chuyển đổi đối tác, do đó đảm bảo nguồn thu trung hạn ổn định.

    Theo góc nhìn của VNDirect, FPT đang tập trung vào M&A để mở rộng thương hiệu và cơ sở khách hàng ra nước ngoài nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh chuyển đổi kỹ thuật số một cách sâu rộng, mang lại tiềm năng lớn cho công ty. Những thương vụ M&A thành công sẽ giúp FPT tăng thị phần ở nước ngoài.

    photo-1716898322113

    Ngành giáo dục tạo đà, gia tăng đóng góp vào cơ cấu doanh thu của FPT

    Câu chuyện tại mảng giáo dục của FPT cũng tương đối hấp dẫn, VNDirect dự báo mảng này sẽ duy trì mức tăng trưởng 17% trong năm nay trong bối cảnh nhu cầu tuyển sinh lớn do Việt Nam thiếu hụt nhân lực CNTT có tay nghề cao. Theo Bộ TT&TT, Việt Nam phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trung bình hàng năm khoảng 200.000 chuyên gia CNTT.

    Đại học FPT đã vừa thành lập khoa bán dẫn và vi điện tử, dự kiến tuyển sinh khóa đầu tiên vào năm 2024. FPT Việt Nam đã trình Chính phủ đề xuất kế hoạch đào tạo 30.000-50.000 kỹ sư bán dẫn vào năm 2030. Về đào tạo nguồn lực, 2024, FPT đảm nhận chuyển giao giáo trình chương trình đào tạo công nghệ bán dẫn của Anh. Ngoài ra, tháng 3/2024, FPT khai trương chương trình đào tạo Thiết kế vi mạch tích hợp (IC) tại Hệ thống đào tạo FPT Jetking phối hợp với Ấn Độ.

    Theo HĐQT FPT, kể từ cuối năm 2024 tới đầu năm 2025, tập đoàn tiếp tục mở rộng diện phủ sóng hệ thống THPT liên cấp. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh mở rộng dạy nghề, hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông từ 9 tuổi trở lên trên khắp các vùng như Huế, Thanh Hóa, Hậu Giang.

    photo-1716898337613

    Sự phát triển của trung tâm dữ liệu là động lực chính cho tăng trưởng của Viễn thông trong giai đoạn 24-25.

    Báo cáo VNDirect cho biết ban lãnh đạo FPT đã lên kế hoạch đầu tư vào trung tâm dữ liệu tại Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025, với công suất từ 50 đến 100 megawatt. Cơ sở này sẽ được trang bị khả năng tính toán mạnh mẽ nhằm hỗ trợ một loạt các dịch vụ mới trong Trí tuệ Nhân tạo (AI) và Dữ liệu lớn.

    Hơn nữa, FPT cũng lập chiến lược cho việc thành lập một trung tâm dữ liệu khác tại Hà Nội, nhằm đáp ứng nhu cầu dữ liệu ngày càng tăng trong cả thị trường cả nước và khu vực. Đồng thời, công ty đang xem xét các khoản đầu tư vào hạ tầng cáp ngầm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng về khả năng mở rộng dung lượng dữ liệu, phù hợp với một tăng trưởng doanh thu hàng năm dự kiến từ 25-30% trong phân khúc cáp ngầm.

    Hãy bình luận đầu tiên

    Để lại một phản hồi

    Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


    *