Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/7, cổ phiếu CSV của CTCP Hóa chất Cơ bản miền Nam bật tăng hết biên độ lên mức 29.400 đồng/cp, thậm chí “trắng bên bán” với lượng dư mua giá trần hơn 400.000 cổ phiếu. Nhờ vậy, thị giá CSV vừa thiết lập mức đỉnh lịch sử, giá trị vốn hóa thị trường theo đó đạt hơn 3.200 tỷ đồng, cao hơn 42% so với thời điểm đầu năm.
Diễn biến khởi sắc của cổ phiếu đến ngay sau ngày “lăn chốt” trả cổ tức. Ngày 2/7 vừa qua là ngày đăng ký cuối cùng CSV chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền và nhận phát hành cổ phiếu để tăng vốn.
Cụ thể, doanh nghiệp này thực hiện trả cổ tức 2023 bằng tiền với tỷ lệ là 25% (1 cổ phiếu nhận 2.500 đồng) được chia làm 2 đợt. Đợt 1, cổ đông nhận cổ tức tỷ lệ 10%, thời gian thực hiện dự kiến vào 16/7. Đợt cổ tức còn lại cổ đông nhận cổ tức theo tỷ lệ 15%, thời gian dự kiến vào 7/10.
Ngoài ra, CSV cũng sẽ phát hành hơn 66 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 100:150 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 150 cổ phiếu mới). Sau khi phát hành, CSV sẽ tăng vốn điều lệ từ 442 tỷ lên 1.105 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện được lấy từ thặng dư vốn cổ phần, quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu và quỹ đầu tư phát triển.
Bên cạnh thông tin cổ tức, đà tăng mạnh của cổ phiếu CSV nhiều khả năng được thúc đẩy nhờ kỳ vọng thị trường xút thế giới tạo đáy và sẽ đảo chiều đi lên trong năm nay khi nhu cầu quay trở lại.
Theo đánh giá mới đây của Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem), thị trường xút – clo toàn cầu kỳ vọng sẽ đảo chiều đi lên trong năm 2024 khi chính sách thắt chặt tiền tệ tại các nền kinh tế lớn đang đi vào giai đoạn cuối và lãi suất dần hạ nhiệt, các ngành sản xuất công nghiệp trên thế giới dần hồi phục. Vinachem kỳ vọng rằng, xút – clo là những nguyên liệu cơ bản và thiết yếu của xã hội, do đó, các lĩnh vực sản xuất cũng như tiêu thụ xút-clo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong suốt thời gian của chu kỳ đi lên.
Được biết, CSV hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm hóa chất với các sản phẩm tiêu biểu như: Xút (NaOH), Axit Sunfuric (H2SO4), Axit Clohydric (HCl), Axit Photphoric (H3PO4), PAC,… đóng vai trò cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành sản xuất thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng như phân bón, sơn và mực in, thuốc bảo vệ thực vật, chất tẩy rửa, xử lý nước, tẩy mạ thép,…
Về kế hoạch kinh doanh 2024, Ban Lãnh đạo CSV đặt mục tiêu doanh thu 1.640 tỷ đồng tăng hơn 3% so với năm 2023, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 261 tỷ đồng giảm 10% so với năm 2023. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 4 năm của CSV.
Ban lãnh đạo CSV nhận định năm nay có nhiều khó khăn như giá bán các sản phẩm NaOH, HCI trên thị trường đang giảm, các sản phẩm H3PO4 hay H2SO4 chịu sự cạnh tranh gay gắt từ hàng nhập giá rẻ, tiêu dùng và xuất khẩu vẫn gặp khó khăn. Tuy nhiên, CSV có những điều kiện thuận lợi khi nguyên vật liệu chính cho sản xuất được duy trì ổn định, lượng khách hàng ổn định dù mức độ cạnh tranh cao hơn, đẩy mạnh tiêu thụ cho TKV, mức tồn kho phù hợp với tiến độ sản xuất.
Năm 2023 trước đó, CSV ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.588 tỷ đồng, giảm 25% và lợi nhuận trước thuế đạt 289 tỷ đồng, lần lượt giảm 25% và 43% so với năm 2022. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn vượt 7% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Để lại một phản hồi