Hòa chung với sự sôi động của thị trường, cổ phiếu ngành thép cũng ghi nhận đà bứt phá tốt. Sắc xanh phủ khắp trên hầu hết các mã, thậm chí nhiều cổ phiếu tăng bốc lên đỉnh ngắn hạn. Trong đó, mã TVN của Tổng Công ty Thép Việt Nam – CTCP (VNSteel) ghi nhận sắc tím ngay đầu phiên sáng 4/7, thị giá leo lên ngưỡng 10.400 đồng/cp. Đây là mức giá cao nhất trong hơn 2 năm của TVN, từ tháng 5/2022. So với đầu năm 2024, thị giá TVN tăng gần 63%, còn nếu so với chân sóng cách đây khoảng 2 tháng thì mức tăng lên tới hơn 82%.
Diễn biến khởi sắc đi kèm với thanh khoản bùng nổ, từ vài trăm nghìn cổ phiếu được khớp lệnh lên hàng triệu đơn vị, giá trị giao dịch cũng cải thiện lên ngưỡng hàng chục tỷ đồng mỗi phiên.
Đà tăng của cổ phiếu TVN diễn ra bất chấp cổ phiếu đang trong diện cảnh báo do báo cáo tài chính năm bị tổ chức kiểm toán ngoại trừ 3 năm liên tiếp. Gần nhất, BCTC đã kiểm toán năm 2023 cũng có ý kiến loại trừ của kiểm toán liên quan đến dự phòng tổn thất dài hạn tại Dự án cải tạo và mở rộng dự án Gang Thép Thái Nguyên, tại khoản đầu tư vào công ty Luyện Kim Việt Trung và khoản đầu tư vào Công ty cổ phần sắt Thạch Khê.
VNSteel được thành lập từ năm 1995 trên cơ sở hợp nhất những đơn vị sản xuất kinh doanh của ngành thép Việt Nam là Tổng công ty Kim khí và Tổng công ty Thép. Hiện nay, VNSteel hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với gần 40 đơn vị trực thuộc, công ty con và công ty liên kết.
Thực tế, không chỉ riêng TVN, ngành thép thời gian qua đón tin vui khi Bộ Công thương đã phát đi thông báo khởi xướng điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Theo trình tự, Bộ Công thương sẽ gửi Bản câu hỏi rà soát tới các đơn vị liên quan sau 15 ngày kể từ ngày khởi xướng. Đây sẽ là cơ sở để đưa ra kết luận sơ bộ điều tra. Thời kỳ điều tra để xác định hành vi bán phá giá (POI) 1/4/2023-31/3/2024.
Bên cạnh đó, thị trường thép nội địa cũng đang ghi nhận sức mua có tín hiệu phục hồi rõ ràng hơn trng bối cảnh giá thép duy trì khá ổn định, tạo điều kiện thúc đẩy kết quả kinh doanh trong quý 2/2024. Đồng thời, nhóm doanh nghiệp thép còn đón thêm những thông tin, chỉ đạo hỗ trợ tại Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024, VNSteel ghi nhận doanh thu thuần 7.513 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2023. Khấu trừ chi phí, lãi sau thuế gần 46 tỷ, trong đó lãi ròng thuộc về công ty mẹ là hơn 36 tỷ đồng, giảm khoảng 44% so với quý 1/2023.
Năm 2024, doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh hợp nhất với tổng doanh thu 31.500 tỷ đồng và LNTT 120 tỷ đồng. Như vậy chỉ sau 3 tháng doanh nghiệp đã hoàn thành 44% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Tại thời điểm 31/3/2024, tổng tài sản của VNSteel đạt 25.246 tỷ đồng, tăng 1.900 tỷ so với đầu năm, trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 12.661 tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền ghi nhận 1.166 tỷ đồng, cộng thêm 3.424 tỷ đồng phải thu ngắn hạn từ khách hàng. Ngoài ra VNSteel còn hơn 402 tỷ đồng phải thu khác, trong đó 70 tỷ là tiền cổ tức và lợi nhuận được chia.
Đặc biệt, doanh nghiệp ghi nhận phải thu dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi gần 595 tỷ đồng. VNSteel không thuyết minh cụ thể về khoản mục này, song phần thuyết minh có khoản mục nợ xấu với giá trị hơn 804 tỷ đồng.
Tính đến quý 1/2024, VNSTEEL có tổng nợ phải trả 15.985 tỷ đồng. Trong đó, gần 80% là nợ phải trả ngắn hạn, chiếm hơn 6.800 tỷ là vay nợ tài chính. Ngoài ra doanh nghiệp còn vay nợ dài hạn hơn 1.714 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 9.260 tỷ trong đó gần 1.890 tỷ đồng là LNST chưa phân phối.
Gần nhất, công ty con của VNSteel là CTCP Thép Thủ Đức – VNSTEEL (mã: TDS) đã chốt danh sách cổ đông thực hiện chi trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ “khủng” 70% (7.000 đồng/cp). Ngày thanh toán dự kiến 12/07/2024. Nhờ việc nắm giữ 65% vốn, VNSteel dự kiến sẽ “bỏ túi” gần 56 tỷ đồng tiền mặt cổ tức. Số tiền cổ tức thu về từ công ty con thậm chí cao hơn cả mức lãi ròng kinh doanh trong cả quý đầu năm của doanh nghiệp này.
Để lại một phản hồi