Sáng 22/7, TAND TP Hà Nội mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng 49 bị cáo khác trong vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn FLC.
Theo cáo buộc, ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC, nguyên Chủ tịch Công ty CP Hàng không Tre Việt) là chủ mưu, chỉ đạo, hợp thức, sử dụng vốn góp khống của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên thành 4.300 tỷ đồng, bán hơn 391 triệu cổ phiếu ROS, chiếm đoạt hơn 3.621 tỷ đồng.
Bị cáo Trịnh Văn Quyết bị truy tố về hai tội danh trên và được cơ quan tố tụng xác định, phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho hơn 30.000 bị hại hoặc hơn 63.000 người liên quan là những nhà đầu tư trái phiếu ROS (gồm cá nhân hoặc pháp nhân).
Trước khi phiên tòa diễn ra, người thân của bị cáo này đã nộp thêm 23 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Tại giai đoạn điều tra và truy tố, ông Trịnh Văn Quyết đã nộp hơn 189,5 tỷ đồng, tổng số tiền ông Quyết khắc phục là hơn 212 tỷ đồng.
Phiên tòa xét xử ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm dự kiến kéo dài trong nhiều ngày.
Để phục vụ công tác xét xử, TAND TP Hà Nội đã đăng danh sách những người được triệu tập đến phiên tòa trên cổng thông tin của Tòa. Theo đó, gần 100.000 bị hại, người liên quan được khuyến cáo truy cập và nhận thông báo đưa vụ án ra xét xử, thay vì nhận trực tiếp giấy triệu tập như các phiên tòa thông thường.
Ông Trịnh Văn Quyết sở hữu hơn 215 triệu cổ phiếu của FLC, ở CTCP Xây dựng FLC FAROS (mã ROS) ông nắm hơn 23,7 triệu cổ phiếu, ở CTCP Đầu tư khai khoáng & Quản lý tài sản FLC (mã GAB) nắm hơn 7,6 triệu cổ phiếu và ở CTCP Chứng khoán BOS (mã ART) nắm hơn 3,15 triệu cổ phiếu. Trịnh Văn Quyết từng lọt top 5 người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2017 (tính theo giá trị cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán). Cổ phiếu FLC hiện đã bị hủy niêm yết bắt buộc.
Tại thời điểm bị bắt, ông Quyết bị kê biên 3 tài sản bất động sản tại Khu đô thị Mỹ Đình II, Nam Từ Liêm, Hà Nội với diện tích lần lượt gần 800m2, 200m2 và 200m2.
Ông Quyết và Tập đoàn FLC còn từng sở hữu du thuyền triệu USD FLC Albatross và 2 siêu xe Rolls-Royce. Với chiếc Rolls-Royce Ghost mạ vàng, ngân hàng đã hạ giá tới 5 lần còn 8,587 tỷ đồng. Còn chiếc Rolls-Royce Phantom Lửa thiêng cũng hạ từ hơn 28 tỷ đồng xuống hơn 16,5 tỷ đồng. Phải đến lần thứ 7 hạ giá, chiếc xe này mới có chủ.
Để lại một phản hồi