Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam – CTCP (Vinafor, mã VIF) đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với doanh thu tăng 3% lên 769 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là thu từ Kinh doanh thương mại gỗ với 348 tỷ. Tiếp sau, hai mảng Bán thành phẩm sản xuất từ gỗ và Hoạt động khai thác trồng rừng lần lượt đem về 218 tỷ và 132 tỷ doanh thu.
Khấu trừ giá vốn, Vinafor lãi gộp 136 tỷ đồng, tương đương biên LNG đạt 18%. Lãi gộp từng mảng có sự khác biệt lớn. Với hoạt động kinh doanh thương mại gỗ, dù đóng góp nguồn thu lớn song biên lãi tương đối mỏng, chỉ ở mức 1%, tương ứng lãi gộp hơn 9 tỷ.
Trong khi đó, biên LNG mảng khai thác trồng rừng lên tới 45% – mức cao nhất trong hơn 2 năm qua, tương đương lãi gộp gần 60 tỷ. Còn lại lãi bán thành phẩm sản xuất từ gỗ đạt gần 45 tỷ, biên LNG đạt 20%.
Mặt khác, lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết đóng góp không nhỏ với 177 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ. Tính tới 30/6/2024, Vinafor có 21 công ty liên kết, nổi bật với khoản vốn góp 30% tại Công ty Yamaha Việt Nam.
Khấu trừ các chi phí khác, Vinafor lãi sau thuế 215 tỷ đồng sau nửa đầu năm 2024, tăng trưởng 54% so với cùng kỳ năm trước.
Mỗi năm đều đặn thu nghìn tỷ từ khai thác rừng, gỗ
Vinafor tiền thân là Tổng công ty Lâm sản Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 667/QĐ/TCCB ngày 04/10/1995 của Bộ Lâm nghiệp cũ trên cơ sở sáp nhập 10 Tổng công ty và Liên hiệp các xí nghiệp thuộc Bộ Lâm nghiệp cũ. Tới năm 2016, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam – CTCP chính thức hoạt động, ngành nghề chính liên quan tới sản xuất kinh doanh rừng trồng và giống cây lâm nghiệp, trồng rừng và khai thác rừng, khai thác gỗ, sản xuất các thành phẩm từ gỗ…
Giai đoạn 2012 – 2023, công ty duy trì mức doanh thu hàng nghìn tỷ mỗi năm (ngoại trừ năm 2016). Riêng trong năm 2023, doanh thu Vinafor đạt 1.685 tỷ đồng, trong đó tổng thu từ khai thác trồng rừng, kinh doanh gỗ và thành phẩm từ gỗ đạt xấp xỉ 1.280 tỷ. LNST giảm 43% xuống 276 tỷ.
Bước sang năm 2024, với kỳ vọng thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ dần phục hồi, Vinafor đặt mục tiêu tăng trưởng dương, doanh thu hợp nhất toàn Tổng Công ty gần 2.000 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 317 tỷ đồng. Như vậy công ty đã hoàn thành 68% mục tiêu lãi cả năm sau nửa chặng đường.
Mặt khác, Vinafor cũng có truyền thống chi trả cổ tức đều đặn và bằng tiền mặt. Từ năm 2017 tới nay công ty duy trì chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ từ 6-20%. Ngay trong đầu tháng 8 vừa qua, Vinafor vừa chi trả cổ tức năm 2023 cho cổ đông tỷ lệ 9,21% (01 cổ phiếu được nhận 921 đồng), tương đương chi hơn 322 tỷ.
Cơ cấu cổ đông ghi nhận Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn nắm 51% vốn tương ứng gần 18 triệu cổ phiếu; bên cạnh đó Tập đoàn T&T nắm 40% vốn tương ứng 14 triệu cổ phiếu. Như vậy, tiền cổ tức hai cổ đông lớn trên thu về lần lượt đạt 164 tỷ và 129 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu VIF lên giao dịch trên UPCoM từ năm 2016 sau đó chính thức niêm yết tại HNX vào năm 2020. Hiện thị giá đạt 17.300 đồng/cp.
Để lại một phản hồi