Đến 10 giờ ngày 14-8, VN-Index tiếp tục phục hồi lên 1.233 điểm, tăng nhẹ 3 điểm và đánh dấu phiên phục hồi thứ 6 liên tiếp sau cú lao dốc hồi đầu tháng 8. HNX-Index cũng tăng nhẹ lên 230,47 điểm.
Theo ghi nhận, rất nhiều nhà đầu tư đã bán ra hoặc cắt lỗ khi VN-Index xuống sát vùng 1.200 điểm, thậm chí phiên ngày 5-8 còn thủng mốc 1.190 điểm. Đến nay, khi thị trường liên tục phục hồi, nhiều cổ phiếu tăng giá trở lại nhưng chưa có sự lan tỏa và dòng tiền còn khá yếu, nhiều nhà đầu tư rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” vì “đứng ngoài thì sốt ruột” mà “mua vào thì sợ thị trường giảm trở lại.
Nói về vấn đề này, ông Barry Weisblatt David, Giám đốc Khối phân tích, Công ty chứng khoán VNDIRECT, cho rằng nhìn xa hơn, nhiều nhóm ngành sẽ mang lại cơ hội đầu tư tốt cho thời gian còn lại của năm 2024, trong đó có ngân hàng và thép.
Đối với các ngân hàng, dù chất lượng tài sản đã suy giảm trong thời gian gần đây nhưng sẽ phục hồi trong những tháng tới khi nền kinh tế Việt Nam được cải thiện. Các luật liên quan đến thị trường bất động sản mới có hiệu lực từ 1-7 sẽ giúp các ngân hàng dễ dàng hơn trong việc ghi nhận giá trị từ tài sản thế chấp. Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ, vượt mục tiêu 15% của Ngân hàng Nhà nước sẽ thúc đẩy thu nhập của ngân hàng thương mại. Hiện các ngân hàng đang giao dịch ở mức định giá P/B là 1,7 lần, thấp hơn so với mức trung bình 5 năm và được cho là hấp dẫn.
“Đối với ngành thép, ngành sản xuất công nghiệp này có mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ là 437,3% so với cùng kỳ trong quý II/2024, Hòa Phát (HPG) đã tăng trưởng 129%, Hoa Sen (HSG) tăng 18 lần còn Nam Kim (NKG) tăng 75%… dù chủ yếu đến từ lợi nhuận tài chính. Xuất khẩu thép cuộn và tôn mạ tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm và sự phục hồi của thị trường bất động sản cũng sẽ giúp thúc đẩy tiêu dùng nội địa” – ông Barry Weisblatt David nói.
Các chuyên gia Khối phân tích, Công ty chứng khoán MBS, khuyến nghị cơ hội đầu tư ở một số nhóm cổ phiếu có câu chuyện nh logistics, đầu tư công, dệt may, dầu khí, chứng khoán, bất động sản khu công nghiệp…
Theo MBS, thị trường trong nước sụt mạnh ở phiên đầu tuần trước không xuất phát từ yếu tố nội tại của nền kinh tế nên khi những thông tin tác động bên ngoài lắng xuống, nhà đầu tư sẽ quay lại xem xét và mua vào cổ phiếu. So với mức đáy ngắn hạn, VN-Index hiện đã hồi lại 3% nhưng mặt bằng cổ phiếu có sức bật mạnh hơn. Rất nhiều nhóm cổ phiếu có mức tăng tốt như đầu tư công, dệt may, thực phẩm, chứng khoán, công nghệ…
“Đây sẽ là tín hiệu để dòng tiền tuần này quay thị trường khi nhiều cổ phiếu đã “xóa sạch” mức giảm ở phiên đầu tuần trước, thậm chí còn bật cao hơn. Về kỹ thuật, các cổ phiếu như vậy có xác suất tạo đáy sớm hơn thị trường chung” – chuyên gia của MBS nói.
Công ty chứng khoán ACBS cho rằng nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình (VNMID) có tỉ lệ tăng giá tốt nhất kể từ đầu năm khoảng 19,4%. Trong khi cổ phiếu VN30 có mức tăng tương đương VN-Index và 22 nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ chỉ tăng 4,2%. Nền định giá P/E của VN30 vẫn thấp hơn giai đoạn 2020-2024 khá nhiều.
Theo chuyên gia của ACBS, cơ hội trong nửa cuối của năm sẽ có phần nghiêng về nhóm VN30 (trong đó cổ phiếu ngân hàng chiếm tỉ trọng lớn), đặc biệt trong bối cảnh FED hạ lãi suất và dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia trở lại thị trường.
Ngoài ra, ACBS nâng triển vọng ngành bán lẻ, tiêu dùng từ trung tính lên tích cực như FRT, MWG, PNJ, DHG, DHC, VNM… do kỳ vọng về đà phục hồi của ngành này sẽ mạnh hơn vào nửa cuối năm.
Để lại một phản hồi