Chiều 5/8, TAND TP Hà Nội tuyên xong vụ án 50 bị cáo trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán”, xảy ra tại Tập đoàn FLC. Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Quyết mức án 18 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3 năm tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán, tổng hợp hình phạt 21 năm tù.
Theo HĐXX hơn 25.800 nhà đầu tư được xác định là người bị hại, vì đây là những người đã bỏ tiền thật đểmua cổ phiếu ROS mà không biết mã này đã bị nâng khống giá trị. Do đó, tội phạm đã hoàn thành với thời điểm bị cáo Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của nhà đầu tư.
Trên nguyên tắc, các bị cáo cần bồi thường cho những nhà đầu tư bỏ tiền mua cổ phiếu ban đầu bị nâng khống. Song, tòa án phân tích, nhiều nhà đầu tư sau khi mua cổ phiếu ROS đã bán đi, có người mua bán nhiều lần trong nhiều thời điểm hoặc mua với các mức giá khác nhau.
Do đó, HĐXX cho rằng để đảm bảo công bằng cần buộc bị cáo Quyết và đồng phạm bồi thường cho các nhà đầu tư số tiền bị chiếm đoạt trên giá trị nâng khống của mỗi cổ phiếu đã bán ra trên thị trường, tương ứng với lượng cổ phiếu mà bị hại đang sở hữu.
Hơn 430 triệu cổ phiếu đã phát hành theo vốn điều lệ 4.300 tỷ đồng của Faros, trong đó giá trị bị cáo nâng khống là 3.102 tỷ đồng. Như vậy, mỗi cổ phiếu ROS đã được phát hành trên thị trường có đến 72,15% nâng khống. Chiếu theo mệnh giá mỗi cổ phiếu là 10.000 đồng, HĐXX ước tính ông Quyết và các bị cáo cần bồi thường 7.215 đồng/cp, nhân với khối lượng bị hại đang sở hữu.
Trong số 133 bị hại đang nắm giữ cổ phiếu ROS phát hành lần đầu có 85 người có đơn gửi toà án xác nhận đã nhận tiền bồi thường từ gia đình bị cáo Trịnh Văn Quyết. Vì vậy, HĐXX yêu cầu các bị cáo bồi thường cho những bị hại còn lại theo phương án nêu trên.
Với những người có liên quan, trong hơn 63.000 nhà đầu tư (không bao gồm bị cáo) đang sở hữu cổ phiếu ROS có hơn 27.800 nhà đầu tư yêu cầu bồi thường thiệt hại. HĐXX cho rằng hành vi nâng khống vốn sở hữu của Faros để lừa đảo chiếm đoạt tài sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến cổ phiếu ROS, khiến mã này bị huỷ niêm yết bắt buộc, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư. Do đó, các bị cáo cần chịu trách nhiệm về hành vi này.
Tuy nhiên, việc mua bán cổ phiếu được xác lập trên hàng triệu tài khoản chứng khoán trên thị trường nên việc xác định nhà đầu tư mua cổ phiếu của ai và thời điểm nào là không thể xác định.
Bên cạnh đó, giá trị cổ phiếu còn ảnh hưởng bởi các yếu tố từ thị trường, tâm lý nhà đầu tư. Mặt khác, Công ty Faros vẫn đang có giá trị lưu hành nên không thể buộc các bị cáo bồi thường toàn bộ số tiền nhà đầu tư đã bỏ ra mua cổ phiếu. Do đó, Toà cho rằng chỉ có thể buộc bị cáo bồi thường phần bị nâng khống trên mỗi cổ phiếu.
Đáng chú ý, tại phiên toà, HĐXX cho biết, sau khi phát hành 430 triệu cổ phiếu ROS trên HoSE, cơ quan điều tra xác định, Faros có thêm hai lần tăng vốn (lần 6 và 7) dẫn đến số vốn điều lệ cuối cùng là 5.675 tỷ đồng.
Cả 2 lần tăng vốn này đều dưới hình thức phát hành thêm cổ phiếu, tăng vốn điều lệ để chi trả cổ tức cho các cổ đông hiện hữu, và là hệ quả tiếp theo của 5 lần nâng khống vốn trước đó.
Số tiền tăng vốn lần 6 và 7 không được tính là nâng khống nên sau lần tăng vốn thứ 7, số vốn thật của Faros là 2.573 tỷ đồng, vốn khống là 3.102 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ 5.675 tỷ đồng.
Như vậy, tỷ lệ vốn khống trên tổng vốn điều lệ là 54,66%. Mỗi cổ phiếu giá 10.000 đồng, thì các bị cáo phải bồi thường số tiền tương đương 5.466 đồng/cổ phiếu.
“Tại phiên tòa, bị cáo Quyết đề nghị ghi nhận toàn bộ trách nhiệm dân sự, nhưng để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bị hại và người liên quan, cần buộc các bị Quyết và Huế liên đới bồi thường cho các nhà đầu tư số tiền đã lừa đảo chiếm đoạt”, HĐXX tuyên bố.
Tổng mức bồi thường hơn 1.700 tỷ đồng
Theo phương án HĐXX phân tích, buộc các bị cáo phải bồi thường cho 85 có đơn (trong số 133 người còn giữ cổ phiếu F0, mua trực tiếp từ Trịnh Văn Quyết và 15 cổ đông ban đầu) là hơn 2,5 tỷ đồng, đồng thời, phải bồi thường cho người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (có yêu cầu bồi thường) tổng số tiền hơn 1.783 tỷ đồng. Những người chưa có đơn trong số trên vẫn được quyền yêu cầu.
Ngoài ra, các bị cáo khác giữ vai trò thấp hơn, không hưởng lợi mà làm theo chỉ đạo của Quyết, Huế và đã nộp lại tiền hoặc cổ phiếu được chia, tài sản đang bị phong tỏa thi hành án nên HĐXX không buộc bồi thường.
Về các tài sản bị kê biên được ông Trịnh Văn Quyết và nhiều luật sư yêu cầu gỡ phong toả, tuy nhiên HĐXX tuyên vẫn giữ nguyên biện pháp này để đảm bảo thi hành án.
Để lại một phản hồi