Điểm đáng chú ý là dự thảo luật bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5 g/100 ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) để thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của WHO, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và Bộ Y tế.
Về nội dung này, cơ quan thẩm tra cho biết đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với việc bổ sung sản phẩm này vào diện chịu thuế để góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng, mở rộng cơ sở thuế. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB vì mức tiêu thụ nước giải khát có đường của Việt Nam không cao; số lượng các quốc gia quy định thu thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường hiện nay là không nhiều. Cùng với đó, nước giải khát có đường không phải là nguyên nhân chính và duy nhất gây ra bệnh béo phì. Để hạn chế tình trạng thừa cân béo phì, việc sử dụng các giải pháp khác có thể sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
Nêu quan điểm về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhấn mạnh đối với việc bổ sung nước giải khát vào đối tượng chịu thuế TTĐB, cần lấy thêm kinh nghiệm quốc tế, thống kê có bao nhiêu nước đánh thuế TTĐB đối với mặt hàng này. Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cần có đánh giá tác động toàn diện để tránh tác động sản xuất, tiêu dùng. Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cũng nhìn nhận, cơ quan soạn thảo cần đánh giá tác động kỹ hơn vì hiện nay có nhiều thực phẩm có đường, phải chứng minh được sản phẩm nước giải khát có đường gây ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào, nếu hạn chế thì sẽ tác động đến sức khỏe như thế nào.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng đây là dự thảo luật quan trọng, cần đánh giá tác động toàn diện, kỹ lưỡng để sửa đổi phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đối với mặt hàng nước giải khát có đường, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ hơn về kinh nghiệm quốc tế, tính công bằng giữa các sản phẩm có đường; tính thuyết phục khi áp thuế với việc hạn chế sử dụng sản phẩm này. Bên cạnh đó, xem xét để có lộ trình áp thuế hợp lý với các đối tượng trong dự thảo luật.
Liên quan đến đề xuất tăng thuế TTĐB đối với rượu, bia như Báo Người Lao Động thông tin trên số báo phát hành ngày 27-9, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát, nêu rõ quan điểm chung của DN ngành rượu, bia là chấp hành chủ trương của nhà nước.
Tuy nhiên, theo ông Việt, đây là vấn đề cần cân nhắc. Hiện nay, ngành đồ uống gặp nhiều khó khăn, kéo dài từ dịch COVID-19 và sau đó là tác động của các xung đột địa chính trị trên thế giới làm chuỗi cung ứng đứt quãng. Bên cạnh đó, tác động của Nghị định 100 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông. Gần đây nhất, Quốc hội thông qua dự Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, theo đó cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông… Trong bối cảnh như vậy, DN ngành rượu bia thực sự gặp rất nhiều khó khăn.
Năm 2023, sản xuất của các DN ngành rượu bia giảm kỷ lục. Năm 2024, đà giảm này vẫn chưa dừng lại khi số liệu công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy doanh thu 8 tháng đầu năm của toàn ngành tiếp tục giảm 4% so với cùng kỳ năm 2023.
Để lại một phản hồi