Một hãng bay Việt Nam được xóa tiền phạt chậm nộp thuế, chỉ phải nộp tiền nợ gốc

TIN MỚI

    Chiều 30/11, với 464/464 (100% đại biểu có mặt) tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15. Theo đó, Quốc hội đồng ý thông qua các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 để Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sớm phục hồi và phát triển bền vững.

    Trong đó cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với quy mô tối đa 22.000 tỷ đồng.

    Giai đoạn 1, cho phép Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua khi Vietnam Airlines thực hiện phương án tăng vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng.

    Một hãng bay Việt Nam được xóa tiền phạt chậm nộp thuế, chỉ phải nộp tiền nợ gốc- Ảnh 1.

    Vietnam Airlines được chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ.

    Giai đoạn 2, chấp thuận về chủ trương, giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện phương án (gồm phương án Nhà nước chuyển giao quyền mua cổ phần cho doanh nghiệp) với quy mô phát hành tối đa 13.000 tỉ đồng.

    Đặc biệt, nghị quyết cũng cho phép Công ty CP Hàng không Pacific Airlines được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tính trên các khoản nợ thuế phát sinh theo quyết định của cơ quan thuế có thẩm quyền, còn nợ đến ngày 31/12/2024.

    Pacific Airlines có trách nhiệm nộp toàn bộ số tiền thuế còn nợ (nợ gốc) trước ngày 31/12/2024.

    Sau thời hạn trên, cơ quan thuế thực hiện tính tiền chậm nộp, đôn đốc và áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo đúng quy định. Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện về số liệu, nội dung phương án đề xuất.

    Đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện cam kết trước Quốc hội về hiệu quả của việc triển khai các giải pháp này.

    Kiểm toán Nhà nước thực hiện theo nhiệm vụ được giao tại các nghị quyết của Quốc hội, trong đó xem xét, bố trí trong kế hoạch kiểm toán 2024 – 2025 các hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản của nhà nước tại Vietnam Airlines…

    Kịp thời có kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền và Vietnam Airlines nhằm tránh thất thoát, lãng phí nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines.

    Hồi tháng 4 năm nay, Vietnam Airlines – công ty mẹ của Pacific Airlines cho biết doanh thu năm 2023 của hãng bay giá rẻ này tăng gần 26% lên 4.389 tỷ đồng. Tuy nhiên, Pacific Airlines vẫn lỗ trước thuế 1.499 tỷ đồng.

    So với năm trước đó, hãng giảm lỗ hơn 28%. Lũy kế từ khi bị đại dịch tác động đến hết năm ngoái, lợi nhuận trước thuế của Pacific Airlines âm hơn 8.000 tỷ đồng.

    Theo Vietnam Airlines, kết quả kinh doanh của Pacific Airlines bị ảnh hưởng tiêu cực bởi thị trường quốc tế phục hồi chậm, còn tốc độ tăng trưởng khách nội địa cũng không đạt so với kế hoạch. Đồng thời, công ty cũng chịu chung khó khăn với các hãng khác như giá nhiên liệu tăng cao, tỷ giá biến động mạnh.

    Một hãng bay Việt Nam được xóa tiền phạt chậm nộp thuế, chỉ phải nộp tiền nợ gốc- Ảnh 2.

    Pacific Airlines được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tính trên các khoản nợ thuế phát sinh theo quyết định của cơ quan thuế đến ngày 31/12/2024.

    Trước tình hình này, Vietnam Airlines nói sẽ tiếp tục triển khai những giải pháp phối hợp nguồn lực, đàm phán với nhà cung cấp việc giãn, hoãn thanh toán, hỗ trợ giảm giá nhằm giúp Pacific Airlines vượt qua giai đoạn khủng hoảng.

    Trước đó, ngày 18/3, Pacific Airlines phải dừng bay sau khi trả hết tàu bay. Hãng chỉ duy trì các hoạt động phục vụ mặt đất tại một số sân bay như Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng.

    Đến tháng 6 năm nay, Pacific Airlines cất cánh trở lại trên một vài đường bay nội địa, với tổng số 6-8 chuyến bay mỗi ngày. Giai đoạn cao điểm, hãng sẽ tăng cường các chuyến bay giữa TP HCM và Thanh Hóa, Vinh, Huế, Tuy Hòa.

    Với lịch bay trên, hãng này ước tính sẽ cung ứng gần 1.000 chuyến bay, tương đương hơn 180.000 chỗ trong giai đoạn cao điểm du lịch. Doanh nghiệp sẽ đưa vào khai thác ba máy bay Airbus A321, trong đó hai chiếc có cấu hình 203 ghế (8 ghế thương gia, 195 ghế phổ thông) và một chiếc với 184 ghế (16 ghế thương gia, 168 ghế phổ thông).

    Đại diện Pacific Airlines cho biết việc khôi phục hoạt động và các thay đổi trên là kết quả tích cực trong nỗ lực tái cơ cấu hãng, giúp hãng phục hồi nhanh chóng và phát triển ổn định. Tái cơ cấu là giải pháp hiệu quả giúp nhiều hãng hàng không trên thế giới vượt qua hậu quả của đại dịch Covid-19.

    Lần trở lại này, hãng sẽ nâng cấp tiêu chuẩn, cung cấp dịch vụ hạng thương gia và phổ thông với tiêu chuẩn suất ăn, hành lý tương tự Vietnam Airlines. Hành khách cũng được phục vụ hệ thống giải trí và các dịch vụ trên không khác cùng với chính sách cộng dặm dành cho hội viên giống như Vietnam Airlines.

    Hãy bình luận đầu tiên

    Để lại một phản hồi

    Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


    *