Tuyệt vọng ở chiến tuyến đông Ukraine

Giới chức Ukraine lâu nay vẫn nỗ lực xây dựng hình ảnh một lực lượng quân đội hùng mạnh, kiên cường, thường xuyên tuyên bố rằng lực lượng quân tình nguyện và lính chuyên nghiệp của họ đang giành lợi thế trước lực lượng Nga.

Video về các cuộc tấn công nhằm vào xe tăng Nga được đăng hàng ngày trên mạng xã hội. Các nghệ sĩ Ukraine vẽ hàng loạt áp phích, biển quảng cáo và hình ảnh in trên áo phông với nội dung khơi dậy tinh thần yêu nước, sau khi quân đội đẩy lùi lực lượng Nga khỏi thủ đô Kiev, thành phố Kharkov và giành một số thắng lợi nhỏ trên chiến trường miền đông.

Nhưng tại chiến tuyến Donbass, Serhi Lapko, chỉ huy một đại đội quân tình nguyện ở chiến trường miền đông Ukraine, cho thấy một bức tranh rất khác về cuộc xung đột. Lapko kể rằng lính của ông chỉ có một củ khoai tây cầm hơi mỗi ngày, mắc kẹt trong chiến hào dưới làn hỏa lực dữ dội từ pháo binh Nga.

Với quân số ít hơn, không được huấn luyện bài bản và chỉ được trang bị vũ khí hạng nhẹ, họ giờ đây chỉ còn biết cầu nguyện cho cuộc xung đột mau chóng kết thúc và xe tăng của quân đội chính quy Ukraine ngừng khai hỏa vào lực lượng Nga.

“Mỗi khi xe tăng khai hỏa, người Nga biết chúng tôi đang ở đâu”, Lapko nhớ lại diễn biến một trận đánh gần đây. “Và họ bắt đầu bắn trả bằng mọi thứ, từ hỏa tiễn Grad đến súng cối. Chúng tôi chỉ còn biết cầu nguyện”.

Một binh sĩ Ukraine ở chiến trường miền đông nước này. Ảnh: AFP.

Một binh sĩ Ukraine ở chiến trường miền đông nước này. Ảnh: AFP.

Ukraine, giống như Nga, cung cấp rất ít thông tin về con số thương vong, thiệt hại do chiến sự. Nhưng sau ba tháng xung đột, đại đội 120 quân tình nguyện của Lapko chỉ còn lại 54 thành viên. 66 người đã chết, bị thương hoặc đào ngũ.

Các lính tình nguyện đều là dân thường và đăng ký nhập ngũ ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng hai. Nhiều người trong số họ không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ bị điều động đến chiến tuyến ở miền đông Ukraine.

Nhanh chóng cảm nhận được sức ép khủng khiếp của các cuộc giao tranh, những người như Lapko cảm thấy bị cấp trên bỏ rơi và phải vật lộn đấu tranh để tồn tại. “Chỉ huy của chúng tôi không chịu trách nhiệm”, Lapko nói. “Họ chỉ giành lấy thành tích của chúng tôi mà không hỗ trợ gì”.

Lapko và trung úy Vitaliy Khrus, trung đội trưởng, tuần qua quyết định cùng một số thành viên trong đơn vị về một khách sạn cách xa tiền tuyến, dù biết họ có thể phải ra tòa án binh vì hành động của mình.

Ihor Kisileichuk, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn lính tình nguyện Ukraine, cấp trên của Lapko, không trả lời yêu cầu bình luận, song trong một tin nhắn gửi cho phóng viên Washington Post vào cuối ngày 26/5, ông nhấn mạnh “không có chỉ huy này, các đơn vị Ukraine vẫn sẽ bảo vệ lãnh thổ”. Kisileichuk dường như đang ám chỉ Lapko.

Một phát ngôn viên quân đội Ukraine chưa bình luận về vấn đề này.

Serhi Lapko (trái) và Vitaliy Khrus, hai sĩ quan chỉ huy của một đơn vị lính tình nguyện Ukraine đóng quân ở miền đông nước này. Ảnh: AP.

Đại đội trưởng Serhi Lapko (trái) và trung đội trưởng Vitaliy Khrus. Ảnh: AP.

“Xung đột khiến người ta sụp đổ”, Serhiy Haidai, người đứng đầu chính quyền quân sự tỉnh Lugansk của Ukraine, cho biết. Ông thừa nhận nhiều lính tình nguyện không được đào tạo bài bản trước cuộc xung đột, nhưng khẳng định tất cả các binh sĩ đều được hỗ trợ. “Họ có đủ vật tư y tế và thực phẩm. Vấn đề duy nhất là có những người không sẵn sàng chiến đấu”, ông nói thêm.

Nhưng một trung đội thuộc Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 115 Ukraine đóng quân tại thành phố Severodonetsk đang bị lực lượng Nga bao vây cũng nêu ra những mối lo ngại tương tự.

Trong một video đăng lên Telegram vào ngày 24/5 và đã được xác thực, các lính tình nguyện trong trung đội này cho biết họ sẽ không chiến đấu nữa vì thiếu vũ khí phù hợp cũng như hỗ trợ từ hậu phương và sự lãnh đạo của quân đội.

“Chúng tôi đã chờ quân tiếp viện trong vô vọng suốt hai tuần nay”, một lính tình nguyện tuyên bố trong video. “Chúng tôi không có chỉ huy có năng lực, không được trang bị đầy đủ, cũng không được ai tôn trọng”.

Ông cho hay trung đội này không từ chối chiến đấu bảo vệ lãnh thổ, mà chỉ muốn có vũ khí, trang bị phù hợp.

Quân đội Ukraine đã bác bỏ tuyên bố của các lính tình nguyện trong video, cho rằng họ có mọi thứ cần để chiến đấu. “Họ nghĩ mình đến đó để nghỉ ngơi. Đó là lý do họ rời bỏ vị trí”, một sĩ quan quân đội Ukraine chỉ trích.

Tuyệt vọng

Trước xung đột, Lapko là một thợ khoan giếng dầu và khí đốt, còn Khrus mua bán dụng cụ điện. Cả hai đều sống ở thành phố Uzhhorod và đã đăng ký gia Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ, đội dân quân được thành lập sau khi Nga phát động chiến dịch đặc biệt nhằm “phi quân sự hóa, phi phát xít hóa” Ukraine.

Lapko, với dáng người cao to như một đô vật, được chỉ định làm đại đội trưởng thuộc Tiểu đoàn Bộ binh Độc lập số 5, chỉ huy 120 thành viên. Khrus, cũng sở hữu thân hình vạm vỡ tương tự, trở thành chỉ huy trung đội dưới quyền Lapko.

Tất cả thành viên trong đại đội đều đến từ miền tây Ukraine. Họ được trang bị súng trường AK-47 và được huấn luyện sử dụng trong chưa đầy nửa tiếng.

“Chúng tôi tập bắn chừng 30 viên đạn và sau đó họ nói ‘Các bạn không thể bắn thêm, chúng quá đắt'”, Lapko kể.

Họ ban đầu được lệnh đến thành phố Lviv ở miền tây Ukraine. Khi đến nơi, họ lại tiếp tục nhận lệnh đi về phía nam và sau đó về phía đông, tới tỉnh Lugansk ở Donbass, nơi một phần lãnh thổ đã nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng ly khai do Moskva hậu thuẫn và đang diễn ra giao tranh dữ dội. Lapko cho hay một số thành viên trong đại đội ông từ chối chiến đấu và đã bị tòa án binh kết án tù.

Những người ở lại đóng quân tại thị trấn Lysychansk. Từ đó, họ được điều động đến Toshkivka, ngôi làng tiền tuyến giáp với khu vực ly khai, nơi lực lượng Nga đang áp sát. Họ đã rất ngạc nhiên khi nhận lệnh ra tiền tuyến.

“Trước đó, chúng tôi được thông báo rằng mình sẽ được bố trí ở tuyến phòng thủ thứ ba”, Lapko nói. “Nhưng chúng tôi lại bị đưa đến vạch số 0, ngay nơi tiền tuyến”.

Nơi đại đội lính tình nguyện của Lapko đóng quân đã trở thành tâm điểm của xung đột khi Nga tập trung hỏa lực nhằm kiểm soát khu vực này. Thành phố Severodonetsk, gần Lysychansk, đã bị quân đội Nga bao vây ba mặt. Cuối tuần qua, họ phá hủy một trong ba cây cầu vào thành phố và liên tục pháo kích hai cây cầu còn lại. Quân đội Ukraine bên trong Severodonetsk đang chiến đấu nhằm ngăn quân đội Nga bao vây hoàn toàn thành phố.

Đây cũng là nhiệm vụ dành cho những người lính tình nguyện của Lapko. Nếu Toshkivka thất thủ, lực lượng Nga có thể tiến quân theo hướng bắc tới Lysychansk và bao vây hoàn toàn Severodonetsk. Điều đó cũng sẽ cho phép quân đội Nga nhắm đến các thành phố lớn hơn trong khu vực.

Lúc mới đến, đại đội của Lapko nhận được thực phẩm gần như mỗi ngày, trừ những khi họ bị pháo kích dữ dội hoặc tình hình quá tệ. Nhưng những tuần gần đây, tình cảnh của họ ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Vì đường tiếp tế bị cắt đứt do các cuộc oanh kích, họ buộc phải cầm cự bằng cách ăn một củ khoai tây mỗi ngày.

Họ hầu như dành cả ngày ẩn nấp tại các chiến hào được đào trong rừng ở rìa làng Toshkivka hoặc dưới các tầng hầm của những ngôi nhà bỏ hoang. “Họ không có nước, không gì cả”, Lapko nói. “Chỉ có nước mà tôi mang cho họ mỗi ngày”.

Khrus cho rằng việc các lực lượng Nga chưa chọc thủng phòng tuyến của họ ở Toshkivka thực sự đã là một “phép màu”. Ngoài súng trường và lựu đạn, họ còn được cấp một số khẩu súng chống tăng RPG, nhưng không ai đại đội của Lapko được huấn luyện cách sử dụng vũ khí này.

Ông cho biết quân đội Nga có xe tăng, xe chiến đấu bộ binh, hỏa tiễn Grad và các loại pháo. “Tình hình hiện nay vẫn nằm trong vòng kiểm soát nhưng rất khó khăn”, Khrus nói. “Nếu họ dùng vũ khí hạng nặng, chúng tôi không có gì để chống đỡ. Chúng tôi hoàn toàn bất lực”.

Phía sau vị trí mà đại đội của Lapko đang phòng thủ, quân đội Ukraine có xe tăng, pháo và súng cối để yểm trợ. Nhưng khi xe tăng hoặc súng cối Ukraine khai hỏa, quân đội Nga sẽ đáp trả bằng hỏa tiễn Grad, thường là vào những khu vực mà quân của Lapko đang ẩn nấp.

Nhiều lần, họ không được pháo binh yểm trợ, do không được cung cấp thiết bị liên lạc vô tuyến với tuyến sau. Vì vậy, Lapko không thể kết nối với cấp trên ở Lysychansk để cầu cứu.

Cả Lapko và Khrus đều bi quan về tương lai. Họ tin mình sẽ chết trên mặt trận. Đó là lý do Lapko luôn mang theo một khẩu súng lục. “Nó chỉ là món đồ chơi so với họ, nhưng tôi mang nó bên mình để nếu họ bắt được tôi, tôi sẽ tự sát”, ông nói.

Nhưng bất chấp khó khăn, những người lính của Lapko vẫn chiến đấu kiên cường, ông nhấn mạnh. “Chàng trai này là một huyền thoại, một người hùng”, ông chỉ về phía Khrus. Trong một cuộc đụng độ gần đây, trung đội của Krush đã tổ chức trận phục kích bằng lựu đạn tấn công hai xe bọc thép chở khoảng 30 binh sĩ Nga.

Lapko đã đề nghị cấp trên tặng huân chương dũng cảm cho 12 người trong đơn vị, nhưng không được chấp thuận. Chỉ huy đã yêu cầu ông điều 20 binh sĩ đến một chiến tuyến khác, điều đó có nghĩa ông không thể luân chuyển người của mình ra khỏi Toshkivka. Lapko đã khước từ mệnh lệnh.

“Giọt nước cuối cùng làm tràn ly” diễn ra vào tuần trước, khi Lapko đến sở chỉ huy tại Lysychansk sau hai tuần bám trụ ở Toshkivka. Đến nơi, ông nhận ra rằng ban chỉ huy tiểu đoàn đã mang theo tất cả thức ăn, nước uống và trang thiết bị chuyển đến một thị trấn khác mà không thông báo cho Lapko.

“Họ bỏ mặc chúng tôi mà không có lời giải thích nào”, Lapko nói. “Tôi nghĩ chúng tôi được gửi đến đây chỉ để lấp đầy khoảng trống và không ai quan tâm đến việc chúng tôi sống hay chết”.

Vì vậy, Lapko, Khrus và một số thành viên trong đại đội của họ đã lái xe gần 100 km đến thành phố Druzhkivka, lưu trú trong một khách sạn vài ngày. “Các chàng trai của tôi muốn tắm rửa lần đầu tiên sau một tháng”, Lapko nói. “Bạn biết đấy, chúng tôi đã phải ngủ dưới hầm, trên những tấm đệm đầy chuột vây quanh”.

Vị trí làng Toshkivka, miền đông Ukraine. Đồ họa: Lugansk-news.com.

Vị trí làng Toshkivka, miền đông Ukraine. Đồ họa: Lugansk-news.com.

Ông và những người lính của mình khẳng định họ vẫn muốn trở lại mặt trận.

“Chúng tôi vẫn sẵn sàng chiến đấu và sẽ tiếp tục chiến đấu”, Lapko cho biết. “Chúng tôi sẽ bảo vệ từng mét đất của mình, nhưng với những mệnh lệnh phù hợp, không phải những chỉ đạo phi thực tế. Tôi đã tuyên thệ trung thành với nhân dân Ukraine. Chúng tôi đang bảo vệ Ukraine và chúng tôi sẽ không để bất kỳ ai xâm phạm, miễn là chúng tôi còn sống”.

Nhưng hôm 23/5, lực lượng kiểm soát quân sự Ukraine đã tới khách sạn của họ, bắt Khrus cùng một số thành viên khác tới một trung tâm giam giữ trong hai ngày, cáo buộc họ phạm tội đào ngũ. Lapko bị tước quyền chỉ huy và bị giam tại căn cứ ở Lysychansk.

Liên lạc qua điện thoại hôm 25/5, Lapko cho hay thêm hai người lính trong đại đội của ông đã bị thương ở tiền tuyến, khi lực lượng Nga tăng cường sử dụng tên lửa đạn đạo tầm ngắn, pháo phản lực, pháo hạng nặng và xe tăng tiến công dữ dội vào các thị trấn cùng thành phố ở tỉnh Lugansk và Donetsk.

Vũ Hoàng (Theo Washington Post)

  • Con sông cản bước lực lượng Nga ở đông Ukraine
  • Thành phố Ukraine có thể là ‘Mariupol thứ hai’
  • Những xạ thủ bắn tỉa nơi chiến tuyến đông Ukraine

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*