“Các quốc đảo ở Thái Bình Dương đều là những quốc gia có chủ quyền và độc lập, không phải là sân sau của ai đó. Họ đều có quyền lựa chọn của riêng mình chứ không phải lệ thuộc vào người khác”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu sau cuộc gặp với người đồng cấp Quốc đảo Solomon Jeremiah Manele hôm 27/5.
Ông Vương khẳng định tất cả quốc đảo Thái Bình Dương đều có quyền quyết định ký kết bất cứ thỏa thuận nào, thêm rằng mọi cuộc tấn công bôi nhọ nhằm vào sự hợp tác Trung Quốc – Quần đảo Solomon đều sẽ không thành công.
Trong cuộc gặp cùng ngày với Tổng thống quốc đảo Kiribati Taneti Maamau, ông Vương Nghị cho biết Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ các nước đang phát triển, đồng thời cáo buộc Mỹ cùng đồng minh cản trở sự phát triển của Bắc Kinh.
“Thế giới không hòa bình, dịch bệnh hoành hành, chiến sự liên miên và nghèo đói, lạc hậu có thể nhìn thấy khắp nơi. Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh lại quyết tập trung vào cản trở sự phát triển của Trung Quốc. Trung Quốc sẵn sàng làm hết sức mình để hợp tác với các nước đang phát triển nhằm thúc đẩy phát triển chung và xóa bỏ bất công”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn phát biểu của ông Vương Nghị.
Ngoại trưởng Trung Quốc đang trong chuyến công du 10 ngày tới các quốc đảo Thái Bình Dương, bắt đầu từ ngày 26/5 với điểm dừng chân đầu tiên là Quần đảo Solomon. Ông Vương Nghị sau đó tiếp tục tới Samoa, Fiji, Tonga, Vanuatu, Papua New Guinea và tổ chức các cuộc đàm phán trực tuyến với Quần đảo Cook, Niue và Liên bang Micronesia.
Trung Quốc được cho là sẽ tìm kiếm thỏa thuận “tăng cường trao đổi và hợp tác trong các lĩnh vực an ninh truyền thống và phi truyền thống” với 10 quốc đảo ở Thái Bình Dương.
Hồi tháng 4, Trung Quốc và Quốc đảo Solomon thông báo đã ký thỏa thuận an ninh nhưng không công bố chi tiết. Theo dự thảo bị rò rỉ hồi tháng 3, tàu thuyền Trung Quốc sẽ được phép thực hiện các hoạt động tiếp tế hậu cần, dừng chân và quá cảnh tại Quần đảo Solomon. Trung Quốc cũng có thể triển khai “các lực lượng thích hợp” để bảo vệ nhân viên cùng dự án của nước này ở Quần đảo Solomon.
Mỹ và các đồng minh nhiều lần bày tỏ lo ngại hiệp ước này có thể làm đảo lộn các thỏa thuận an ninh khu vực và tạo chỗ đứng quân sự cho Bắc Kinh ở Thái Bình Dương. Bắc Kinh bác cáo buộc này, khẳng định hiệp ước với Solomon chỉ tập trung vào chính sách trong nước, đồng thời chỉ trích phương Tây can thiệp tới chủ quyền của quốc đảo.
Ngọc Ánh (Theo SCMP)
Để lại một phản hồi