Trung Quốc chỉ trích Nhật Bản ‘ích kỷ’

“Theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển, Okinotori là một bãi đá ngầm, không phải đảo và không thể có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. Yêu sách của Nhật Bản đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở khu vực bãi đá ngầm này trái luật pháp quốc tế”, Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói trong cuộc họp báo thường kỳ hôm qua.

Bình luận được đưa ra sau khi chính phủ Nhật Bản đệ đơn lên LHQ nhằm thiết lập vùng đặc quyền kinh tế trải dài 370 km xung quanh bãi đá ngầm Okinotori. Nếu được chấp thuận, Nhật Bản sẽ có các đặc quyền về thăm dò và sử dụng tài nguyên biển trong khu vực rộng hơn 400.000 km2.

Tokyo cũng đã đệ trình yêu cầu lên Ủy ban LHQ về Giới hạn Thềm lục địa để mở rộng giới hạn thềm lục địa bên ngoài đường cơ sở hơn 370 km, cho phép Nhật Bản có thêm một khu vực rộng khoảng 300.000 km2.

Okinotori nằm cách Tokyo của Nhật Bản 1.740 km về phía nam và là vùng đất cực nam do Nhật Bản quản lý.

Khu vực bãi đá ngầm Okinotori. Ảnh: Kyodo.

Khu vực bãi đá ngầm Okinotori. Ảnh: Kyodo.

Các tuyên bố chủ quyền về bãi đá ngầm đã vấp nhiều tranh cãi với các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc và Hàn Quốc, những nước cho rằng Nhật Bản không thể có yêu sách ở khu vực này.

Người phát ngôn Triệu Lập Kiên nói Okinotori có diện tích bề mặt chưa tới 10 m2 khi thủy triều lên, nhưng Nhật Bản đang yêu cầu quyền tài phán gần 700.000 km2. “Động thái này đang xâm phạm hải phận quốc tế và khu vực đáy biển quốc tế, làm suy yếu lợi ích chung của cộng đồng quốc tế vì những lợi ích ích kỷ”, ông nói.

Công ước về Luật Biển mà Nhật Bản ký năm 1983 xác định rằng “các bãi đá không thể duy trì sự sinh sống của con người hoặc hoạt động kinh tế sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế”.

Trung Quốc cũng từng bị cáo buộc đưa ra các yêu sách trái với công ước, trong đó có các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016 ra phán quyết, tuyên bố yêu sách “quyền lịch sử” và “đường 9 đoạn” bao phủ 3,5 triệu km vuông ở Biển Đông của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế. Phán quyết của PCA có giá trị pháp lý và mang tính ràng buộc, nhưng không có cơ chế thi hành.

Thanh Tâm (Theo SCMP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*