Australia bác tuyên bố của Trung Quốc về vụ chạm trán máy bay ở Biển Đông

“Sự cố này xảy ra trong không phận quốc tế. Chấm hết”, Thủ tướng Australia Anthony Albanese trả lời báo chí hôm nay, đề cập tuyên bố trước đó của Bộ Quốc phòng Australia cáo buộc tiêm kích Trung Quốc cắt mặt “nguy hiểm”, đe dọa trinh sát cơ P-8 nước này hoạt động trên Biển Đông.

Trước đó một ngày, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi nói rằng máy bay tuần thám săn ngầm P-8 của Australia đã đến gần cái mà Trung Quốc tự nhận là “không phận” nước này đơn phương tuyên bố trên Biển Đông.

Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép nhiều thực thể ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, đồng thời tự vẽ ra “đường 9 đoạn” đòi yêu sách chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, trái quy định của luật pháp quốc tế và phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016.

Ông Đàm nói rằng Trung Quốc “đã phát cảnh báo để xua đuổi” máy bay Australia, đồng thời cáo buộc Canberra “đe dọa an ninh Trung Quốc”, phát tán “thông tin sai lệch”.

Trinh sát cơ P-8A của Australia làm nhiệm vụ trên Thái Bình Dương hồi năm 2016. Ảnh: BQP Australia.

Trinh sát cơ P-8A của Australia làm nhiệm vụ trên Thái Bình Dương hồi năm 2016. Ảnh: BQP Australia.

Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles hôm 5/6 cho hay tiêm kích J-16 Trung Quốc đã có hành vi bay cắt mặt chiếc P-8 của không quân Australia ở khoảng cách rất gần hôm 26/5, sau đó giải phóng một đám mây gây nhiễu gồm nhiều sợi nhôm mảnh. Chiếc P-8 đã hút phải số sợi nhôm này vào động cơ và phải quay về căn cứ.

“Đó rõ ràng là tình huống rất nguy hiểm”, ông Marles cho hay, đồng thời nhấn mạnh nước này sẽ duy trì những hoạt động hợp pháp trên Biển Đông và vụ chạm trán tiêm kích Trung Quốc “sẽ không thể ngăn Australia tiếp tục các hoạt động phù hợp với quyền và luật pháp quốc tế, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông”.

Australia phản đối các tuyên bố chủ quyền phi pháp mà Trung Quốc đơn phương đưa ra ở Biển Đông. Bộ Quốc phòng Australia lưu ý nước này đã tiến hành các hoạt động giám sát hàng hải trong khu vực suốt nhiều thập kỷ qua, “tuân thủ đúng luật pháp quốc tế, thực thi quyền tự do hàng hải và hàng không ở các vùng biển và vùng trời quốc tế”.

Quan hệ Trung Quốc – Australia trở nên căng thẳng trong vài năm qua, từ những cáo buộc Bắc Kinh can thiệp chính trị nội bộ Canberra đến điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19.

Hai nước đồng thời gia tăng cạnh tranh địa chiến lược ở khu vực các đảo quốc Thái Bình Dương, vốn được xem là khu vực ảnh hưởng truyền thống của Australia. Bắc Kinh đang tăng cường vận động các đảo quốc mở rộng quan hệ, từ đầu tư hạ tầng đến hợp tác an ninh.

Huyền Lê (Theo AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*