Nga cảnh báo ‘thảm họa khí đốt’ với Đức

“Khi toàn bộ tua-bin nén khí được đưa tới sửa chữa ở Canada, đường ống dẫn khí có thể ngừng hoạt động. Tôi nghĩ đó sẽ là thảm họa cho nước Đức”, đại sứ Nga tại Liên minh châu Âu (EU) Vladimir Chizhov phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế (SPIEF) ở thành phố St. Petersburg hôm 16/6.

Bình luận được đưa ra sau khi Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom liên tục thông báo giảm nguồn cung khí đốt hàng ngày tới Đức qua đường ống Nord Stream do tua-bin khí gặp vấn đề kỹ thuật. Hiện Gazprom cung cấp 67 triệu m3 khí đốt mỗi ngày cho Đức, giảm so với 167 triệu m3 trước đó, đồng nghĩa Nord Stream chỉ vận hành ở mức 40% công suất.

Đường ống Nord Stream được đưa vào vận hành vào năm 2012 để vận chuyển khí đốt từ tây bắc nước Nga tới Đức qua biển Baltic. Dự án đường ống Nord Stream 2, nhằm tăng gấp đôi lượng khí đốt tới Đức, đã bị đình chỉ như biện pháp trừng phạt của Berlin với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Các đường ống của Nord Stream ở Lubmin, Đức hồi tháng 3. Ảnh: Reuters.

Các đường ống của Nord Stream ở Lubmin, Đức hồi tháng 3. Ảnh: Reuters.

Gazprom quyết định giảm nguồn cung sau khi do tập đoàn Đức Siemens chậm trễ bàn giao các bộ phận tua-bin nén khí được sửa chữa ở Canada, do lệnh trừng phạt nhắm vào Nga. Giống nhiều công ty phương Tây, Siemens đã tuyên bố rút khỏi thị trường Nga sau khi Moskva mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2.

“Chúng ta nên hỏi Siemens, tại sao các bộ phận tua-bin nén khí phải được bảo trì ở Canada”, ông Chizhov nói. “Tôi không muốn đưa ra bất kỳ lời khuyên nào, nhưng tôi nghĩ họ có thể đã học được cách tự sửa tua-bin”.

Đức là nước phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck gọi động thái giảm nguồn cung của Gazprom là “quyết định mang tính chính trị, không chính đáng về mặt kỹ thuật”. Ông cho biết Đức hiểu bảo dưỡng đường ống là điều rất cần thiết, nhưng công việc đó không đòi hỏi giảm nguồn cung đến mức Nga công bố.

Ông Habeck chỉ trích tập đoàn Nga thực hiện “chiến lược gây bất ổn và đẩy giá lên cao”. Ông khẳng định các nguồn cung khí đốt khác tới Đức vẫn được đảm bảo, nhưng Berlin vẫn đặt tiết kiệm năng lượng lên trên hết.

Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu hôm 16/6 lần đầu tăng vọt lên hơn 1.500 USD/1.000 m3 kể từ tháng 4, theo dữ liệu từ sàn giao dịch ICE London.

Các nước EU đang chạy đua để giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng Nga, nhưng lại chia rẽ về việc áp lệnh cấm vận khí đốt, bởi một số nước phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung từ Moskva. Nga đang cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong đó Đức, Italy và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn này.

Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan và Hà Lan đã bị Nga cắt nguồn cung khí đốt do từ chối thanh toán bằng đồng ruble.

Gazprom hôm 15/6 cũng thông báo giảm 15% nguồn cung khí đốt trong ngày tới Italy, song không nêu lý do và kế hoạch cụ thể. Đối tác Italy Eni của Gazprom trước đó đã đồng ý thanh toán khí đốt bằng ruble.

Huyền Lê (Theo RT, RIA Novosti)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*