Lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) hôm 24/6 nhóm họp tại Brussels, Bỉ, để bàn về vấn đề lạm phát cũng như tác động từ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine tới giá cả lương thực, năng lượng và hàng hóa.
Cuộc họp đã thống nhất một số bước đi cụ thể, song các lãnh đạo giao nhiệm vụ cho Ủy ban châu Âu tìm nhiều cách hơn để đảm bảo “nguồn cung với giá cả phải chăng” khi “Nga vũ khí hóa khí đốt”.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết việc tìm kiếm các nguồn cung năng lượng thay thế đang được tiến hành, với nguồn cung khí hóa lỏng (LNG) của Mỹ năm nay tăng 75% so với năm ngoài và lượng khí đốt từ đường ống của Na Uy tăng 15%.
Bà von der Leyen cho biết ban lãnh đạo EU sẽ trình bày kế hoạch chuẩn bị cho việc cắt giảm thêm khí đốt Nga cho các nước thành viên vào tháng sau. “Hy vọng vào điều tốt nhất, chuẩn bị cho điều tệ nhất. Đó là những gì chúng tôi đang làm”, bà nói.
Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins nói rằng “khái niệm về năng lượng giá rẻ đã không còn và khái niệm về năng lượng Nga về cơ bản cũng biến mất”. “Tất cả chúng ta đang trong quá trình đảm bảo các nguồn cung thay thế”, ông Karins nhấn mạnh.
Trong những tuần gần đây, một số quốc gia châu Âu báo cáo nguồn cung khí đốt Nga giảm đáng kể. Châu Âu nhập khoảng 40% nhu cầu khí đốt tự nhiên từ Nga trước khi xung đột Ukraine bùng phát, song con số này hiện còn khoảng 20%. EU tháng trước cam kết lấp đầy ít nhất 80% các cơ sở dự trữ vào tháng 11 trước tình hình giá khí đốt biến động, song hiện chỉ thực hiện được khoảng 55%.
“Việc Nga dừng toàn bộ nguồn cung khí đốt chỉ còn là vấn đề thời gian”, một quan chức EU nhận định.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 23/6 khẳng định Nga là nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy cho châu Âu, sau khi Berlin chỉ trích việc Moskva giảm nguồn cung là đáp trả chính trị. Nga khẳng định công ty Siemens của Đức đã trì hoãn trả lại linh kiện cho một trạm nén cần sửa chữa, buộc Nga phải cắt giảm 60% khí đốt vận chuyển tới Đức qua đường ống Nord Stream.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cảnh báo đất nước của ông sẽ thiếu khí đốt nếu nguồn cung từ Nga vẫn thấp như hiện tại và một số ngành công nghiệp sẽ phải đóng cửa vào mùa đông tới.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)
Để lại một phản hồi