Ông Macron kêu gọi dân Pháp tập quen không có khí đốt Nga

Phát biểu trên truyền hình nhân ngày quốc khánh Pháp 14/7, Tổng thống Emmanuel Macron kêu gọi các doanh nghiệp, cơ quan chính phủ và hộ gia đình tiết kiệm năng lượng hơn nữa, trong bối cảnh Nga có thể dừng cung cấp khí đốt và xung đột tại Ukraine kéo dài.

“Nga đã bắt đầu cắt giảm vận chuyển khí đốt. Họ đang phát đi thông điệp sẽ dùng năng lượng làm vũ khí. Chúng ta cần chuẩn bị cho kịch bản phải tự xoay xở khi không còn khí đốt từ Nga”, ông Macron nói.

Theo FT, đây là lần đầu tiên Tổng thống Pháp đề cập khả năng đối mặt kịch bản thiếu năng lượng, như trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ thập niên 1970. Giới chức Pháp trước đó cho rằng với thế mạnh vốn có về điện hạt nhân, nước này ít phụ thuộc vào khí đốt Nga, nhưng giờ đây họ cũng phải đặt mục tiêu cắt giảm tiêu thụ năng lượng 10% trong hai năm tới.

Tổng thống Macron sẽ sớm đưa ra “kế hoạch tiết kiệm năng lượng”, kêu gọi mọi người dân “chống lãng phí”, như tắt đèn khi rời công sở. Theo ông, ngoài tiết kiệm năng lượng, châu Âu còn cần phải đa dạng hóa nguồn cung khí đốt và tăng dự trữ cho mùa đông.

Tổng thống Pháp Emmanuel tại cuộc họp báo ở Điện Elysee, Paris, Pháp, ngày 29/1/2020. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Pháp Emmanuel tại cuộc họp báo ở Điện Elysee, Paris, Pháp, ngày 29/1/2020. Ảnh: Reuters.

Với khoảng 17% nguồn cung trong nước được nhập từ Nga, Pháp ít phụ thuộc vào khí đốt Nga hơn một số quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, nước này vẫn dè chừng kịch bản công suất sản xuất điện bị giảm do các lò phản ứng hạt nhân phải bảo dưỡng, dấy lên lo ngại thiếu năng lượng vào mùa đông.

Giá năng lượng trên thế giới tăng đáng kể sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2, đẩy lạm phát lên cao nhất nhiều thập kỷ tại các nền kinh tế lớn trên thế giới. Để bảo vệ người tiêu dùng, chính phủ Pháp hồi tháng 5 đã gia hạn quy định áp trần với giá điện và khí đốt đến hết năm.

“Nếu không có các biện pháp đó, hóa đơn điện và khí đốt của người dân Pháp sẽ tăng lần lượt 45% và 60% trong năm 2022”, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire nói. Tuy nhiên, ông Macron sau đó cho rằng chỉ nên duy trì biện pháp này với “những người cần được hỗ trợ nhiều nhất”.

Như Tâm (Theo Reuters, FT)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*