Cao tốc Túy Loan – La Sơn, tuyến đường quan trọng của giao thông khu vực miền Trung – Tây Nguyên. |
Điểm đặc sắc nhất là hạ tầng
Khu vực miền Trung – Tây Nguyên tuy chưa phát triển về kinh tế, nhưng lại là khu vực tập trung sân bay, cảng biển hùng hậu với hạ tầng đang được nâng cấp, hoàn thiện.
Dọc 19 tỉnh miền Trung, từ Thanh Hóa, Nghệ An, qua Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, tới Khánh Hòa, Bình Thuận, ngược lên 5 tỉnh Tây Nguyên, mật độ sân bay khá dày, với quy mô khác nhau.
Tương tự, với vị trí địa lý chạy dọc bờ biển, nên các tỉnh miền Trung đều có cảng biển. Hệ thống cảng biển, sân bay đang được kết nối với các tuyến đường bộ chạy dọc và hệ thống đường xương cá, tuy chất lượng còn là vấn đề phải bàn, nhưng đảm bảo nguyên tắc quan trọng trong phát triển kinh tế, đó là thông mạch với toàn quốc và kết nối khá thuận lợi trong nội bộ vùng.
Hệ thống hạ tầng đang là yếu tố quan trọng thúc đẩy kinh tế miền Trung – Tây Nguyên không chỉ khởi sắc, mà còn có thể tạo nên sự bùng nổ mạnh mẽ. Thời gian qua, kinh tế một số địa phương trong vùng thể hiện được điều này.
Đó là tốc độ phát triển công nghiệp ở Nghi Sơn, Vũng Áng, Chu Lai, Quy Nhơn, Dung Quất dựa trên hệ thống cảng biển đa chức năng. Đi sâu xuống phía Nam, Ninh Thuận, với Cà Ná đang trỗi dậy trở thành đô thị cảng biển, bên cạnh trung tâm năng lượng quốc gia ngày càng định hình rõ nét.
Đó là khởi sắc của Vân Phong với sự hiện diện của nhiều tập đoàn lớn, nhưng không tạo ra xung đột với phát triển du lịch nhờ công nghệ cao, xu hướng phát triển không phát thải…
Đó là sự bùng nổ du lịch ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát ở hầu hết địa phương trong khu vực…
Tiềm năng đa dạng về du lịch, từ du lịch khám phá, nghỉ dưỡng đến du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch biển, du lịch núi của các địa phương trong vùng là lợi thế nổi bật, những chuyến bay nối Vinh, Đà Nẵng với Đà Lạt hay Buôn Ma Thuột; hệ thống sân bay sẵn sàng đón các chuyến bay charter từ nước ngoài… là điều kiện cốt tử nối dài lợi thế và tính đặc sắc của tiềm năng du lịch trong vùng.
Tới đây, trên lợi thế sẵn có về hạ tầng, nếu các tuyến đường sắt, đường thủy được phát triển theo hướng kết nối các tọa độ du lịch trong khu vực, là cơ hội để hình thành thị trường du lịch đẳng cấp cao, từ đó thúc đẩy sự phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng du lịch, vốn là điểm yếu của đa số địa phương trong khu vực.
Lời giải xung đột cấu trúc từ tư duy liên kết vùng
Đáng tiếc là thế mạnh hạ tầng của từng địa phương trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên lại chưa tạo nên sức mạnh tổng hợp của vùng đất này.
Nguyên nhân đầu tiên và mấu chốt là chưa có một bản quy hoạch vùng với sự phân vai trong phát triển một cách mạch lạc, tối ưu các lợi thế phát triển và một thể chế vùng rõ trách nhiệm, đủ quyền lực, nguồn lực đảm bảo thực hiện các dự án phục vụ sự phát triển chung của vùng.
Miền Trung và Tây Nguyên có hình thể địa lý phát triển khác hẳn hai vùng phía Bắc và phía Nam của đất nước. Nếu ở hai đầu đất nước, không gian phát triển tương đối tập trung, thì miền Trung và Tây Nguyên trải dài dọc biển – ven núi.
Trong điều kiện như vậy, nếu chọn cách phát triển tách biệt từng địa phương, không gian phát triển của từng tỉnh sẽ thu hẹp, đối mặt với những thách thức lớn về địa lý, gây lãng phí điều kiện hạ tầng hiện có và cả nguy cơ “cạnh tranh xuống đáy”.
Có thực tế là ở khu vực này, việc phát triển cảng phục vụ công nghiệp hay cảng phục vụ du lịch đều rất tiềm năng, nhưng đứng ở góc độ địa phương, việc đầu tư phát triển cảng phục vụ công nghiệp sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách nhanh hơn, lớn hơn. Vì vậy, dù khả năng khai thác hết công suất không dễ dàng do sản lượng công nghiệp, nông nghiệp không đủ bảo đảm hình thành “hậu phương kinh tế vững chắc” của hệ thống cảng biển trong khu vực, các địa phương vẫn ít chọn đầu tư cảng du lịch.
Tương tự, cũng có những địa phương trên thực tế vẫn không hoặc chưa chọn ưu tiên phát triển “ngành mũi nhọn” là du lịch, dù tiềm năng có, do ngại cạnh tranh trực tiếp với các địa phương trong vùng đã đi trước.
Đây là sự lựa chọn chính đáng của các địa phương, nhưng thể hiện tư duy lợi ích biệt lập giữa các tỉnh trong khu vực. Với tư duy đó, những lựa chọn “cục bộ” có thể chính đáng trong ngắn hạn, song về dài hạn có thể tạo nên những bất hợp lý, thậm chí là xung đột phát triển giữa các địa phương, không khai thác được sức mạnh liên kết, cộng hưởng trong phát triển Vùng. Hệ quả là không gian phát triển chung, lợi ích chung không được thúc đẩy.
Kết nối nguồn lực phát triển
Cách nhìn vào nguồn lực ngân sách nhà nước trong phát triển hạ tầng cũng đang làm khó, thậm chí là gây nên xung đột cho cơ hội bứt phá của khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Đây là điểm cần phải thay đổi.
Theo kinh tế học, các quyết định đầu tư phải cân nhắc cả chi phí và lợi ích. Nếu lợi ích lớn hơn, nhà đầu tư tư nhân sẽ sẵn sàng đầu tư, dù đó là việc đầu tư một sân bay quy mô nhỏ cách sân bay đã có khoảng 100 cây số, hay là chấp nhận các khoản đầu tư lớn cho công nghệ cao để có thể khai thác cảng biển cho cả công nghiệp và du lịch.
Đây cũng là thế mạnh của khu vực miền Trung – Tây Nguyên khi đang có sự xuất hiện của nhiều tập đoàn lớn, trong cả lĩnh vực công nghiệp, du lịch, bất động sản. Đáng nói là, các doanh nghiệp này dù chưa phải là mạnh nhất, nhưng có tư duy phát triển thúc đẩy sự kết nối, kết hợp nguồn lực giữa Nhà nước và doanh nghiệp.
Lúc này, vai trò của tư duy liên kết vùng, tiểu vùng rất quan trọng trong thu hút và kết nối các nguồn lực, bố trí không gian cho cảng biển, sân bay, không gian các trung tâm tăng trưởng vùng theo từng tuyến, theo từng lĩnh vực, cũng như định hình chức năng của các vùng giao thoa.
Nếu Đà Nẵng muốn trở thành điểm đáng đến, đáng sống của khu vực, thì các nguồn lực thu hút sẽ tập trung vào hạ tầng đô thị, hạ tầng phát triển công nghệ cao kết nối với các trung tâm đổi mới, sáng tạo trên toàn cầu. Nếu Phú Yên muốn trở thành trung tâm du lịch của châu lục thì hạ tầng phải kết nối được với các trung tâm du lịch của khu vực và thế giới…
Các sân bay trong vùng dù đã có nhiều, nhưng vẫn có thể mở rộng với nhiều cách thức khai thác, vận hành, nhưng trên nguyên tắc phối hợp, phân công. Với thế mạnh du lịch đa dạng, đặc sắc của khu vực miền Trung – Tây Nguyên, kết nối với thế giới bằng đường hàng không để mở không gian phát triển là một hướng đi thông minh.
Thậm chí, tư duy phát triển đường sắt cũng sẽ thay đổi khi hiệu quả đầu tư các tuyến đường ngắn, nối các địa điểm du lịch lớn hơn là cách làm truyền thống, lần lượt theo tuyến từ Bắc vào Nam. Tương tự, việc bỏ trống mảng hành khách trong vận tải đường thủy, đường biển cũng đang cần được xem xét.
Với cách tiếp cận này, phát triển hạ tầng trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên sẽ được kích hoạt theo hướng vừa phát huy lợi thế phát triển, vừa xử lý được các tranh chấp, xung đột giữa cấu trúc ngành và lợi ích phát triển của các địa phương. Ở đây, rất cần vai trò của Trung ương để đảm bảo tính hiệu lực trong liên kết vùng và trong mối quan hệ phát triển với các vùng kinh tế khác.
Để lại một phản hồi