Phối cảnh Dự án tuyến cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng, đầu tư theo phương thức BOT. |
Xóa cờ đánh lại
“Chúng tôi ủng hộ việc tách tuyến cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng thành một dự án độc lập để rút ngắn thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, dự án sớm được triển khai, hoàn thành kết nối toàn tuyến Bắc Giang – Lạng Sơn đến cửa khẩu Hữu Nghị, nâng cao hiệu quả khai thác và sẵn sàng tham gia đấu thầu lựa chọn lại nhà đầu tư theo quy định theo đề xuất mới đây của UBND tỉnh Lạng Sơn.
Trước mắt, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm tổ chức kiểm toán xác định các chi phí đã thực hiện để hoàn trả, giảm thiệt hại cho nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án”, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) cho biết.
Được biết, HHV là một trong 3 doanh nghiệp được UBND tỉnh Lạng Sơn lựa chọn là nhà đầu tư triển khai Dự án thành phần 2, đoạn Hữu Nghị – Chi Lăng (Dự án cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng) thuộc Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn theo hình thức BOT. Hai doanh nghiệp khác tham gia góp vốn thực hiện Dự án là Công ty cổ phần Licogi 16 và Công ty cổ phần Bê tông Hà Thanh.
Trước đó, đầu tháng 8/2022, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có Công văn số 920/UBND-KT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thiện thủ tục triển khai dự án này.
Theo đó, UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Thủ tướng cho phép tách Dự án cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng ra khỏi Dự án Đầu tư tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn thành dự án độc lập để triển khai thực hiện theo quy định hiện hành và giao UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tổ chức thực hiện dự án sau khi tách.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị người đứng đầu Chính phủ cho phép tỉnh và các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án của Dự án cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng hoàn thiện các thủ tục chấm dứt phụ lục hợp đồng.
“Giao UBND tỉnh Lạng Sơn khẩn trương hoàn thiện các thủ tục và tổ chức lựa chọn lại nhà đầu tư đoạn tuyến cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng theo quy định hiện hành”, Công văn số 920 do ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn ký nêu rõ.
Cần phải nói thêm, tuyến cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng là phân đoạn khởi đầu của tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Tuyến cao tốc dài 43 km có mục tiêu kết nối cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn với cửa khẩu Hữu Nghị này từng được Bộ Giao thông – Vận tải giao Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư bằng nguồn vốn ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Năm 2018, trước áp lực nợ công tăng cao, Chính phủ đã đồng ý chuyển giao Dự án cho UBND tỉnh Lạng Sơn triển khai đầu tư bằng hình thức BOT, sử dụng 100% vốn nhà đầu tư, với thời gian hoàn thành vào cuối năm 2020. Do gặp khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn tín dụng, nên hơn 4 năm qua, dự án này chưa thể triển khai trên thực địa dù đã cơ bản hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
Để tháo gỡ nút thắt tín dụng, tháng 6/2021, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có Tờ trình số 62/TTr- UBND gửi Hội đồng Thẩm định liên ngành đề nghị thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng. Tại Tờ trình, UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất triển khai Dự án theo quy định của Điều 70, Luật đầu tư PPP, với tổng mức đầu tư 7.609 tỷ đồng, gồm vốn nhà nước 3.500 tỷ đồng và vốn nhà đầu tư 4.109 tỷ đồng.
Tách để đẩy nhanh tiến độ thẩm định
Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, đến thời điểm này, Dự án cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025. Cụ thể, vốn ngân sách Trung ương 2.500 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 1.000 tỷ đồng; đồng thời đã có một số ngân hàng cam kết tài trợ vốn, đảm bảo tính khả thi cho phương án tài chính của Dự án.
Tuy nhiên, do thay đổi lớn về cơ cấu nguồn vốn, trong đó có sự hiện diện của phần vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đã khiến Dự án buộc phải thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Ông Hồ Tiến Thiệu cho biết, do Dự án sử dụng nhiều nguồn vốn, có sự tham gia của ngân sách nhà nước, trải qua nhiều giai đoạn thực hiện và được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật khác nhau, nên đã gây khó khăn, vướng mắc cho quá trình tổ chức thẩm định, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Chính vì vậy, nếu tách Dự án thành dự án độc lập sẽ đảo đảm tuân thủ đúng Luật PPP và quy định pháp luật liên quan, đồng thời tạo sự rõ ràng, minh bạch, thuận lợi nhất cho các bên trong quá trình thực hiện; tạo sự độc lập với Dự án thành phần 1 đã triển khai xong và đã phê duyệt cơ chế tài chính riêng, đảm bảo đủ điều kiện, căn cứ pháp lý để giải quyết các vướng mắc với nhà đầu tư Dự án thành phần 1 (đã thực hiện một số công việc thuộc Dự án thành phần 2 trước khi dự án bị dừng).
Được biết, trước khi gửi đề xuất tới Thủ tướng Chính phủ, vào ngày 27/7/2022, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có tổ chức buổi làm việc với đại diện 3 nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án để xem xét, thống nhất một số nội dung liên quan Dự án cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng.
Tại cuộc làm việc này, trong khi HHV và Licogi16 cơ bản đồng thuận với các đề xuất xử lý vướng mắc của UBND tỉnh Lạng Sơn, thì Công ty cổ phần Bê tông Hà Thành không đồng thuận với phương án tách thành dự án độc lập.
“UBND tỉnh Lạng Sơn cần làm rõ thiệt hại của nhà đầu tư trước khi tiến hành tách Dự án và thanh lý phụ lục hợp đồng đã ký”, đại diện Công ty cổ phần Bê tông Hà Thanh nêu quan điểm.
Để lại một phản hồi