Đức muốn ‘hỗ trợ đặc biệt’ Ukraine về pháo binh, phòng không

Phát biểu tại thủ đô Prague, Cộng hòa Czech, hôm nay, Thủ tướng Đức Olaf Scholz kêu gọi các nước đồng minh “có sự phân công đáng tin cậy và dài hạn” về hỗ trợ Ukraine. “Tôi có thể tưởng tượng Đức sẽ nhận trách nhiệm đặc biệt về xây dựng các năng lực pháo binh và phòng không cho Ukraine”, ông nói.

Thủ tướng Scholz tái khẳng định cam kết Đức hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine đến cùng, sẽ gửi các vũ khí hiện đại, như hệ thống phòng không, radar, máy bay không người lái, đến Kiev trong vài tuần tới.

Ông Scholz đưa ra bình luận sau khi chính phủ Đức ngày 23/8 thông báo cung cấp thêm hơn 500 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine. Các thiết bị quân sự sẽ gồm hệ thống phòng không IRIS-T, xe bọc thép, pháo phản lực, đạn chính xác và thiết bị chống máy bay không người lái.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại Đại học Charles, Prague, Cộng hòa Czech, ngày 29/8. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại Đại học Charles, Prague, Cộng hòa Czech, ngày 29/8. Ảnh: Reuters.

Đức đã viện trợ nhiều vũ khí, trang bị cho Ukraine đối phó với chiến dịch quân sự của Nga, trong đó có nhiều vũ khí hạng nặng như pháo tự hành, pháo phản lực phóng loạt và tổ hợp phòng không.

Berlin gần đây hứng nhiều chỉ trích về chậm trễ chuyển giao vũ khí cho Kiev, khiến lòng tin của Kiev và các đồng minh với chính quyền Thủ tướng Scholz dần suy giảm. Ông Scholz bác cáo buộc, tuyên bố Đức “sẽ chuyển giao toàn bộ những khí tài đã cam kết”, nhưng không ấn định mốc thời gian cụ thể.

Ông Scholz hôm nay còn nhấn mạnh cam kết của Đức với việc mở rộng Liên minh châu Âu (EU), cho rằng 6 quốc gia Tây Balkan, Ukraine, Moldova và thậm chí là Gruzia nên gia nhập khối. Các quốc gia Tây Balkan được nhắc đến gồm Serbia, Kosovo, Bosnia-Herzegovina, Montenegro, Albania và Bắc Macedonia.

Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia năm 2008. Phần lớn các nước phương Tây công nhận độc lập của Kosovo, song vùng ly khai chưa được trao ghế tại Liên Hợp Quốc, do Nga và Trung Quốc phản đối.

“Việc họ gia nhập EU là lợi ích của chúng ta”, ông Scholz nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng Scholz cảnh báo nếu EU mở rộng, sự khác biệt giữa các thành viên sẽ gia tăng. Ông đề xuất châu Âu chuyển dần từ yêu cầu cần sự đồng thuận sang đa số ủng hộ trong những vấn đề như chính sách đối ngoại chung, thuế, dù biết việc này cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến Berlin.

Như Tâm (Theo Reuters, AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*