Sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Loan, Trung Quốc đã phản ứng bằng cách tổ chức đợt tập trận bắn đạn thật với quy mô chưa từng có, triển khai nhiều tiêm kích, tàu chiến và phóng loạt tên lửa đạn đạo xuống 6 khu vực tập trận xung quanh hòn đảo.
Bình luận viên Chris Buckley và Amy Chang Chien của NY Times nhận định Bắc Kinh đã tránh các động thái khiêu khích có thể gây ra phản ứng mạnh mẽ hơn từ Đài Loan trong đợt tập trận, song đã thể hiện chiến thuật bao vây, phong tỏa mà họ sẽ áp dụng nếu căng thẳng hai bờ eo biển leo thang thành xung đột.
Theo cuốn Khoa học về Chiến lược Quân sự, giáo trình huấn luyện sĩ quan của của quân đội Trung Quốc (PLA), “phong tỏa chiến lược” được mô tả là một cách “nhằm phá hủy các mối liên hệ kinh tế và quân sự với bên ngoài của đối phương, làm suy giảm năng lực tác chiến, tiềm năng chiến đấu, khiến đối phương bị cô lập, không ai có thể hỗ trợ”.
“Tôi cho rằng đợt tập trận của Trung Quốc đã thể hiện ý định của họ, đó là bao vây Đài Loan và ngăn chặn can thiệp từ bên ngoài”, Ou Si-fu, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh thuộc Cơ quan Phòng vệ Đài Loan, nhận định. “Giả định của họ là cô lập Đài Loan, sau đó mới đánh hòn đảo”.
Đợt tập trận vừa qua của Trung Quốc chưa phải là một cuộc tổng duyệt phong tỏa quy mô lớn. Trong kịch bản phong tỏa thật sự, 11 quả tên lửa đạn đạo Đông Phong được Trung Quốc phóng xuống các vùng biển xung quanh Đài Loan không mang nhiều ý nghĩa về mặt quân sự, do chúng được thiết kế để tấn công mục tiêu trên bộ, chứ không phải tàu chiến trên biển.
Bắc Kinh cũng không phô diễn các loại vũ khí tiên tiến nhất đang sở hữu. Các tiêm kích vượt qua đường trung tuyến trên eo biển, nhưng không bay qua đảo Đài Loan. Mặc dù ba trong số 6 khu vực tập trận mà Bắc Kinh vạch ra nằm trong vùng biển 12 hải lý xung quanh Đài Loan, tên lửa và tàu chiến Trung Quốc trên thực tế đã tránh những khu vực đó.
“Đây là một cuộc đối đầu về chính trị”, Drew Thompson, chuyên gia cấp cao từ Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (LKYSPP) ở Singapore, nhận định. “Khía cạnh chính trị trong hành động của họ đôi khi quan trọng hơn mục đích quân sự của đợt tập trận”.
Nếu tiến hành một cuộc “phong tỏa chiến lược” thực sự, Trung Quốc sẽ triển khai hàng trăm tàu chiến và tiêm kích, cũng như tàu ngầm, với mục tiêu ngăn chặn cảng biển, sân bay của hòn đảo, đẩy lùi mọi nỗ lực can thiệp tiềm tàng bằng tàu chiến và máy bay mà Mỹ cùng các đồng minh khác của Đài Loan điều tới.
Trong kịch bản này, Trung Quốc cũng cần kiểm soát bầu trời Đài Loan, nhờ loạt căn cứ hải quân và không quân trên bờ biển phía đông, đối diện hòn đảo, cũng như nhiều căn cứ khác ở phía bắc và phía nam eo biển. PLA cũng có thể sử dụng tên lửa phòng không đối phó máy bay đối phương, thậm chí tấn công căn cứ Mỹ ở Guam và Nhật Bản.
Các nhà chiến lược quân sự của Trung Quốc coi phong tỏa là một chiến lược cho phép họ linh hoạt thắt chặt hay nới lỏng “chiếc thòng lọng” xung quanh Đài Loan, tùy thuộc vào mục tiêu của Bắc Kinh.
Trung Quốc cũng có thể tiến hạn một đợt phong tỏa hạn chế, bằng cách ngăn chặn và kiểm tra các tàu ra vào Đài Loan mà không tấn công các cảng biển của hòn đảo. Một cuộc phong tỏa hạn chế như vậy có thể gây cú sốc kinh tế, chính trị cho Đài Loan, nơi phụ thuộc lớn vào nhiên liệu và thực phẩm nhập khẩu.
“Trung Quốc có thể làm điều này và dừng lại khi Đài Loan chấp nhận nhượng bộ”, Phillip C. Saunders, chuyên gia tại Đại học Quốc phòng Mỹ (NDU), đánh giá.
Nhưng ông Saunders cũng cho hay PLA được huấn luyện để sẵn sàng tiến hành một cuộc phong tỏa “rất dữ dội và gây nhiều tổn thất mang tính toàn cầu”. Trong kịch bản đó, Trung Quốc có thể sử dụng phong tỏa như một tiền đề trước khi mở chiến dịch tấn công vào hòn đảo. Cuộc xung đột nếu nổ ra sẽ có khả năng kéo dài, với hậu quả rất tàn khốc.
Theo bình luận viên Buckley và Chang Chien, nếu xung đột thực sự nổ ra, ngoài chiến dịch phong tỏa trên thực địa, Trung Quốc nhiều khả năng cũng sẽ tìm cách chiếm ưu thế trên mặt trận thông tin, chiến trường Bắc Kinh coi là “then chốt”, nhằm tạo dư luận ủng hộ ở đại lục và gây hoang mang, chia rẽ nội bộ ở hòn đảo cũng như trên toàn thế giới.
Khi tiến hành đợt tập trận vừa qua, PLA tung ra ra loạt video cảnh các tiêm kích cất cánh, tên lửa được khai hỏa, tàu chiến tuần tra sẵn sàng chiến đấu. Nhưng giới quan sát cho rằng chiến dịch phô diễn sức mạnh quân sự này có phần phóng đại, khắc họa lực lượng tập trận lớn hơn và gần đảo Đài Loan hơn so với thực tế.
Các chuyên gia cảnh báo trong kịch bản xung đột quân sự, Trung Quốc sẽ tiến hành hoạt động tấn công mạng nhằm đánh sập hệ thống liên lạc của Đài Loan, có thể làm tê liệt một số vũ khí của nước này. “Ai kiểm soát được thông tin và Internet sẽ có cả thế giới”, giáo trình về chiến lược quân sự của PLA có đoạn.
Trong chuyến thăm của bà Pelosi, Đài Loan đã hứng chịu một số đợt tấn công mạng nhỏ lẻ, không tinh vi, nguồn gốc không rõ ràng, tạo phiền toái hơn là gây gián đoạn diện rộng.
Ít nhất bốn website của chính quyền hòn đảo đã bị tấn công trong thời gian ngắn. Tin tặc cũng kiểm soát màn hình điện tử tại một số cửa hàng tiện lợi và ga tàu Tân Tả Doanh ở Cao Hùng, hiển thị các thông điệp lên án Chủ tịch Hạ viện Mỹ.
Trong một cuộc xung đột trên thực tế, Bắc Kinh cũng có thể cắt đứt hoặc vô hiệu hóa các tuyến cáp quang dưới đáy biển, vốn cung cấp khoảng 90% dữ liệu kết nối giữa Đài Loan và thế giới. Các tuyến cáp bị cắt có thể gây hỗn loạn với một số quốc gia trong khu vực như Nhật Bản và Hàn Quốc. “Điểm yếu nhất các các tuyến cáp này là vị trí chúng lộ ra trên đáy biển”, chuyên gia Ou nhận xét.
Ngay sau khi kết thúc các cuộc tập trận quy mô lớn, PLA tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự ở eo biển Đài Loan, liên tục điều tiêm kích vượt qua đường trung tuyến, ranh giới không chính thức giữa hai bên, điều Trung Quốc hiếm khi làm trong quá khứ. Sau khi vượt qua đường trung tuyến, một tiêm kích chỉ mất vài phút để bay qua hòn đảo, thay vì quay ngược lại như hiện nay.
Chỉ trong ba tuần đầu tháng 8, Trung Quốc đã điều hơn 600 máy bay quân sự áp sát Đài Loan. “Trong tương lai, hành động đó có thể trở nên bình thường hóa”, chuyên gia Shu Hisao-huang từ Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh của Đài Loan, nhận định.
Mặc dù giới chức Trung Quốc từ lâu tuyên bố mục tiêu thống nhất Đài Loan bằng biện pháp hòa bình, song căng thẳng leo thang với hòn đảo và sự ủng hộ ngày càng tăng của Mỹ với hòn đảo có thể khiến Bắc Kinh tức giận và gia tăng phô trương lực lượng quân sự. Ngay cả khi hai bên đều không muốn xung đột, nguy cơ đối đầu giữa các siêu cường leo thang cũng có thể gây tổn thất cho Đài Loan.
Mỹ cam kết tôn trọng nguyên tắc “Một Trung Quốc”, nhưng tiếp tục duy trì quan hệ với Đài Loan và cung cấp cho hòn đảo các loại khí tài hiện đại để tự vệ. Trung Quốc từng cảnh báo quan hệ giữa nước này với Mỹ “sẽ bị phá vỡ nếu không xử lý đúng cách vấn đề Đài Loan”.
Hải quân Mỹ ngày 27/8 cho hay hai tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Chancellorsville và Antietam đã đi qua eo biển Đài Loan, lần đầu tiên kể từ sau chuyến thăm hòn đảo của bà Pelosi. Bộ Quốc phòng Trung Quốc sau đó tuyên bố binh sĩ Chiến khu miền Đông “vẫn duy trì trạng thái báo động cao, sẵn sàng vô hiệu hóa các động thái gây hấn vào mọi thời điểm”.
“Vấn đề là mỗi khi Trung Quốc đưa ra một tuyên bố chính trị lớn, họ phải làm nhiều hơn so với những gì đã thể hiện trước đây”, Lonnie Henley, giảng viên Đại học George Washington, Mỹ, nói. “Điều tôi lo ngại là đến một lúc nào đó, họ không còn không gian dự phòng cho những tuyên bố quyết liệt hơn nữa”.
Đức Trung (Theo NY Times, AFP, Reuters)
Để lại một phản hồi