Khoảng 50 triệu người trên thế giới được cho đang là nạn nhân của hôn nhân cưỡng bức và lao động cưỡng bức, tăng 25% so với năm 2016, theo báo cáo được công bố ngày 12/9 bởi Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), tổ chức độc lập vì nhân quyền Walk Free và Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM).
Nô lệ hiện đại thường đề cập đến hôn nhân cưỡng bức và lao động cưỡng bức, khi một người không thể từ chối tuân thủ hoặc chạy trốn vì bị đe dọa, bạo lực và lừa đảo. Các nhà nghiên cứu đã thực hiện khảo sát tại hơn 180 quốc gia và đưa ra kết luận trên.
Báo cáo ước tính 22 triệu người đang trong các cuộc hôn nhân cưỡng bức, tăng 43% so với năm 2016. Hơn 2/3 trong số này là phụ nữ và các bé gái. Số trường hợp hôn nhân cưỡng bức tăng tại châu Á và Thái Bình Dương. Nếu tính theo quy mô dân số, các nhà nghiên cứu thấy tình trạng này phổ biến hơn ở các nước Arab.
Số người lao động cưỡng bức tăng 11% lên 28 triệu người, cứ 8 trường hợp thì có một trường hợp là trẻ em, khiến vấn đề này trở nên “đặc biệt cấp bách”. Hơn nửa số trẻ em bị bóc lột tình dục.
“Các nghiên cứu định tính chỉ ra rằng trẻ em có thể bị đe dọa và lạm dụng dưới nhiều hình thức nghiêm trọng như bắt cóc, đánh thuốc mê, giam cầm, lừa đảo và thao túng nợ”, theo báo cáo. “Một số trường hợp lạm dụng tồi tệ nhất xảy ra trong các tình huống xung đột vũ trang”.
Khoảng 86% trường hợp lao động cưỡng bức được phát hiện trong lĩnh vực tư nhân ngành sản xuất, xây dựng và nông nghiệp, với châu Á và Thái Bình Dương chiếm hơn 50% tổng số toàn cầu.
Theo báo cáo, đại dịch Covid-19, các cuộc xung đột vũ trang và khủng hoảng khí hậu đã tạo ra “sự gián đoạn chưa từng có” về việc làm và giáo dục, dẫn đến tình trạng đói nghèo, nhập cư không an toàn và bạo lực giới tính gia tăng.
Tuy nhiên, tổng giám đốc ILO Guy Ryder cho rằng “không có gì có thể biện minh cho sự lạm dụng nhân quyền dai dẳng này”.
Báo cáo nhận định có thể giảm đáng kể, hoặc chấm dứt tình trạng nô lệ hiện đại trong tương lai bằng luật pháp tốt hơn, sự bảo vệ pháp luật mạnh hơn và tăng cường ủng hộ phụ nữ, các bé gái, người dễ tổn thương.
“Chúng ta biết cần phải làm gì và có thể làm được gì. Các chính sách và quy định quốc gia hiệu quả chính là nền tảng. Nhưng các chính phủ không thể làm việc này một mình”, ông nói.
Như Tâm (Theo CNN)
Để lại một phản hồi