“Israel sẽ đóng góp một phần trong xây dựng lực lượng quốc phòng mới của Đức, chủ yếu trong lĩnh vực phòng không. Điều này liên quan đến cam kết toàn diện của chúng tôi với an ninh của Đức và châu Âu”, Thủ tướng Israel Yair Lapid phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Đức Olaf Scholz hôm 12/9.
Ông Lapid nói rằng các cuộc đàm phán với lãnh đạo Đức đang hướng đến “thỏa thuận tiềm năng trong tương lai”, nhưng không đưa ra chi tiết và ngân sách cụ thể. Thủ tướng Scholz tuyên bố Đức sẽ củng cố năng lực phòng thủ bằng cách mua thêm nhiều hệ thống phòng không, đồng thời gọi tổ hợp tên lửa Arrow 3 của Israel là “đề xuất có uy lực cao” nhưng từ chối nói thêm.
Một nguồn tin chính phủ Đức cho biết nước này có kế hoạch mua hệ thống Arrow 3, nhưng chưa có hợp đồng nào được ký.
Hệ thống đánh chặn Arrow 3 do tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel (IAI) và Boeing của Mỹ phối hợp phát triển, được chế tạo từ năm 2017.
Tên lửa của hệ thống Arrow 3 được trang bị các cảm biến quang học để tự tìm mục tiêu trong pha cuối hành trình. Quả đạn có khả năng bay lên thượng tầng khí quyển, nơi đầu đạn tên lửa đạn đạo tách khỏi tầng đẩy và chuẩn bị lao xuống với tốc độ cao.
Đầu đạn không sử dụng thuốc nổ, có khả năng cơ động để đón đầu và phá hủy mục tiêu bằng động năng, cho phép nó tiêu diệt tên lửa trang bị đầu đạn hạt nhân, sinh học và hóa học mà không gây nguy hiểm cho mặt đất.
Israel không công bố thông số kỹ thuật, nhưng hệ thống Arrow 3 dường như có tầm bắn 2.400 km và đánh chặn được tên lửa đạn đạo ở độ cao 100 km.
Đức đã từ bỏ chính sách không gửi vũ khí đến vùng xung đột để cùng Mỹ và các đồng minh NATO viện trợ cho Ukraine. Nước này đã cung cấp nhiều khí tài sát thương cho Ukraine, trong đó có nhiều vũ khí hạng nặng như pháo tự hành, pháo phản lực phóng loạt và tổ hợp phòng không.
Thủ tướng Scholz hôm 29/8 nói Đức có thể nhận trách nhiệm đặc biệt về xây dựng các năng lực pháo binh và phòng không cho Ukraine. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht sau đó cảnh báo không thể gửi thêm vũ khí cho Ukraine, nếu muốn duy trì năng lực phòng vệ quốc gia.
Đại sứ Nga tại Đức Sergey Nechaev ngày 12/9 chỉ trích Đức đã vượt “lằn ranh đỏ” khi gửi vũ khí sát thương cho Ukraine. “Các hành động đơn phương của chính phủ Đức đang phá hủy quan hệ song phương được xây dựng suốt nhiều thập kỷ. Sự hòa giải hậu chiến giữa hai quốc gia, người dân hai nước đang bị xói mòn”, ông nói thêm.
Vũ Anh (Theo Reuters)
Để lại một phản hồi