Sau giai đoạn 2020-2021 khi dịch Covid-19 thúc đẩy thương mại điện tử (e-commerce) tăng trưởng mạnh, thị trường chuyển phát nhanh cũng đã dần được hoàn thiện. Với việc ngày càng nhiều người tiêu dùng thay đổi hành vi mua sắm từ trực tiếp sang trực tuyến, ngành chuyển phát nhanh được đánh giá sẽ có nhiều phát triển tích cực khi bước vào năm 2022. Dù vậy, cạnh tranh gay gắt trong ngành và chi phí nhiên liệu tăng cao đã ảnh hưởng đáng kể đến biên lợi nhuận các doanh nghiệp chuyển phát.
Điển hình như Viettel Post (mã VTP), tổng doanh thu quý 2 đạt 5.460 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh dịch vụ (gồm chuyển phát, e-fulfillment và các dịch vụ logistics khác) đạt 2.333 tỷ đồng, tăng 30,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp của mảng này lại bị thu hẹp đáng kể từ mức 9,7% cùng kỳ xuống còn 8,1%. Điều này khiến biên lãi gộp của Viettel Post gần như đi ngang ở mức 3,8%.
Trong kỳ, các chí phí phát sinh cũng tăng cao kéo lợi nhuận sau thuế của Viettel Post giảm 8,5% so với cùng kỳ xuống gần 97 tỷ đồng. LNST lũy kế 6 tháng đạt 200 tỷ đồng, giảm 7% trong khi doanh thu vẫn tăng 9% so với cùng kỳ lên hơn 11.200 tỷ đồng. Nguyên nhân do số lượng các sản phẩm thương mại điện tử có nguồn gốc từ Trung Quốc giảm mạnh do chính sách zero-Covid và chi phí nhiên liệu (xăng, dầu) tăng cao.
Viettel Post hiện tại đang sở hữu 2.200 bưu cục (đứng thứ 2 trong ngành, chỉ sau VN Post) và hệ thống giao nhận trải dài trên hầu hết các tỉnh thành. Cùng với lợi thế vượt trội về mạng lưới và tham vọng đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng fullfillment, Viettel Post sở hữu vị thế lớn để hưởng lợi từ sự bùng nổ về quy mô và các xu hướng mới được xác lập của TMĐT sau đại dịch.
Kém tích cực hơn, Chuyển phát nhanh Bưu Điện (mã EMS) ghi nhận doanh thu thuần quý 2 giảm 6,5% so với cùng kỳ xuống mức 531 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tiếp tục giảm mạnh xuống 14,1% so với mức 22,2% của quý 2 năm ngoái. Sau khi trừ các chi phí, EMS lỗ ròng 3 tỷ đồng quý 2 trong khi cùng kỳ vẫn lãi 30 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, EMS ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.148 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,9% so với cùng kỳ tuy nhiên biên lãi gộp bị co lại đáng kể từ 19,7% cùng kỳ xuống còn 15,6%. LNST cũng theo đó giảm gần 59% so với cùng kỳ xuống còn 22,3 tỷ đồng.
EMS là công ty con của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VN Post) – doanh nghiệp lớn nhất ngành với hệ thống hơn 13.000 điểm trải rộng toàn quốc bao gồm các bưu cục, bưu điện, kiốt và thùng thư công cộng. Năm 2021, VN Post ghi nhận tổng doanh thu 26.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 526 tỷ đồng, lần lượt tăng 7,9% và 39% so với năm trước.
Quy mô nhỏ hơn nhiều nhưng Giao hàng tiết kiệm (GHTK) ghi nhận doanh thu đến gần 6.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, cạnh tranh ngày càng gay gắt khiến lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này đã giảm đáng kể so với giai đoạn 2019-20 (trên 500 tỷ đồng) xuống còn hơn 300 tỷ đồng. Trong khi đó, các đối thủ như Giao hàng nhanh (GHN), J&T Express, Lazada Express hay Ninja Van đều trải qua nhiều năm thua lỗ.
Về cơ bản, các công ty quốc tế như BEST Express hay J&T vẫn đang duy trì chiến lược chi tiền để cung cấp dịch vụ với chi phí thấp nhằm mục đích giành thị phần nhanh chóng hơn. Mặt khác, các doanh nghiệp trong nước như VN Post, Viettel Post, GHTK và GHN lại cố gắng duy trì tệp khách hàng và vị thế bằng cách chiết khấu giá theo để cạnh tranh. Do đó, tỷ lệ doanh thu chuyển phát /GMV (giá trị hàng hóa) năm 2021 ước tính đã giảm từ 9% xuống 7%.
Trong một báo cáo mới đây, SSI Research đánh giá mức độ cạnh tranh giữa các công ty chuyển phát nhanh và sự mở rộng của các công ty giao hàng tận nơi sẽ tiếp tục kéo dài, khiến biên lợi nhuận thấp và thị phần khó xác định. Sự hợp nhất trong ngành cuối cùng sẽ xảy ra nhưng việc này không thể diễn ra trong thời gian ngắn.
Trong khi đó, Chứng khoán VCBS cho rằng rào cản gia nhập ngành sẽ được nâng lên đáng kể với việc mặt bằng giá cước đã ở mức thấp và các doanh nghiệp liên tục mở rộng hạ tầng mạng lưới. Vì thế, thị trường sẽ tiến tới chỉ còn thuộc về một số doanh nghiệp lớn với thị phần tương đối ổn định, cạnh tranh chủ yếu về chất lượng, công nghệ và mạng lưới thay vì cạnh tranh giá. Điều này có thể sẽ giúp giảm áp lực lên biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp chuyển phát trong tương lai.
Dù còn nhiều khó khăn trong ngắn hạn nhưng không thể phủ nhận lĩnh vực chuyển phát nhanh vẫn là một miếng bánh béo bở nhờ sự bùng nổ của e-commerce. Theo ước tính, thị trường e-commerce Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 25%/năm qua đó lần lượt đạt 21,5 tỷ USD và 25,8 tỷ USD trong giai đoạn 2022-23. Mảng dịch vụ chuyển phát nhanh dự kiến sẽ đạt giá trị 4,88 tỷ USD vào năm 2030, tương ứng tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 24,1% cho giai đoạn 2022-30.
Với triển vọng tăng trưởng tích cực, dòng vốn ngoại đương nhiên không bỏ lỡ cơ hội để tham gia đặc biệt khi lĩnh vực chuyển phát giàu tiềm năng vẫn cần thời gian để định hình cuộc chơi. Ngoài đầu tư trực tiếp, các nhà đầu tư còn gián tiếp rót tiền vào các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán điển hình như Viettel Post.
Thông thường, các quỹ đầu tư nước ngoài vẫn thường ưu tiên giải ngân vào các cổ phiếu niêm yết trên HoSE bởi tính minh bạch thông tin. Do đó, việc đang giao dịch trên UpCOM nhưng lại thường xuyên nằm trong top 10 khoản đầu tư lớn nhất của Lumen Vietnam Fund, phần nào cho thấy tiềm năng hấp dẫn của lĩnh vực chuyển phát mà Viettel Post đang theo đuổi.
Cổ phiếu VTP thường xuyên nằm trong top 10 danh mục của Lumen
Để lại một phản hồi