Các thành viên hoàng gia Anh ngày 14/9 rước linh cữu Nữ hoàng Elizabeth II từ Điện Buckingham tới Đại sảnh Westminster, chấm dứt thời gian tưởng niệm riêng của gia đình, bắt đầu thời kỳ quốc tang do nhà nước phụ trách.
Trong thời gian này, linh cữu của bà được đặt trên bệ cao tại Đại sảnh Westminster, mở cửa cả ngày lẫn đêm cho công chúng tới viếng đến sáng 19/9. Đảm nhận nhiệm vụ canh gác linh cữu trong hơn 4 ngày này là ba đơn vị cận vệ, gồm Ngự lâm quân, Đội Cung thủ Hoàng gia và Đội vệ binh Yeoman.
Các đơn vị cận vệ này được chia làm ba vòng bảo vệ quanh linh cữu Nữ hoàng. Đứng gần quan tài Nữ hoàng nhất là 6 thành viên Ngự lâm quân, gồm 4 người được bố trí tại bốn góc, hai người khác đứng quay mặt về phía lối ra vào.
Ngự lâm quân là đơn vị cấp cao nhất trong các nhóm cận vệ hoàng gia ở Anh, được xếp vào diện “đội bảo vệ gần nhất” với quốc vương, chịu trách nhiệm tháp tùng vua hoặc nữ hoàng trong các dịp quan trọng như tiếp đón quan chức nước ngoài. Đơn vị này gồm 5 sĩ quan và 27 ngự lâm quân.
Đơn vị này được vua Henry VIII thành lập năm 1509. Họ mặc quân phục màu đỏ, đội mũ giáp màu vàng gắn chùm lông đặc trưng. Sĩ quan ngự lâm quân đeo dải băng bằng vàng, cầm gậy chỉ huy được quốc vương trao khi bổ nhiệm, đồng thời được trang bị kiếm kỵ binh và rìu chiến hơn 300 năm tuổi.
Trong thời gian bảo vệ linh cữu tại Đại sảnh Westminster, một số ngự lâm quân đã mặc áo khoác đen thay cho áo đỏ để tỏ sự tôn trọng với Nữ hoàng.
Đổi phiên cho 6 ngự lâm quân là 4 thành viên Đội vệ binh Yeoman. Đây là đơn vị quân đội lâu đời nhất còn phục vụ tại Vương quốc Anh, được Vua Henry VII thành lập năm 1485.
Đội vệ binh Yeoman cũng đảm nhiệm nhiệm vụ tương tự Ngự lâm quân, nhưng có quy mô lớn hơn, với 73 người. Tất cả thành viên Đội vệ binh Yeoman đều là cựu sĩ quan hoặc hạ sĩ quan của quân đội Anh. Họ mặc trang phục màu đỏ và đội mũ lông gấu màu đen.
Trong khi đó, Đội Cung thủ Hoàng gia được coi là “lực lượng cận vệ của quốc vương ở Scotland”. Đơn vị này bắt đầu được thành lập từ năm 1776 và hiện có khoảng 530 thành viên.
Các thành viên Đội Cung thủ Hoàng gia phải là người Scotland hoặc có mối liên hệ mật thiết với xứ này. Sĩ quan trong Đội Cung thủ Hoàng gia có cấp hàm tương đương thiếu tướng, còn các cung thủ có cấp hàm ngang đại tá.
Ba đơn vị này sẽ canh gác linh cữu Nữ hoàng liên tục trong 24h, chia thành 4 ca, mỗi ca 6 tiếng. Các ca gác này luân phiên nhau, trong đó các cận vệ sẽ đổi chỗ sau mỗi 20 phút.
Các cận vệ được yêu cầu giữ tư thế đứng nghiêm trong thời gian dài, dẫn đến sự cố một thành viên Đội Cung thủ Hoàng gia bị ngất khi thực hiện nhiệm vụ tối 14/9, theo hình ảnh được phát sóng trực tiếp trên BBC.
Trong lúc các thành viên đội cận vệ tiến hành nghi thức đổi ca, người lính này loạng choạng hai lần, bước hẳn xuống bục, trước khi lấy lại thăng bằng và trở về vị trí. Nhưng không lâu sau, người lính ngã xuống đất.
Một số quan chức và cảnh sát nhanh chóng có mặt để giúp đỡ. Tình trạng sức khỏe của người lính chưa được thông báo. BBC đã ngừng phát sóng trực tiếp hình ảnh bên trong Đại sảnh Westminster ngay sau đó.
Ước tính hàng trăm nghìn người sẽ đến Đại sảnh viếng Nữ hoàng. Họ được yêu cầu xếp hàng dọc theo bờ sông Thames và được phát vòng tay có đánh số. Hơn 1.000 tình nguyện viên và cảnh sát sẽ túc trực để sẵn sàng giúp đỡ những người gặp vấn đề sức khỏe vì chờ đợi quá lâu.
Người viếng được đề nghị không gây ồn ào khi bước xung quanh linh cữu để tỏ lòng thành kính và phải giữ khoảng cách. Lễ tang của Nữ hoàng sẽ diễn ra tại Tu viện Westminster ở London vào ngày 19/9.
Đức Trung (Theo ITV, Telegraph)
Để lại một phản hồi