Liên tục vỡ phòng tuyến ở Ukraine, quân đội Nga gây hoài nghi

Ngày 3/10 đáng lẽ được xem là cột mốc “thắng lợi” của chiến dịch tại Ukraine đối với giới lãnh đạo quân sự, chính trị ở Moskva. Các hiệp ước sáp nhập 4 tỉnh Ukraine đã được Tòa án Hiến pháp Nga công nhận tính hợp hiến, vài giờ sau khi được Hạ viện thông qua.

Trong khi quân đội Nga thông báo chiến dịch quân sự vẫn “diễn ra theo kế hoạch” ở Ukraine, lộ trình phê duyệt hiệp ước sáp nhập 4 tỉnh cũng diễn ra thuận lợi, khi được phê duyệt rất nhanh chóng, với tỷ lệ nhất trí tuyệt đối tại Hạ viện. Chúng chỉ còn chờ được gửi đến Thượng viện Nga rồi sẽ nằm trên bàn làm việc của Tổng thống Vladimir Putin, chờ ký thông qua và chính thức có hiệu lực.

Thế nhưng, trên chiến trường, quân đội Ukraine không mấy quan tâm đến những thủ tục ở Moskva. Khi các nghị sĩ Hạ viện Nga đứng dậy vỗ tay mừng kết quả bỏ phiếu cũng là lúc xe tăng Ukraine tiến vào Lyman, thành phố chiến lược ở Donetsk, một trong 4 tỉnh nằm trong hiệp ước sáp nhập của Nga.

Lực lượng Nga khi đó đã hối hả rút khỏi thành phố mà họ đã kiểm soát nhiều tháng qua. Rút khỏi Lyman, quân đội Nga mất một phòng tuyến quan trọng, cũng như một nút hậu cần trọng yếu phục vụ hoạt động tác chiến ở vùng Donbass.

Quân nhân Ukraine ngồi trên nóc xe thiết giáp, hành quân tại tỉnh Kharkov ngày 9/9. Ảnh: AFP.

Quân nhân Ukraine ngồi trên nóc xe thiết giáp, hành quân tại tỉnh Kharkov ngày 9/9. Ảnh: AFP.

Trong đêm 3/10, khi các chỉ huy Nga chưa hết bối rối với thất bại ở Lyman, 6 tiểu đoàn Ukraine chọc thủng phòng tuyến đối phương ở Kherson, cũng là một trong 4 tỉnh Nga sáp nhập.

Lúc lính Nga gửi thông điệp yêu cầu không quân chi viện hỏa lực, các tiểu đoàn Ukraine đã tiến sâu gần 20 km tính từ phòng tuyến ban đầu. Bộ tư lệnh quân khu miền nam Ukraine hôm sau tuyên bố đã hạ 44 xe tăng và 370 binh sĩ đối phương trong mũi tấn công thọc sâu này.

Hai mũi tiến công đồng loạt của Ukraine đến nay chưa có dấu hiệu dừng lại, ngay cả khi Tổng thống Putin ký văn kiện sáp nhập 4 tỉnh. Các phòng tuyến của lực lượng Nga ở miền đông lẫn miền nam, từ Kharkov đến Donetsk và Kherson, lần lượt vỡ vụn.

Giới quan sát nhận định thực tế này đang tạo ra sức ép chính trị rất lớn với giới lãnh đạo quân đội Nga. Ngày càng nhiều học giả, nghị sĩ, nhà bình luận ủng hộ Điện Kremlin bày tỏ nỗi thất vọng với giới chỉ huy quân đội Nga và hoài nghi những báo cáo kết quả chiến trường của họ.

Andrey Kartapolov, chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga, ngày 5/10 công khai chỉ trích Bộ Quốc phòng “phải chấm dứt dối trá”, báo cáo đầy đủ diễn biến chiến trường Ukraine.

Andrey Gurulyov, nghị sĩ Hạ viện Nga và cựu tư lệnh Quân khu miền Nam, cũng thể hiện nỗi thất vọng ngay trên sóng truyền hình. Ông thừa nhận “không thể hiểu được” vì sao các đơn vị phòng thủ Lyman quyết định rút lui, hay vì sao quyết định chi viện lực lượng cho thành phố này không được triển khai cấp tốc như thông báo.

Khi quân đội Ukraine bắt đầu khép vòng vây quanh Lyman, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đang điều lực lượng tới giải vây. Nhưng khi Lyman thất thủ, quân đội Nga không còn đề cập gì đến “lực lượng giải vây” này nữa.

Gurulyov bày tỏ lo ngại các sĩ quan quân đội Nga đang có hiện tượng báo cáo sai sự thật “một cách có hệ thống”, từ cấp cơ sở đến chỉ huy cấp cao. Chương trình bình luận của Gurulyov sau đó bị cắt sóng đột ngột.

Margarita Simonyan, tổng biên tập RT và là người nhiệt thành ủng hộ Điện Kremlin, cũng công khai chỉ trích tướng lĩnh Nga “đang đưa ra những quyết định gây hại cho đất nước” khi dẫn một chương trình truyền hình.

Cựu quân nhân Nga được động viên tại bán đảo Crimea, tập trung ở thành phố Sevastopol ngày 27/9. Ảnh: AFP.

Cựu binh Nga nhập ngũ theo lệnh động viên tập trung ở thành phố Sevastopol, bán đảo Crimea, ngày 27/9. Ảnh: AFP.

Ramzan Kadyrov, lãnh đạo Cộng hòa Chechnya, đồng minh thân cận của Tổng thống Putin, cũng chĩa mũi dùi chỉ trích về phía tướng Aleksandr Lapin, tư lệnh quân khu trung tâm Nga và được cho là người phụ trách mặt trận Donbass. Trong bài đăng trên Telegram ngày 1/10, Kadyrov cho rằng chỉ huy Nga đã che đậy các quyết định sai lầm trên chiến trường và “thiếu năng lực”.

Đà phản công của quân đội Ukraine diễn ra dồn dập đến mức tướng Igor Konashenkov, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, phải công khai thừa nhận các phòng tuyến có dấu hiệu thất thế trước hỏa lực lẫn quân số của Ukraine. Trong báo cáo cập nhật tình hình chiến sự ngày 3/10, Konashenkov nói quân đội Ukraine “với các đơn vị xe tăng áp đảo về số lượng” đã chọc thủng phòng tuyến và tiến sâu vào khu vực do Nga kiểm soát ở Kherson.

Giới chức Ukraine cho biết chính quyền thân Nga tại thủ phủ tỉnh Kherson đã siết kiểm soát đi lại, không cho người dân rời thành phố, cho thấy họ nhận thức được tình hình đang nguy cấp. Dù vậy, các quan chức tỉnh do Nga bổ nhiệm ở Kherson vẫn nói tình hình “trong tầm kiểm soát”.

Giải thích về động thái rút quân, họ cho rằng các đơn vị Nga trong khu vực được “tái bố trí” đến những địa điểm thuận lợi hơn để phòng thủ, không phải tháo chạy trong hỗn loạn.

Nghị sĩ Kartapolov cho rằng người dân Nga đang bối rối về diễn biến chiến dịch quân sự, buộc phải tìm đến thông tin từ quan chức địa phương và các blogger thay vì thông tin chính thống từ Bộ Quốc phòng. “Người dân sẽ nghĩ rằng chính quyền không muốn công khai dù chỉ một phần sự thật. Cách làm hiện nay sẽ ảnh hưởng tới uy tín quân đội”, ông cảnh báo.

Trong số những blogger nhìn nhận thực tế chiến trường như Kartapolov mô tả có Alexander Kots, phóng viên tờ Komsomolskaya Pravda đang tác nghiệp ở Svatove thuộc tỉnh Lugansk. Ông xác nhận các đơn vị phòng thủ thành phố thiếu thốn nghiêm trọng về nhân lực để ngăn đối phương tiến sâu hơn vào vùng Nga kiểm soát.

“Quân Nga không đủ nhân lực vì đã gánh rất nhiều tổn thất thời gian qua. Tình hình ở tiền tuyến lúc này vô cùng nguy cấp. Một trận đánh lớn sẽ sớm diễn ra và khả năng ngăn đối phương tiến quân lúc này vẫn mơ hồ”, ông viết trên Telegram.

Lực lượng Ukraine sau khi chiếm lĩnh nhiều cao điểm thuận lợi cho pháo binh xung quanh Lyman đã tăng cường tập kích phòng tuyến Kreminna – Svatove.

Quan chức tình báo quân sự Ukraine nhận định kịch bản Nga tiếp tục lui quân sâu hơn về phía đông chỉ còn là vấn đề thời gian. Họ cần bảo toàn lực lượng và vũ khí để bảo vệ Lysychansk, nơi Nga và dân quân ly khai vùng Donbass vừa giành kiểm soát hơn hai tháng trước, và kho đạn pháo đồ sộ ở Svatove.

Giới chức Ukraine nhận định một khi họ giành lại được Svatove, viễn cảnh quân Nga và phe ly khai bị dồn về đến giới tuyến ban đầu, trước khi Moskva phát động chiến dịch quân sự, sẽ trở thành mục tiêu trong tầm tay.

Cục diện chiến sự Nga - Ukraine sau gần 8 tháng. Đồ họa: WP.

Cục diện chiến sự Nga – Ukraine sau gần 8 tháng. Đồ họa: WP.

Theo nhà phân tích quân sự Ukraine Oleh Zhdanov, phòng tuyến Kreminna – Svatove mang ý nghĩa quyết định đối với cục diện chiến trường Lugansk vì Nga “không còn phòng tuyến nào khác sau lằn ranh này”.

Giới quan sát thời gian qua nhận định lực lượng Nga ở Donbass đang bị kéo căng trên một địa bàn rộng lớn, sau khi điều các đơn vị tinh nhuệ nhất và vũ khí hỏa lực mạnh đến chiến trường phía nam. Các tướng lĩnh Ukraine đã tận dụng thời cơ để duy trì đà phản công suốt một tháng qua trong khu vực, giải phóng gần như toàn bộ tỉnh Kharkov và tăng diện tích kiểm soát ở Donetsk.

“Tái chiếm Kreminna sẽ mở rộng không gian hoạt động cho quân đội Ukraine, giúp chúng tôi tiến nhanh chóng, thậm chí đến sát biên giới Nga”, Zhdanov đánh giá.

Yuriy Podolyaka, một blogger quân sự ủng hộ Moskva, hôm 3/10 nói tình hình chiến sự Lugansk đang “căng như dây đàn” khi lực lượng Nga đã phải rút về bờ sông Zherebets, phía bắc phòng tuyến Kreminna – Svatove trước sức ép từ đối phương áp đảo về quân số lẫn nhuệ khí. Ông đánh giá quân đội Ukraine giờ đây đã sử dụng thuần thục dữ liệu tình báo cùng vũ khí có độ chính xác cao do phương Tây cung cấp, trong khi Moskva phải chờ lực lượng dự bị để khôi phục sức chiến đấu.

“Chúng ta đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất ở tiền tuyến. Tình hình thậm chí sẽ tồi tệ hơn nữa”, Evgeniy Poddubnyy, biên tập viên đài Rossiya 24, hôm 4/10 chia sẻ.

“Trận địa dù vậy sẽ không sụp đổ ngay. Những sai lầm vừa qua không phải thất bại chiến lược quá lớn, nhưng chúng ta phải biết rút kinh nghiệm. Tôi hiểu rằng sự thật không dễ nghe, nhất là khi chiến dịch quân sự đã kéo dài gần 8 tháng, nhưng thực tế là quân ta cần tăng viện”, Poddubnyy nói.

Thanh Danh (Theo Economist, AP, CNN)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*