Đại diện TP. Cần Thơ, An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp và Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM ký kết hợp tác phát triển vùng nguyên liệu bền vững cho ngành lương thực, thực phẩm |
Cần Thơ – trung tâm liên kết phát triển vùng
Với chủ đề “Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững”, Diễn đàn Mekong Connect 2022 diễn ra tại Cần Thơ vào tuần qua thu hút sự quan tâm của các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhất là trong bối cảnh Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 – quy hoạch tích hợp cấp vùng đầu tiên trên cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phát biểu tại Diễn đàn Mekong Connect 2022, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường nhấn mạnh: “Liên kết, hợp tác để cùng phát triển đã được xác định là một trong những chìa khóa quan trọng để dẫn đến thành công, phát triển bền vững, để có thể vận dụng và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các bên, cùng đạt được mục tiêu đề ra với hiệu quả cao nhất… Diễn đàn này mang ý nghĩa hết sức tích cực, vừa là hoạt động thường niên, nhưng cũng vừa là cơ hội để chia sẻ, thấu hiểu, gắn kết cùng xây dựng mối liên kết bền vững, giúp nhau cùng phát triển”.
Trong mối liên kết, hợp tác giữa các địa phương vùng ĐBSCL, với tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, TP. Cần Thơ giữ vai trò là trung tâm, động lực phát triển của cả vùng.
Đến năm 2030, Cần Thơ trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại.
– Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ
“Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu phát triển không xa rời việc liên kết, hợp tác với các địa phương trong vùng. Đến năm 2030, Cần Thơ trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học – công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân của vùng ĐBSCL; đời sống vật chất tinh thần của người dân đạt mức cao”.
Về vị trí địa lý, Cần Thơ có vị trí chiến lược, nằm ở trung tâm vùng ĐBSCL, là cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mekong, đóng vai trò kết nối giữa Việt Nam với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.
Về kết cấu hạ tầng giao thông, Cần Thơ là nơi tập trung đầu mối của nhiều tuyến giao thông quan trọng trong vận tải nội vùng và liên vận quốc tế, bao gồm hệ thống giao thông đường thủy (3 cảng có thể tiếp nhận 5.000 – 20.000 DWT), đường bộ (6 quốc lộ đi qua, tuyến cao tốc kết nối thuận tiện với TP.HCM cũng như các tỉnh trong vùng) và đường hàng không.
Gần đây, Trung ương tập trung thêm nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ĐBSCL với vai trò bệ đỡ cho phát triển kinh tế – xã hội và thúc đẩy liên kết vùng. Nhiều dự án lớn về hạ tầng giao thông đã và đang được triển khai, như: tuyến cao tốc theo trục dọc (Trung Lương – Cần Thơ – Cà Mau); trục ngang (Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng); Dự án Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn II; nạo vét luồng hàng hải Định An – Cần Thơ; cùng với tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ (đang nghiên cứu lập Báo cáo tiền khả thi) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến đầu tư trước năm 2030…
Về phía địa phương, Cần Thơ đang tập trung hoàn thiện quy hoạch xây dựng trung tâm logistics cấp vùng với quy mô trên 242 ha, kêu gọi đầu tư trung tâm logistics hàng không tại Thành phố, xây dựng các khu công nghiệp quy mô lớn như Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ, Trung tâm năng lượng Ô Môn gắn với chuỗi dự án Lô B…
Bên cạnh đó, Cần Thơ còn có lợi thế là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, y tế; trung tâm đào tạo nguồn nhân lực – khoa học và công nghệ của Vùng…
Đặc biệt, vừa qua, nhiều chủ trương, quyết sách của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về phát triển TP. Cần Thơ được ban hành đã tạo thêm động lực mới để Thành phố biến những tiềm năng, lợi thế thành kết quả thực tế; đồng thời, phát huy vai trò, vị trí là trung tâm, cực tăng trưởng của ĐBSCL trong liên kết phát triển vùng, tạo đà bứt phá trong giai đoạn tới.
Xây dựng chuỗi liên kết bền vững
Trong khuôn khổ Diễn đàn Mekong Connect 2022, đã diễn ra Hội thảo “Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và đạt chuẩn cho thị trường trong nước và xuất khẩu”. Hội thảo nhằm góp phần tìm ra giải pháp đưa nông sản của ĐBSCL hướng vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng nhấn mạnh, thời gian qua, Cần Thơ và nhiều địa phương trong vùng đã tận dụng những lợi thế để đưa ra chính sách xây dựng vùng nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, nhiều vùng nguyên liệu đã dần hình thành. Song, các vùng nguyên liệu chưa được tổ chức và quản trị tốt, hạ tầng chưa đảm bảo, thiếu thông tin dữ liệu sản xuất để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã vùng trồng, hàng hóa liên vùng phục vụ chế biến và xuất khẩu. Việc hình thành và phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn là rất cần thiết, có ý nghĩa đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế và những thách thức của biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp hiện nay.
Đồng tình với nhận định nêu trên, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM chia sẻ, hiện nay Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai nhiều đề án, giải pháp phát triển vùng nguyên liệu phục vụ ngành chế biến thực phẩm. Trong đó, nổi bật là Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn giai đoạn 2022 – 2025 tại 13 tỉnh, thành phố trên cả nước (trong đó có An Giang, Đồng Tháp…).
Tuy nhiên, thực tế hiện nay chưa có cơ sở dữ liệu chung giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố này về thông tin sản phẩm, nhu cầu tiêu thụ, sản lượng, tiêu chuẩn cần đáp ứng, các kênh phân phối… để từ đó, các vùng nguyên liệu tại các địa phương này định hướng sản xuất, cung ứng phù hợp.
Từ đó, bà Lý Kim Chi gợi ý, TP.HCM và các địa phương trong quy hoạch phát triển của Đề án cần chủ động đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch chủ trì, hỗ trợ TP.HCM kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng Đề án để phối hợp khảo sát thực tế, nghiên cứu, đánh giá, hỗ trợ định hướng sản xuất, tiếp cận thị trường. Đặc biệt, cần xây dựng các cơ sở dữ liệu chung, thông tin điện tử về sản phẩm chủ lực của các tỉnh, yêu cầu về quy mô, quy trình, tiêu chuẩn chất lượng, giá cả… Khi có cơ sở dữ liệu chung, thì sẽ rất thuận lợi trong việc điều phối chuỗi cung ứng.
Đề cập giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho rằng, để tạo chuỗi liên kết bền vững, trong năm 2022 và thời gian tới, ngành nông nghiệp và các địa phương cần đẩy mạnh áp dụng phần mềm quản lý sản xuất vùng nguyên liệu có chứng chỉ, trái cây chất lượng cao; tạo cơ sở dữ liệu vùng nguyên liệu phục vụ truy suất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn tập trung trên cơ sở liên kết doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ…
Theo ông Nguyễn Văn Hồng, việc xây dựng vùng nguyên liệu sản phẩm nông sản đạt chuẩn, quy mô tập trung trên cơ sở liên kết bền vững với các doanh nghiệp chế biến, các nhà vận chuyển, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Xây dựng trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ là một hướng đi mới cho vùng. Đây là một trong 6 nội dung quan trọng trong Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ, được Quốc hội thông qua vào tháng 1/2022.
Việc thành lập trung tâm này là cần thiết và cấp bách nhằm giải quyết được vấn đề chính là tăng cường liên kết trong các chuỗi cung ứng, thúc đẩy sự phát triển bền vững lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp tại ĐBSCL.
Trung tâm bao gồm hoạt động sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản mang tính dẫn dắt, định hướng công nghệ, thúc đẩy sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng, định vị thương hiệu, quảng bá, tiếp thị nông sản ĐBSCL dựa trên nền tảng công nghệ 4.0, khai thác những lợi thế từ nền kinh tế số, mạng xã hội và phương tiện truyền thông khác, tích hợp đa phương thức vận tải… để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu với mục tiêu “một điểm đến đa dịch vụ”. Qua đó, góp phần hình thành chuỗi sản xuất liên kết gắn với 3 nhà: nhà nông, nhà sản xuất và doanh nghiệp xuất – nhập khẩu; khuyến khích thiết lập mối liên kết giữa vùng sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường…
Để lại một phản hồi