Phát biểu Khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết: nhằm tạo đột phá mới cho nền kinh tế của từng địa phương vùng ĐBSCL sau thời gian kiểm soát dịch bệnh và phục hồi tăng trưởng kinh tế, mở ra cơ hội mới để thu hút những dự án từ các nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho các địa phương trong vùng. Đồng thời là cơ hội tốt trong liên kết triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển nhanh và bền vững; phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre khẳng định, kết quả hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực: đầu tư, xúc tiến đầu tư và thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục, thông tin truyền thông và các hoạt động an sinh xã hội…
Theo Ban tổ chức Hội nghị: Chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực: đầu tư, xúc tiến đầu tư và thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, văn hóa – du lịch, y tế, giáo dục, thông tin và truyền thông, các hoạt động an sinh xã hội… Bước đầu, 13 tỉnh ĐBSCL đã thu hút được các nguồn lực từ các thành phần kinh tế của TP. Hồ Chí Minh đến đầu tư, khai thác tiềm năng và thế mạnh của từng tỉnh, thành phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Các dự án triển khai một cách hiệu quả, đã góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh trong vùng.
Nổi bật là các doanh nghiệp của TP. Hồ Chí Minh đã tìm kiếm được cơ hội và lợi ích khi đầu tư tại Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp. Thị trường tiêu thụ của Thành phố có được đảm bào nguồn cung cấp sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, an toàn và ổn định.
Tuy nhiên lãnh đạo chính quyền TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh thành Vùng ĐBSCL cũng thẳng thắn thừa nhận, việc hợp tác thời gian qua chưa quan tâm đúng mức, chưa chỉ đạo sâu sát trong việc thực hiện chương trình hợp tác; chưa thường xuyên theo dõi, sắp xếp thời gian giải quyết và tháo gỡ các vấn đề phát sinh; dẫn đến việc liên kết trên một số lĩnh vực đều có những khó khăn, vướng mắc trong quá trinh thực hiện nhưng chậm được tháo. Các hoạt động, chương trình chưa có chiều sâu, chương trình hợp tác chưa đi vào trọng tâm.
Hội nghị đã tập trung thảo luận nội dung trọng tâm sẽ hợp tác, giải pháp để TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong vùng hợp tác phát triển hiệu quả nhất, trong thời gian sớm nhất. Đặc biệt, tại hội nghị đã diễn ra hoạt động ký kết các thỏa thuận hợp tác kết nối chung giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành thuộc vùng ĐBSCL đến năm 2025 và trao các thỏa thuận hợp tác kết nối giữa Doanh nghiệp các địa phương. Các lĩnh vực hợp tác trọng tâm gồm: phát triển hạ tầng giao thông, phát triển du lịch, kết nối cung – cầu, xúc tiến đầu tư – thương mại, hợp tác thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết: hành trình phát triển của thành phố có sự đóng góp rất lớn của ĐBSCL và các vùng khác, thành phố rất cần sự hợp tác của ĐBSCL và các vùng. Trong các nội dung hợp tác, TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL cần tập trung vào 3 vấn để chính là: kết nối giao thông; kết nối cung – cầu, đầu tư; đầu tư nhân lực và y tế…
Để triển khai có hiệu quả, Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh sẽ chỉ đạo từng sở, ngành của TP. Hồ Chí Minh sẽ phối hợp các tỉnh, thành phố trong vùng. TP. Hồ Chí Minh sẽ có cơ chế để trao đổi, cập nhật thông tin chung thường xuyên trong thực hiện các nội dung hợp tác. Đồng thời, đề nghị mỗi địa phương thực sự quan tâm chỉ đạo công tác phối hợp chặt chẽ. Trong quá trình hợp tác, quan tâm phát triển, nâng cao năng lực nội tại của vùng để phát huy sức mạnh tổng thể cho sự phát triển chung của vùng.
Đặc biệt trong công tác quy hoạch, ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh cần hướng đến Hợp tác phát triển trong việc xây dựng và triển khai quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 20/02/2022 về phê duyệt quy hoạch Vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phối hợp xây dựng và triển khai Quy hoạch Vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; với mục tiêu khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của Vùng ĐBSCL và Vùng Đông Nam Bộ, Liên kết phát triển tạo lập không gian kinh tế chung cho phát triển kinh tế của toàn Vùng để phát huy tốt nhất lợi thế so sánh của các tỉnh trong Vùng. Trên cơ sở phối hợp có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu và thực chất, ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu mà Vùng có lợi thế, tạo môi trường thuận lợi và tiền đề cho sự phát triển chung của cả Vùng như: hợp tác phát triển để kết nối mạng kết cấu hạ tầng giao thông; hạ tầng thông tin và truyền thông; cung cấp điện, nước, hạ tầng và sản phẩm du lịch; kinh tế biển và đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng nhân lực phục vụ phát triển du lịch…, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Để lại một phản hồi