Sự khốc liệt khi kinh doanh quán cà phê: Các cửa hàng tại Hàn Quốc đua nhau dìm giá đến mức đóng cửa, cứ 1 quán mới mở thì 2 quán cũ sập tiệm

Soán ngôi gà rán

Theo tờ Korea Joongang Daily, Hàn Quốc là một chiến trường nóng bỏng cho ngành cà phê, nhất là những cửa hàng cà phê nhỏ tự phát.

Thị trường này từng được ví vui là “quốc gia cà phê” khi có đến gần 100.000 quán trên diện tích nhỏ chưa bằng bang Kentucky của Mỹ. Tại Quận Jung nằm ở trung tâm thủ đô Seoul, có những tòa nhà cho thuê đến 4 cửa hàng cà phê cùng một tầng, qua đó tạo ra những cuộc cạnh tranh về giá cực kỳ khốc liệt.

“Nếu cửa hàng cà phê bên cạnh bán rẻ hơn thì chúng tôi cũng chẳng có cách nào khác ngoài việc hạ giá. Một cốc Americano (cà phê đen) có giá 2.500 Won (2 USD) cách đây 3 năm thì nay chỉ còn 1.300 Won. Tôi đã cố gắng trụ lại vì đây là cửa hàng của mình, nhưng nói thật là chẳng có nhiều lợi nhuận lắm với kiểu cạnh tranh về giá như thế này”, một trong 4 cửa hàng tại quận Jung ở trên nói với Korea Joongang Daily.

Sự khốc liệt khi kinh doanh quán cà phê: Các cửa hàng tại Hàn Quốc đua nhau dìm giá đến mức đóng cửa, cứ 1 quán mới mở thì 2 quán cũ sập tiệm - Ảnh 1.

Trên thực tế, cuộc “đại chiến cà phê” (Coffee War) này, nơi các quán cạnh tranh nhau trên từng tòa nhà, từng khu phố đã không còn là điều đáng ngạc nhiên ở Hàn Quốc nữa.

Hầu như tại mỗi con hẻm tại các thành phố lớn của Hàn Quốc đều có ít nhất 3-4 quán cà phê, từ những thương hiệu lớn như Starbucks hay thương hiệu vừa như Mega Coffee cho đến các quán nhỏ tự phát.

Số liệu của Tổng công ty thương mại nông thủy sản Hàn Quốc (KAFTC), nước này có gần 99.000 quán cà phê vẫn còn hoạt động tính đến cuối năm 2022 bất chấp những khó khăn của đại dịch, lạm phát hay bất ổn kinh tế. Đây cũng là con số kỷ lục từ trước đến nay tại Hàn Quốc về số quán cà phê tồn tại.

Nếu so sánh với năm 2021, số quán cà phê tại Hàn Quốc đã tăng 21%, còn nếu so sánh với đầu năm thì con số này là 17,4%. Hiện số quán cà phê tại xứ sở kimchi còn nhiều hơn số quán gà rán (81.000 quán), vốn là món ăn ưa thích số 1 của người dân và cũng là cửa hàng hay được mở nhiều nhất trước đây.

Máu làm giàu

Cũng tương tự như các thị trường du lịch khi người dân thích mở nhà hàng, quán vỉa hè để kiếm thu nhập từ du khách, các quán cà phê của Hàn Quốc cũng là một cách để người dân xứ sở kimchi cố gắng làm giàu.

Tầm ảnh hưởng của văn hóa Phương Tây khiến Hàn Quốc có một lượng lớn người dân, và vẫn đang tăng lên, ưa thích uống cà phê. Với thị trường lớn như vậy cùng với chi phí mở quán không quá đắt, ngành kinh doanh này nhanh chóng soán ngôi gà rán để trở thành cửa hàng được mở nhiều nhất nước.

Hiện có rất nhiều người Hàn Quốc uống hơn 1 cốc cà phê mỗi ngày, trong khi nhiều người đến mức không có cà phê là không thể làm việc được. Nhu cầu lớn đi kèm với chi phí mở cửa hàng chỉ vào khoảng 50-70 triệu Won, chưa tính giá thuê mặt bằng, khiến rất nhiều cá nhân có thể “khởi nghiệp” trở thành ông chủ.

Nói một cách đơn giản, rào cản tiếp cận ngành cà phê này rất nhỏ.

Hãng tư vấn thiết kế Prong Coffee Design cho biết họ có bình quân khoảng 10 cửa hàng đến thuê dịch vụ mỗi tháng.

Sự khốc liệt khi kinh doanh quán cà phê: Các cửa hàng tại Hàn Quốc đua nhau dìm giá đến mức đóng cửa, cứ 1 quán mới mở thì 2 quán cũ sập tiệm - Ảnh 2.

“Giới trẻ Hàn Quốc ngày nay rất thích mở quán cà phê vì nghĩ rằng họ đủ sức làm giàu với ngành này, nhất là khi nhiều bạn từng làm bán thời gian cho các quán, thế rồi vốn cần để mở cũng không quá nhiều”, giám đốc Choi Seon Wool của Prong Coffee Design nhận định.

Trớ trêu thay, rào cản thị trường thấp cùng sức hút này đã khiến quá nhiều người mở quán, dẫn đến tình trạng các cửa hàng buộc phải cạnh tranh nhau về giá để sống sót.

Dìm nhau đến chết

Tờ Korea Joongang Daily cho biết nhiều chuỗi cửa hàng cà phê hiện đã hạ giá một cốc Americano xuống còn 900 Won, tức là rẻ hơn cả những cốc cà phê bán trong các siêu thị tiện lợi, và buộc vô số các cửa hàng khác phải đóng cửa vì không chịu nổi cuộc chiến về giá.

Anh Jin Sang Heon, chủ quán cà phê Cafe Ma tại Gimpo đã đóng cửa quán vào tháng 4/2022 sau 6 tháng hoạt động. Nhà “khởi nghiệp” này cho biết chỉ 1 tháng sau khi quán của anh khai trương, một chi nhánh của một thương hiệu chuỗi cà phê mở ngay đối diện bên đường với giá rẻ hơn, có danh tiếng hơn đã làm quán của anh không chịu nổi áp lực.

Quán của anh Jin đã cố gắng giảm giá để thu hút khách hàng nhưng sau khi lại có thêm một quán nữa mở gần đó thì ông chủ này quyết định bỏ cuộc.

“Tôi thậm chí còn chẳng bán nổi hơn 100.000 Won tiền cà phê mỗi ngày. Bình quân mỗi tháng tôi lỗ hơn 1,5 triệu Won”, anh Jin, người đã cố gắng làm 12 tiếng mỗi ngày nhưng chẳng thể duy trì nổi quán cà phê với số vốn 70 triệu Won.

“Hiện nay, cuộc chiến cà phê đang ngày càng nóng bỏng khi quán mới lấy mất khách của quán cũ. Cứ mỗi một quán mới mở là sẽ khiến 2 quán cũ phải đóng cửa”, CEO Hyeon Hyeok của hãng Broaden Coffee, chuyên cung cấp hạt cà phê cho 280 quán cà phê tại Hàn Quốc nói, đồng thời cảnh báo việc nhiều người trẻ nhảy vào lĩnh vực này mà không có sự tìm hiểu kỹ.

Số liệu của Seoul Metropolitan cho thấy trong năm 2022, riêng tại thủ đô Seoul đã có khoảng 2.187 quán cà phê đóng cửa, tương đương có 6 quán sập tiệm mỗi ngày. Đây cũng là số quán đóng cửa kỷ lục, cao hơn so với 1.970 quán sập tiệm của năm 2021.

Nếu tính riêng trong 13 ngày đầu năm 2023, Seoul đã chứng kiến 63 quán cà phê đóng cửa, tức là bình quân gần 5 quán sập tiệm mỗi ngày.

Sự khốc liệt khi kinh doanh quán cà phê: Các cửa hàng tại Hàn Quốc đua nhau dìm giá đến mức đóng cửa, cứ 1 quán mới mở thì 2 quán cũ sập tiệm - Ảnh 3.

Nhiều chuyên gia phân tích cho biết các quán cà phê có thể sống sót được nếu doanh số trong 4 ngày liên tiếp đủ trả tiền thuê mặt bằng. Ví dụ nếu tiền thuê mặt bằng là 1 triệu Won.tháng thì doanh số bình quân ngày phải vào khoảng 300.000 Won để có thể tiếp tục kinh doanh trong dài hạn.

Bên cạnh Americano, những đồ uống khác của quán cà phê cũng chẳng có mấy lợi nhuận khi giá thành những nguyên liệu làm nên chúng tăng giá.

“Hiện nay, giá hộp kem 1 lít đã tăng từ 6.000 Won lên 9.000 Won, trong khi hộp 1 lít sữa tăng từ 1.800 Won lên 2.000 Won, khiến chúng tôi càng khó kinh doanh hơn”, chủ một quán cà phê gần trạm tàu điện ngầm Seonjeongneung ở quận Gangnam-Seoul than thở.

*Nguồn: Korea Joongang Daily

Lý do ‘vua bán lẻ’ Masan tránh xa bất động sản, đặt cược vào mô hình cửa hàng minimall có cả quán cà phê, hiệu thuốc, máy ATM

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*