Ngồi trên đống đổ nát của một tòa nhà ở Kahramanmaras, gần tâm chấn trận động đất mạnh 7,8 độ ở khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Syria, Mesut Hancer mặc chiếc áo khoác màu cam, nắm chặt bàn tay của Irmak, con gái 15 tuổi.
Bất chấp thời tiết giá lạnh, Hancer không chịu rời đi, không ngừng xoa vào bàn tay cô con gái đang nằm bất động dưới hàng tấn bê tông. Irmak đã thiệt mạng khi căn nhà đổ sập xuống trong lúc cô bé đang ngủ.
Hancer đau buồn đến mức không nói nên lời. Ông chỉ ngồi đó, cố gắng ủ ấm bàn tay con gái, trong lúc hàng xóm dùng búa tạ cố gắng đập vỡ các mảng bê tông để đưa thi thể Irmak ra ngoài.
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết Irmak có thể là một trong số hàng nghìn trẻ em thiệt mạng trong thảm kịch động đất ngày 6/2.
Ở những nơi khác ở tỉnh Kahramanmaras, lực lượng cứu hộ đã giải cứu thành công hai đứa trẻ khỏi đống đổ nát. Họ đã phải yêu cầu đám đông giữ yên lặng để có thể nghe thấy tiếng kêu cứu của những người sống sót dưới đống đổ nát.
Bên kia biên giới, tại miền bắc Syria, một bé gái sơ sinh đã được cứu khỏi đống gạch đá, khi dây rốn vẫn nối với người mẹ đã qua đời trong trận động đất. Em bé là thành viên duy nhất trong gia đình còn sống sót, sau khi ngôi nhà ở thị trấn Jindayris, tỉnh Aleppo, đổ sập.
Bên trong lồng kính tại bệnh viện ở Afrin, bé gái sơ sinh đang được truyền dịch. Trán và các ngón tay của cô bé vẫn tím tái vì lạnh, trong khi các bác sĩ nói tình trạng của em đã ổn định.
Một số trẻ em khác cũng sống sót thần kỳ khi được lực lượng cứu hộ tìm thấy dưới đống đổ nát.
Dữ liệu mới nhất từ giới chức Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cho thấy số người chết trong trận động đất đã tăng lên gần 8.000.
Lực lượng cứu hộ đang phải chạy đua với thời gian để giải cứu người sống sót giữa thời tiết lạnh giá, trong khi người dân đau khổ chờ đợi bên những đống đổ nát với hy vọng tìm thấy người thân, bạn bè và hàng xóm còn sống.
Hơn 12.000 nhân viên tìm kiếm và cứu hộ cùng 9.000 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đang làm việc tại các khu vực bị ảnh hưởng. Hơn 70 quốc gia đã cung cấp các đội cứu hộ và viện trợ, nhưng quy mô của thảm họa được cho là rất đáng sợ. WHO cảnh báo 23 triệu người có thể bị ảnh hưởng.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố 10 tỉnh là vùng thảm họa và ban bố tình trạng khẩn cấp trong ba tháng. Trong khi đó, một quan chức nhân đạo của Liên Hợp Quốc tại Syria cho biết tình trạng thiếu nhiên liệu và thời tiết khắc nghiệt đang cản trở công tác cứu hộ, viện trợ.
Đức Trung (Theo Guardian, AFP)
Để lại một phản hồi