Bi kịch của người sống sót sau thảm họa động đất ở Syria

“Chúng tôi phải ngủ dưới những tán cây… nhưng thời tiết ở đây rất lạnh”, Umm Sultan, tay bế cháu trai hai tuổi, bật khóc nói. “Tôi ước chúng tôi đã chết cùng những người khác, để không phải trải qua những chuyện này. Chúng tôi sống sót chỉ để chịu đựng đau khổ”.

Bà Sultan sống ở thị trấn Bsaina, tỉnh Idlib, tây bắc Syria. Đây là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất từ trận động đất 7,8 độ đầu tuần trước, tàn phá nhiều khu vực ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền bắc Syria. Tại Bsaina, những người có lều để trú ẩn là điều may mắn. Số khác phải ngủ ngoài trời cùng trẻ nhỏ.

Sultan đã mất niềm tin vào việc thế giới đáp lại những lời khẩn cầu của Syria. Bà và gia đình chưa từng có một ngôi nhà trong 7 năm qua. Họ phải tháo chạy khỏi chiến sự ở tỉnh Aleppo và chuyển đến sống tại gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, với niềm tin sẽ an toàn hơn.

Rạng sáng 6/2, khi khu vực rung chuyển vì động đất, mọi người tháo chạy khỏi nhà, la hét vì sợ hãi trên đường phố, ướt sũng và lạnh cóng vì mưa lớn, Sultan nhớ lại. “Tôi nghe có tiếng hét ‘giúp chúng tôi với’ rồi im bặt. Họ đều thiệt mạng. Không có ai ở đó để giúp họ”, bà kể.

Trận động đất đã khiến 31.643 người đã thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và 5.714 người chết ở Syria, các quan chức và nhân viên y tế cho biết, nâng tổng số người chết được xác nhận lên 37.357.

Người dân Bsaina và Harem, thị trấn cùng tỉnh Idlib, ngày 11/2 tiếp tục đào bới đống đổ nát bằng tay và dụng cụ làm vườn. Họ đã hết hy vọng tìm thấy người sống sót và chỉ muốn chôn cất người đã khuất. Ahmad, một người dân địa phương, cũng đang tìm kiếm anh em, họ hàng của mình.

“21 người, hai trong số đó là trẻ em”, Ahmad nói với vẻ đờ đẫn.

Nader Fadil, mất vợ và hai con trong trận động đất, đứng trên đống đổ nát từng là ngôi nhà của ông ở Jableh, Syria, ngày 12/2. Ảnh: Reuters

Nader Fadil, mất vợ và hai con trong trận động đất, đứng trên đống đổ nát từng là ngôi nhà của ông ở Jableh, Syria, ngày 12/2. Ảnh: Reuters

Trái với Thổ Nhĩ Kỳ, nơi nhận được sự hỗ trợ của hàng chục quốc gia và tổ chức quốc tế, hoạt động cứu hộ và viện trợ ở Syria gặp nhiều trở ngại do nước này vẫn trong tình trạng nội chiến. Khu vực chịu thiệt hại nặng nhất là nơi phe đối lập kiểm soát.

Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad kêu gọi các nước tôn trọng chủ quyền Syria và hàng viện trợ nên đi qua lãnh thổ do chính phủ kiểm soát. Trên thực tế, hàng viện trợ cho phe đối lập ở tây bắc Syria suốt nhiều năm qua được chuyển qua biên giới từ Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng hoạt động này cần được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chấp thuận 6 tháng một lần.

Giám đốc viện trợ Liên Hợp Quốc Martin Griffiths thừa nhận họ đã khiến người dân tây bắc Syria thất vọng khi cứu trợ còn gặp trở ngại, với duy nhất cửa khẩu Bab al-Hawa ở biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ còn hoạt động. Ông đang vận động hành lang tại Liên Hợp Quốc để mở thêm các cửa khẩu khác.

Các nguồn thạo tin nói ông Griffiths đã thông báo tại phiên họp kín Hội đồng Bảo an ngày 13/2 rằng chính quyền Damascus đã chấp thuận mở cửa thêm hai cửa khẩu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria trong vòng ba tháng. Mỹ ngày 12/2 kêu gọi tất cả các bên ở Syria lập tức cho phép tiếp cận nhân đạo tới các khu vực cần giúp đỡ.

“Đây là khủng hoảng chồng khủng hoảng”, Leena Zahra, nhân viên cứu trợ nhân đạo người Mỹ gốc Syria chuyên về cải thiện sức khỏe tâm thần cho những người di cư, nói với CNN. “Thảm họa này sẽ tác động đến trẻ em, các gia đình, trong đó có những người đã phải di cư hơn 20 lần. Nó sẽ làm gia tăng hơn nữa những ảnh hưởng tâm lý họ vốn đã phải đối mặt”.

Toàn cảnh thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ

Toàn cảnh thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ

Trận động đất thế kỷ tàn phá Thổ Nhĩ Kỳ, Syria. Video: Văn Phú – Như Tâm

Như Tâm (Theo CNN, Reuters)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*