Các đối tác phát triển cam kết hỗ trợ 2,6 tỷ USD để phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng. |
Cú hích 10 tỷ USD từ Đồng bằng sông Hồng
Compal, một trong các đối tác sản xuất của Apple và nhiều “ông lớn” công nghệ khác trên thế giới, vừa nhận chứng nhận đăng ký đầu tư để triển khai xây dựng một nhà máy chuyên gia công, lắp ráp thiết bị điện tử, như máy tính xách tay, đồng hồ thông minh… tại tỉnh Thái Bình. Vốn đầu tư của dự án là 6.467 tỷ đồng, tương đương 260 triệu USD.
Như vậy, sau khi đầu tư dự án 500 triệu USD tại Vĩnh Phúc, Compal đã quyết định lựa chọn Thái Bình làm điểm dừng chân mới. Ông KC Chen, Phó tổng giám đốc Compal Việt Nam chia sẻ, Công ty quyết định đầu tư dự án này tại Thái Bình vì thuận tiện về giao thông, nguồn nhân lực dồi dào, sẵn mặt bằng sạch và đủ lớn.
Theo kế hoạch, dự án trên sẽ sớm được khởi công xây dựng để có thể chính thức đi vào sản xuất trong quý II/2024, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới.
Dự án của Compal chính là một trong những dự án được trao chứng nhận đăng ký đầu tư tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng, tổ chức vào cuối tuần qua tại Quảng Ninh.
Không chỉ Compal, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước khác cũng đã nhận chứng nhận đăng ký đầu tư, chủ trương đầu tư, hay biên bản ghi nhớ đầu tư trong dịp này. Tổng cộng, gần 10 tỷ USD đã được cam kết hỗ trợ và đầu tư vào Vùng đồng bằng sông Hồng thời gian tới.
Trong số này, ngoài 2,6 tỷ USD của 20 dự án mà các đối tác phát triển cam kết hỗ trợ Vùng đồng bằng sông Hồng, tập trung ưu tiên cho phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, thủy lợi, ứng phó biến đổi khí hậu, thì có 7,1 tỷ USD là của các dự án đầu tư trong và ngoài nước.
Dù có thể không phải dự án FDI, nhưng các dự án hỗ trợ của các đối tác phát triển, cũng như các dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước chắc chắn cũng sẽ đóng vai trò “cú hích” cho dòng vốn FDI, hứa hẹn sẽ tiếp tục đổ vào Vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng, Việt Nam nói chung.
Trong Vùng, Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Phòng… đều là những “thỏi nam châm” thu hút đầu tư trong thời gian qua. Đây là khu vực đứng thứ hai cả nước về thu hút FDI, chiếm 31,4% tổng vốn FDI mà Việt Nam thu hút được trong 35 năm qua. Hàng loạt tên tuổi lớn của thế giới, như Samsung, LG, Honda, Canon, Foxconn, Toyota… đã chọn và đưa các địa phương trong Vùng thành “cứ điểm” sản xuất của mình.
Bởi thế, dễ hiểu vì sao, nhiều nhà đầu tư tiếp tục chọn khu vực này là điểm đến. Ngoài dự án của Compal, còn có thể kể một loạt dự án khác cũng được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư trong dịp này.
Chẳng hạn, Dự án Sản xuất, chế tạo, gia công và lắp ráp các loại linh kiện, phụ tùng và sản xuất máy khâu; các thiết bị cho ngành may, với tổng mức đầu tư 958 tỷ đồng, của Công ty Pegasus Sewing Machine MFG Co.Ltd; Dự án Sản xuất các sản phẩm an toàn cho ô tô và xe có động cơ khác để xuất khẩu, với tổng mức đầu tư 3.773 tỷ đồng, của Công ty TNHH Autoliv Việt Nam; Dự án sản xuất khóa chốt và dập định hình Boltun Việt Nam, 4.080 tỷ đồng… Hay Dự án Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tấm bán dẫn Silic tinh thể dùng để sản xuất tấm tế bào quang điện, với tổng mức đầu tư 3.490,5 tỷ đồng, của Công ty ET Solar Power Hongkong…
Sóng FDI sẽ mạnh lên?
Dù xu hướng hiện tại, vốn FDI vào Việt Nam đang chậm lại, nhưng nhiều động thái hứa hẹn cho thấy, “sóng” FDI vào Việt Nam sẽ mạnh lên trong thời gian tới. Đó là khẳng định của ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội.
Công bố kết quả khảo sát được thực hiện với 3.100 doanh nghiệp có trụ sở tại Nhật Bản, ông Nakajima Takeo cho biết, Việt Nam xếp thứ tư trên thế giới về điểm đến xuất khẩu của các công ty Nhật Bản, xếp thứ hai chỉ sau Hoa Kỳ về thu hút đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản.
– Ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội
“Con số này cho thấy sự quan tâm lớn lao của doanh nghiệp Nhật Bản đối với Việt Nam. Đó là vì các công ty Nhật Bản cho rằng, thị trường Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ và là điểm đến của doanh nghiệp, nhiều đối tác kinh doanh”, ông Nakajima Takeo nói.
Cũng theo công bố của ông Nakajima Takeo, cuộc khảo sát đối với 600 công ty Nhật Bản tại Việt Nam cho thấy, có hơn 60% số doanh nghiệp được hỏi cho biết, công ty họ sẽ mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nước ASEAN.
Không chỉ là doanh nghiệp Nhật Bản, mối quan tâm của các doanh nghiệp Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan… tới thị trường Việt Nam cũng rất lớn. Trong chuyến công du của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Singapore và Brunei vào tuần trước, nhiều quỹ đầu tư, nhà đầu tư của hai nền kinh tế này đã khẳng định như vậy.
Lãnh đạo của các nhà đầu tư tên tuổi lớn như Temasek, Sembcorp, Quỹ Đầu tư CMIA, Tập đoàn Surbana Jurong, Keppel, Ngân hàng UOB…, trong các cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Phạm Minh Chính, đều bày tỏ mong muốn tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, một “địa điểm kinh doanh quan trọng”.
Và không chỉ là bày tỏ, VSIP – một liên doanh của Sembcorp, đã nhận được cái gật đầu của Chính phủ Việt Nam để triển khai xây dựng Khu công nghiệp VSIP thứ hai ở Nghệ An. Cũng là Sembcorp đã ký thỏa thuận hợp tác với các đối tác thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để phát triển dự án điện gió ngoài khơi nhằm xuất khẩu sang Singapore…
“Việt Nam là ngôi sao đang lên trong khu vực với chính sách ổn định, nền kinh tế năng động, những nỗ lực cải cách. Việt Nam cũng có lợi thế về lực lượng lao động dồi dào và có trình độ ngày càng cao, thị trường hấp dẫn”, đại diện Ngân hàng Standard Chartered đã nói như vậy tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Singapore, được tổ chức nhân chuyến công du Singapore mới đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Cơ hội là rất lớn. Nhưng điều quan trọng là phía Việt Nam sẵn sàng đón nhận cơ hội đến đâu. “Chúng tôi xác định luôn sẵn sàng về hạ tầng, sẵn sàng về nhân lực, sẵn sàng cải cách và sẵn sàng hỗ trợ cho nhà đầu tư, để thu hút được nhiều hơn nữa các nhà đầu tư đến Hải Dương”, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết như vậy.
Trong khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, tỉnh xác định tập trung xây dựng cơ chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư trên địa bàn, chủ động hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc… để tăng cường thu hút đầu tư.
“Tỉnh Bắc Ninh đang triển khai những chính sách thiết thực nhất để phát triển nhân lực chất lượng cao, chuyên môn kỹ thuật, tiếp tục các chính sách thuận lợi để thu hút đầu tư”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết.
Để lại một phản hồi