Trung Quốc hiện có 24 thành phố GRDP nghìn tỷ NDT
Theo trang tin Ifeng (Trung Quốc), mặc dù số lượng các thành phố có GRDP nghìn tỷ NDT đã không ngừng gia tăng trong 10 năm qua, nhưng xu hướng phân hóa Bắc-Nam, Đông-Tây vẫn nổi bật. Trong số 24 thành phố GRDP nghìn tỷ NDT, 18 thành phố ở phương Nam, chỉ có 6 thành phố ở phương Bắc, và không có thành phố nào ở Đông Bắc.
Không chỉ vậy, trong số 4 thành phố lớn nhất vùng Đông Bắc (bao gồm Đại Liên, Thẩm Dương, Trường Xuân và Cáp Nhĩ Tân), được mệnh danh là “F4 Đông Bắc”, chỉ duy nhất Đại Liên lọt vào Top 30 thành phố có GRDP hàng đầu Trung Quốc; Trường Xuân hiếm khi lọt vào Top 40; còn Cáp Nhĩ Tân thậm chí đang tụt hậu và rơi khỏi Top 50.
Đồng thời, kinh tế của “F4 Đông Bắc” tuy không còn huy hoàng như xưa, nhưng xét về cấp độ thành phố, đây không phải là các thành phố cấp tỉnh bình thường, mà đều là thành phố trực thuộc tỉnh.
Như hiện tại, cho dù đó là Tô Châu – thành phố cấp tỉnh phát triển nhất Trung Quốc, hay các thành phố thủ phủ cấp tỉnh mạnh như Trịnh Châu, Hợp Phì và Phúc Châu… thì đều chưa được nâng cấp thành thành phố trực thuộc tỉnh.
Tuy nhiên, trong số 15 thành phố trực thuộc tỉnh, “F4 Đông Bắc” gần như đều đứng cuối danh sách.
Nguyên nhân của hiện tượng này là do, vào những năm 1980-1990 khi các thành phố trực thuộc tỉnh được thành lập là quãng thời gian huy hoàng của vùng Đông Bắc; nhưng sau năm 1994, việc mở rộng các thành phố trực thuộc tỉnh đã đột ngột dừng lại.
Khi đó, các thành phố trực thuộc tỉnh hoặc cần có kinh tế phát triển và dân số đông, hoặc cần có vị trí độc tôn trong chiến lược quốc gia.
Tuy nhiên, trong 30 năm qua, kinh tế đô thị tại Trung Quốc đã có những thay đổi to lớn, nhưng cấp hành chính lại cố định, nên đã xảy ra hiện tượng kinh tế chưa đủ mạnh mà cấp hành chính lại cao.
Cảng Đại Liên được coi là trung tâm vận chuyển hàng hóa quốc tế ở khu vực Đông Bắc Á. Ảnh: Sohu
Nền kinh tế vùng Đông Bắc đang nỗ lực “thoát đáy”
Theo trang tin Ifeng, trong những năm gần đây, với sự hỗ trợ tái phát triển vùng Đông Bắc, cùng những thay đổi trong cấu trúc địa chính trị ở Đông Bắc Á, cũng như sự xuất hiện của các dự án đầu tư lớn, nền kinh tế vùng Đông Bắc đã phục hồi đáng kể.
Tốc độ tăng trưởng GRDP của Đại Liên và Thẩm Dương đang vượt trội so với mức trung bình cả nước và được xếp hàng đầu trong số các thành phố lớn ở Trung Quốc.
Sau khi GRDP của Đại Liên dao động ở mức 700 tỷ NDT (103 tỷ USD) trong suốt 10 năm, thành phố này cuối cùng đã vượt mốc GRDP 800 tỷ NDT (117,7 tỷ USD) vào năm 2022, khiến nó trở thành ứng cử viên nặng ký cho vị trí thành phố GRDP nghìn tỷ NDT.
Tiếp theo là Thẩm Dương, thành phố có GRDP năm 2022 đạt gần 770 tỷ NDT (113,3 tỷ USD), tiệm cận Top 30 thành phố có GRDP hàng đầu Trung Quốc.
Còn Trường Xuân, nơi đang cạnh tranh với Thẩm Dương, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 rất nghiêm trọng nên GRDP đã sụt giảm mạnh. GRDP của Trường Xuân đã giảm từ 710 tỷ NDT (104,4 tỷ USD) trong năm 2021 xuống còn khoảng 680 tỷ NDT (100 tỷ USD) trong năm 2022.
Đối với Cáp Nhĩ Tân, thành phố này đang phải đối mặt với nguy cơ bị những thành phố xếp sau đuổi kịp. Sau khi mất vị trí là thành phố có dân số hàng chục triệu người vào năm 2021, Cáp Nhĩ Tân lại rơi ra khỏi Top 50 thành phố có GRDP hàng đầu Trung Quốc vào năm 2022 và bị các thành phố bình thường như Ngọc Lâm, Tương Dương, Nghi Xương và Ordos vượt qua.
GRDP năm 2022 của Thẩm Dương đạt gần 770 tỷ NDT (khoảng 113,3 tỷ USD). Ảnh: Sohu
Đâu là thành phố GRDP nghìn tỷ NDT đầu tiên ở vùng Đông Bắc?
Chỉ vài năm trước, trong nhóm “F4 Đông Bắc”, ngoài Cáp Nhĩ Tân, cả Đại Liên, Thẩm Dương và Trường Xuân đều đặt mục tiêu GRDP nghìn tỷ vào cuối Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (khoảng năm 2025).
Tuy nhiên, theo trang tin Ifeng, với tác động của đại dịch COVID-19, mối quan hệ giữa các cường quốc, việc tái cơ cấu công nghiệp và những thay đổi cơ bản về dân số đã tạo ra bất ổn chưa từng có đối với tình hình tăng trưởng kinh tế và Đông Bắc là khu vực đầu tiên ở Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề.
Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các chính sách khác nhau, nền kinh tế Đông Bắc đang vượt qua giai đoạn trầm lặng và được kỳ vọng sẽ đạt được bước đột phá.
Nếu không có yếu tố bất ngờ tác động, Đại Liên và Thẩm Dương được kỳ vọng sẽ là những thành phố đầu tiên có GRDP nghìn tỷ NDT trong vài năm tới.
Đứng đầu “F4 Đông Bắc”, GRDP năm 2022 của Đại Liên đạt 843 tỷ NDT (124 tỷ USD), tiệm cận Từ Châu. Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, sẽ không có gì quá khó khăn để Đại Liên vượt qua mốc GRDP 1 nghìn tỷ NDT vào khoảng năm 2025.
Tuy nhiên, tham vọng của Đại Liên không dừng lại ở đó. Ngay từ năm 2021, Đại Liên đã hô vang khẩu hiệu “GRDP trên 1 nghìn tỷ NDT trong 3 năm” , tức là sẽ bứt phá trước thời hạn vào năm 2024. Để đạt được mục tiêu này, trong 2 năm tới, Đại Liên ít nhất phải duy trì tốc độ tăng trưởng danh nghĩa hơn 10% và tốc độ tăng trưởng thực tế khoảng 7%.
Thẩm Dương – thủ phủ cấp tỉnh lớn nhất vùng Đông Bắc – luôn theo đuổi nhiều mục tiêu trở thành thành phố GRDP nghìn tỷ NDT, thành phố có dân số hàng chục triệu người và thành phố trung tâm quốc gia của Trung Quốc.
Cuộc họp báo về kế hoạch hành động “1 trung tâm, 5 hình mẫu” của Thẩm Dương được tổ chức vào cuối năm ngoái đã đề xuất: Đến năm 2025, Thẩm Dương sẽ trở thành thành phố trung tâm quan trọng với đầy đủ chức năng và là động lực phát triển mạnh mẽ của vùng Đông Bắc, GRDP vượt 1 nghìn tỷ NDT, tổng thu ngân sách công vượt 100 tỷ NDT, dân số vượt 10 triệu người.
Trang tin Ifeng nhận định, ngoài sự bất định trong chính sách về thành phố trung tâm quốc gia, áp lực để đạt được các mục tiêu khác của Thẩm Dương có thể không quá lớn.
Để lại một phản hồi