Các kịch bản tại Mỹ
Theo Financial Times, thị trường tài chính Mỹ đang có sự bùng nổ mới vào năm 2023. Cổ phiếu, trái phiếu và thậm chí cả bitcoin đều tăng giá vào tháng 1. Các thị trường mới nổi, bị kìm nén trong đại dịch, cũng chứng kiến dòng vốn lớn đổ về. Tâm lý chấp nhận rủi ro được dựa trên kỳ vọng về một cuộc “hạ cánh mềm” ở Mỹ: lạm phát giảm nhanh chóng và không có suy thoái.
Dù vậy, các nhà đầu tư đã trở nên bối rối vào ngày 3/2 vừa qua khi Mỹ báo cáo tỉ lệ việc làm ở mức cao, điều này đồng nghĩa với khả năng lạm phát có thể cao hơn dự kiến và Cục Dự trữ Liên bang sẽ đẩy lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.
Financial Times nhận định, cho đến khi có một hướng phát triển rõ ràng đối với nền kinh tế Mỹ, thì thị trường sẽ tiếp tục biến động. Các thị trường đã thể hiện sự khởi sắc ban đầu nhờ những dấu hiệu giảm bớt áp lực giá cả ở Mỹ: lạm phát đã giảm từ mức cao nhất kể từ mùa hè và FED đã giảm tốc độ tăng lãi suất.
Quan điểm của FED rằng chính sách tiền tệ cần phải được thắt chặt hơn trước khi tốc độ tăng giá được kiểm soát không khiến các nhà đầu tư chùn bước. Họ dự đoán rằng lãi suất sẽ giảm vào cuối năm nay – ngay cả sau khi Fed vừa tăng lãi suất thêm 25 điểm phần trăm vào tuần trước và cảnh báo sẽ còn nhiều đợt tăng hơn nữa.
Sau khi số liệu việc làm cho thấy Mỹ đã có thêm 517.000 việc làm trong tháng 1, cao hơn nhiều so với dự đoán, với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 53 năm, các thị trường đã tiến gần hơn đến giới hạn của FED và xảy ra hiện tượng bán tháo. Có thể thấy, sự tăng trưởng trong lĩnh vực việc làm chỉ ra rằng thị trường lao động vẫn đang nhộn nhịp, và điều này sẽ duy trì áp lực giá cả.
Vào thời điểm này, các thị trường vẫn đang dự đoán tương lai triển vọng kinh tế Mỹ, với các kịch bản hạ cánh cứng, hạ cánh mềm và thậm chí là “không hạ cánh” được đưa ra, có tác động khác nhau đối với các nhà đầu tư và vị thế của họ.
Kịch bản “hạ cánh mềm”
Đối với một số người, câu chuyện “hạ cánh mềm” vẫn còn nguyên giá trị. Số lượng việc làm ổn định cùng với sự suy giảm trong tăng trưởng thu nhập hàng năm – đạt mức thấp nhất trong 17 tháng là 4,4% – cho thấy Mỹ có thể đạt mục tiêu giảm lạm phát (disinflation) mà không có tỷ lệ thất nghiệp tăng đáng kể.
Một số người khác lại cảm thấy “bất an” vì việc làm tăng trưởng mạnh mẽ và khả năng phục hồi trong lĩnh vực dịch vụ có thể dẫn đến một kịch bản “không hạ cánh” trong đó nền kinh tế không chậm lại còn lạm phát và lãi suất leo đến mức cao mới.
Những người khác lại cảnh giác hơn với một kịch bản “hạ cánh cứng”.
Trên thực tế, hoạt động kinh tế đang suy yếu trên diện rộng: các chỉ số hướng tới tương lai của lĩnh vực sản xuất của Mỹ cho thấy Mỹ có thể đã rơi vào suy thoái, trong khi thị trường nhà ở và dữ liệu bán lẻ gần đây cho thấy sự suy yếu.
Nếu tăng trưởng tiền lương không giảm xuống, FED có thể cần phải đẩy chi phí tín dụng tăng cao hơn nữa, và điều này sẽ khiến nền kinh tế Mỹ có khả năng suy thoái nhanh hơn. Nhưng đồng thời, sự suy yếu trong toàn bộ nền kinh tế và tác động lẫn nhau nhanh hơn của các đợt tăng lãi suất trước đây có thể kéo cả tốc độ tăng trưởng và lạm phát xuống nhanh hơn.
Thị trường tài chính đang gặp khó khăn trong việc định giá tất cả những rủi ro này. Các quan điểm trái ngược nhau có nghĩa là định giá tài sản sẽ đặc biệt nhạy cảm với dữ liệu và bình luận mới của các quan chức FED.
Trong khi đó, FED cần kiên định với mục tiêu giảm lạm phát xuống mục tiêu đã định và đảm bảo thông điệp họ đưa ra đủ rõ ràng. Cho dù là kinh tế Mỹ trải qua kịch bản hạ cánh mềm hay cứng, thì vẫn sẽ có rất nhiều sóng gió trên con đường tới đó.
Để lại một phản hồi