Điều đáng chú ý hơn là danh sách 10 tỉ phú giàu nhất Trung Quốc đã có những thay đổi đáng kinh ngạc. Các ông trùm bất động sản từng chiếm lĩnh một nửa danh sách cùng nhau thất bại và biến mất khỏi danh sách; thay vào đó là các ông trùm trong lĩnh vực internet và sản xuất.
Trong top 10, lĩnh vực internet là đông đảo nhất, với 5 người: Trương Nhất Minh, Mã Hóa Đằng, Mã Vân, Đinh Lỗi và Hoàng Tranh.
Ngành sản xuất có 3 tỉ phủ là Chung Thiểm Thiểm, Tăng Dục Quần và Hà Hưởng Kiện. hai người còn lại là Vương Vệ và Tần Anh Lâm lần lượt đến từ ngành chuyển phát nhanh và chăn nuôi gia súc.
Trang tin Baijiahao của Trung Quốc nhận định, từ danh sách này có thể thấy rằng trong một thời gian dài sắp tới, nền kinh tế Trung Quốc sẽ do lĩnh vực internet và sản xuất thống trị, còn thời đại của bất động sản đã chính thức kết thúc.
Số 1: “Tỉ phú có nhiều nước nhất” Chung Thiểm Thiểm (tài sản 61,7 tỉ USD)
Người bình thường khó có thể tưởng tượng làm thế nào Chung Thiểm Thiểm có thể trở thành người giàu nhất Trung Quốc bằng cách bán nước khoáng Nongfu Spring với giá 2 NDT/chai (khoảng 7000 VNĐ).
Theo trang tin Baijiahao, sức mạnh của Nongfu Spring là do có mạng lưới phân phối toàn quốc, thâm nhập vào mọi ngõ ngách, ở đâu có người ở đó có Nongfu Spring.
Số 2: “Kỳ lân vĩ đại nhất” Trương Nhất Minh (51,9 tỉ USD)
Trong những năm gần đây, công ty ByteDance của Trương Nhất Minh đã phát động một cuộc tấn công toàn cầu, ứng dụng TikTok đã càn quét thế giới và chiếm giữ vị trí hàng đầu trong danh sách phần mềm được tải xuống nhiều nhất tại Mỹ trong một thời gian dài, trở thành ứng dụng quốc dân tại nước này.
Mặc dù vẫn chưa được niêm yết trên thị trường chứng khoáng, nhưng ByteDance được định giá cao tới 364,7 tỉ USD, hơn hẳn những công ty Trung Quốc như Alibaba, Jingdong… và là đối thủ của những gã khổng lồ Mỹ như Apple và Tesla. Các ngân hàng đầu tư ở Phố Wall đang thúc giục ByteDance niêm yết cổ phiếu công khai càng sớm càng tốt.
Trang tin Baijiahao nhận định, nếu ByteDance lên sàn chứng khoán, người sáng lập Trương Nhất Minh chắc chắn sẽ trở thành người giàu nhất Trung Quốc.
Số 3: “Vinh quang của ngành chế tạo” Tăng Dục Quần (28,6 tỉ USD)
Tăng Dục Quần là một người cống hiến hết mình cho khoa học kỹ thuật, rất kiệm lời. Ông được coi là một trong số ít tài năng tổng hợp trong ngành sản xuất của Trung Quốc, người hiểu cả công nghệ và quản lý.
Công ty Ningde Times của Tăng Dục Quần hiện chiếm 35% thị trường pin xe điện toàn cầu. Mặc dù vẫn còn khoảng cách với pin cao cấp của Samsung, LG và Sony, nhưng điều đó không ngăn cản Ningde Times sản xuất pin với hiệu suất chi phí cao nhất.
Theo trang tin Baijiahao, Ningde Times là tương lai của ngành sản xuất Trung Quốc. Sau 20 năm sản xuất đồ gia dụng và sản phẩm điện tử, ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc rất cần nâng cấp công nghiệp để bước vào lĩnh vực ô tô có giá trị gia tăng cao, Ningde Times là một đại diện tiêu biểu cho ngành công nghiệp ô tô “chuyển làn và vượt lên” của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc.
Số 4: “Ổn định” Mã Hóa Đằng (23,1 tỉ USD)
Mã Hóa Đằng là tỉ phú ổn định nhất trong số những người giàu nhất Trung Quốc, trong 10 năm qua, năm nào ông cũng xuất hiện trong danh sách top 10.
Hoạt động kinh doanh của Tencent do Mã Hóa Đằng làm chủ có ba trụ cột: truyền thông + trò chơi điện tử + đầu tư.
QQ và WeChat là nền tảng của “đế chế” Tencent, cung cấp lưu lượng truy cập ổn định cho các doanh nghiệp khác.
Trò chơi điện tử là “con bò sữa” của Tencent, với doanh thu hàng năm là 14,6 tỉ USD. Tencent đã vượt qua Sony trở thành nhà phát hành trò chơi điện tử lớn nhất thế giới.
Tencent cũng đầu tư vào hơn 1.000 công ty, trong đó hơn 100 công ty đã hoàn thành niêm yết. Trên thị trường chứng khoán, đã từng có câu nói về khái niệm “cổ phiếu Mã Hóa Đằng”: chỉ cần nhắm mắt mua cổ phiếu của các công ty do Mã Hóa Đằng đầu tư, thì đảm bảo sẽ kiếm được tiền.
Số 5: “Người đi khắp thế giới” Mã Vân (20,4 tỉ USD)
Là “chú ngựa” còn lại trong “hai chú ngựa” trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc, tung tích của Mã Vân suốt 2 năm qua vẫn là một ẩn số, ông đã dành phần lớn thời gian ở nước ngoài và chỉ trở về Trung Quốc vào dịp Tết Nguyên Đán vừa qua.
Việc Mã Vân biến mất thậm chí còn khiến cả nước Mỹ ở bên kia bờ đại dương phải chú ý. Trong một cuộc phỏng vấn, người dẫn chương trình của Mỹ đã hỏi tỉ phú Elon Musk: “Ông nghĩ công nghệ của Trung Quốc sẽ phát triển như thế nào trong tương lai?” Musk im lặng một lúc rồi hỏi: “Mã Vân đang ở đâu?”
Theo trang Baijiahao, trong mắt nước ngoài, Mã Vân là đại diện tiêu biểu của giới doanh nhân Trung Quốc. Khi nền kinh tế đi xuống, nhiều người bắt đầu hoài niệm thời kỳ Mã Vân là người giàu nhất Trung Quốc.
Nhưng Mã Vân chắc chắn sẽ không quay lại thương trường. Bây giờ ông đã kiếm đủ tiền, giống như Bill Gates, Mã Vân bị ám ảnh bởi phúc lợi công cộng và sự phát triển trong tương lai của nhân loại.
Ví dụ, Mã Vân đã đi khảo sát nông nghiệp hữu cơ ở Hà Lan, hy vọng có thể áp dụng mô hình này tại Trung Quốc và tìm ra con đường mới cho sự phát triển bền vững của nông nghiệp Trung Quốc.
Số 6: “Vị vua trầm mặc” Vương Vệ (19,4 tỉ USD)
Thị trường chuyển phát nhanh của Trung Quốc được chia làm 2 phe: SF Express của Vương Vệ và các đối thủ.
Cuộc chiến giá cả chưa bao giờ là ưu điểm của SF Express, nhưng dịch vụ chất lượng cao tạo là thế mạnh của SF Express. Dựa vào lợi nhuận gộp cao, SF Express không bao giờ chạy theo xu hướng, mà phát triển kinh doanh ổn định theo cách riêng của mình, từng bước vươn tới đỉnh cao của ngành chuyển phát nhanh Trung Quốc.
Còn Vương Vệ hơi giống một “người vô hình”, rất ít khi xuất hiện trước công chúng.
Số 8: “Ông hoàng đồ gia dụng” Hà Hưởng Kiện (18,6 tỉ USD)
Trong 10 năm qua, ngành thiết bị gia dụng không thu hút được sự chú ý, và sự chú ý của giới truyền thông tập trung vào điện thoại thông minh, xe điện, internet và bất động sản. Rất ít người biết đến cái tên Hà Hưởng Kiện, nhưng chắc hẳn đã từng nghe đến thương hiệu “Midea”.
Theo trang tin Baijiahao, Midea được biết đến như một “sát thủ giá cả” trong ngành thiết bị gia dụng, chỉ cần Midea sản xuất bất kỳ loại thiết bị gia dụng nào thì chắc chắn sẽ nổ ra một cuộc chiến về giá. Công nghệ của Midea có thể không phải là tốt nhất nhưng giá thành chắc chắn là phù hợp nhất.
Điều tuyệt vời nhất ở Hà Hưởng Kiện là sự phân cấp quyền lực táo bạo, giao Midea cho một nhóm các nhà quản lý chuyên nghiệp, trong khi gia đình ông lui vào hậu trường và tham gia đầu tư mạo hiểm. Việc này đã tạo ra hình mẫu cho hệ thống kế nhiệm của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Số 8: Đinh Lỗi “nho nhã dễ gần” (18,5 tỉ USD)
Đinh Lỗi là “nguyên lão” duy nhất còn sót lại trong thế hệ đầu tiên của những người hoạt động trong lĩnh vực internet tại Trung Quốc. Điểm đặc biệt nhất trong kinh doanh của Đinh Lỗi là chiến lược “tùy cơ ứng biến, hậu phát chế nhân”. Ý tưởng kinh doanh của Đinh Lỗi là bắt chước + cải tiến nhỏ, không có sản phẩm nào sáng tạo từ đầu.
Đinh Lỗi cũng sẵn sàng chi cho những sở thích cá nhân khi có tiền. Ví dụ, ông ấy yêu thích các bản ghi vinyl, vì vậy đã mở ra NetEase Cloud. Đinh Lỗi cũng thích thịt lợn, nên đã xây dựng một trang trại nuôi lợn. Theo trang tin Baijiahao, Đinh Lỗi là một người rất dễ thương và dễ gần, và trạng thái tâm lý của ông được hầu hết những người giàu có khác ngưỡng mộ.
Số 9: Hoàng Tranh “nghỉ hưu sớm” (18,4 tỉ USD)
Theo trang tin Baijiahao, Hoàng Tranh là một người rất kỳ lạ. Ông đã tuyên bố nghỉ hưu trước tuổi 40 và thôi quản lý trang thương mại điện tử Pinduoduo.
“Giàu mà không quý” là nỗi lòng của giới thương nhân Trung Quốc. Theo quan niệm của người Trung Quốc, chỉ có Khổng Tử – “Vạn thế sư biểu” (người thầy của muôn đời) – mới có địa vị cao nhất. Nếu muốn “giàu và quý”, cách tốt nhất là nghỉ hưu càng sớm càng tốt và trở thành người thầy đỡ đầu cho thế hệ trẻ.
Sau khi nghỉ hưu, Hoàng Tranh trở thành một giáo viên và một cố vấn kinh doanh cho những người khác, có thể ông ấy đang ấp ủ một dự án lớn mới.
Số 10: “Vua lợn” Tần Anh Lâm (18,2 tỉ USD)
Doanh nghiệp hoạt động trong ngành nông nghiệp rất khó lọt vào top 10 và doanh nghiệp cuối cùng lọt vào danh sách này là New Hope cách đây đã 20 năm. Tần Anh Lâm lọt vào top 10 nhờ dựa vào 20 triệu con lợn mà ông đang nuôi.
Lợn là biểu tượng cho sự giàu có của Trung Quốc từ thời cổ đại, Tần Anh Lâm đã thay đổi những hạn chế của phương thức chăn nuôi lợn truyền thống và đặt ra chuẩn mực mới cho hoạt động chăn nuôi lợn khoa học với quy mô lớn.
Để lại một phản hồi