Wall Street Journal hôm 8/3 dẫn lời quan chức cấp cao Mỹ cho hay tình báo nước này chưa thể đưa ra kết luận chắc chắn về thông tin nhóm thân Ukraine tiến hành các vụ nổ phá hủy đường ống Nord Stream. Tuy nhiên, thông tin trên củng cố đánh giá của các nhà điều tra Mỹ và châu Âu rằng chính phủ Nga cùng các nhóm thân Nga không liên quan tới vụ nổ.
Quan chức này cũng nói rằng các nhà điều tra không phát hiện dấu hiệu cho thấy chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đứng sau vụ tấn công. Tình báo Mỹ hiện tập trung vào khả năng các nhóm phi nhà nước là thủ phạm gây ra vụ nổ.
Theo tình báo Mỹ, Đức ban đầu tin Nga là bên gây ra vụ tấn công, bởi các vụ nổ vẫn để lại một đường ống nguyên vẹn trên tuyến Nord Stream 2. Nga trước đó đã hối thúc Đức phê duyệt dự án Nord Stream 2 để đường ống có thể đưa vào vận hành.
Tuy nhiên, các nhà điều tra lúc đó không loại trừ khả năng Ukraine liên quan tới các vụ nổ. Quan chức Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden lo ngại việc đưa ra nhận định nhóm thân Ukraine phá hoại đường ống có thể làm xáo trộn liên minh NATO, và đặc biệt là mối quan hệ của Đức với Ukraine.
Từ tháng 6 đến tháng 7/2022, vài tháng trước vụ tấn công nhằm vào Nord Stream, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã cảnh báo Cơ quan Tình báo Liên bang Đức (BND), cũng như các cơ quan tình báo châu Âu khác, rằng một nhóm có thể đang chuẩn bị tấn công đường ống, theo quan chức am hiểu vấn đề.
Trong cảnh báo này, CIA cung cấp thông tin ba công dân Ukraine đang tìm cách thuê tàu ở các quốc gia giáp biển Baltic, trong đó có Thụy Điển.
Đầu tháng 10/2022, một tháng sau khi các vụ nổ xảy ra, giám đốc CIA William Burns và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đã xem xét khả năng Ukraine đứng sau vụ tấn công, theo nguồn tin. Tổng công tố liên bang Đức Peter Frank, người đang giám sát cuộc điều tra, cùng tháng đó cho biết không có bằng chứng cho thấy Nga liên quan đến các vụ nổ.
Đến tháng 2, quan chức Đức gần như loại trừ khả năng Nga đứng sau vụ nổ, dù họ khẳng định cuộc điều tra vẫn xem xét mọi khả năng.
Các chuyên gia phương Tây nhận định cả Nga và Ukraine đều có thể tiến hành hoạt động như vậy ở nước ngoài. Một cựu giám đốc tình báo Ukraine, người từng tham gia tổ chức các hoạt động đặc biệt ở nước ngoài, cũng nói rằng Ukraine có khả năng tiến hành hoạt động như vậy.
Truyền thông Mỹ hôm 7/3 dẫn các nguồn tin giấu tên trong giới tình báo, ngoại giao phương Tây cho hay các điều tra viên vụ nổ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream đã phát hiện dấu hiệu cho thấy một nhóm ủng hộ Ukraine từng bàn về khả năng tấn công đường ống này trước khi xảy ra vụ nổ hồi tháng 9/2022. Nhóm thân Ukraine này sau đó có thể đã tiến hành vụ tấn công.
Giới chức Ukraine phủ nhận liên quan vụ nổ. Mykhailo Podolyak, cố vấn của ông Zelensky, cho biết Kiev không có lý do gì để thực hiện vụ tấn công như vậy bởi nó không thúc đẩy bất kỳ lợi ích cốt lõi nào của Ukraine. Ông Podolyak cũng cho rằng Nga được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc tấn công, bởi có thể sử dụng nó như hoạt động cờ giả để đổ lỗi cho Ukraine và làm sâu sắc thêm những rạn nứt trong liên minh phương Tây ủng hộ Kiev.
Ba trong 4 đường ống thuộc Nord Stream và Nord Stream 2, được xây dựng để chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu, đã bị hư hại trong các vụ nổ tháng 9/2022. Vào thời điểm đó, các đường ống đều chứa đầy khí đốt nhưng không hoạt động.
Thụy Điển, Đan Mạch và Đức, ba quốc gia gần hiện trường vụ nổ nhất, đã bắt đầu điều tra sau sự việc. Các nhà điều tra nhanh chóng xác định đây là kết quả của một vụ phá hoại, song vẫn chưa đưa ra kết luận ai có thể chịu trách nhiệm.
Các điều tra viên Đức đầu tuần này xác nhận họ hồi tháng 1 đã khám xét một con tàu bị nghi vận chuyển thiết bị nổ được dùng trong vụ phá hoại đường ống Nord Stream. Công tố viên Đức đang tiếp tục cố gắng xác định danh tính và động cơ của nhóm thủ phạm gây ra vụ nổ. Họ chưa thể đưa ra kết luận chắc chắn, đặc biệt về việc liệu vụ nổ có phải do chính phủ nào đó ra lệnh thực hiện hay không.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cảnh báo không nên đưa ra kết luận vào thời điểm này. “Chúng ta phải phân biệt rõ ràng liệu đó có phải nhóm Ukraine hoặc một nhóm thân Ukraine mà chính phủ không hề hay biết”, ông nói. “Tôi muốn chỉ ra rằng cũng có ý kiến cho rằng đó có thể là hoạt động nhằm đổ lỗi cho một bên khác”.
Một quan chức cấp cao Đức cho biết có thể không bao giờ tìm ra thủ phạm gây ra vụ nổ. “Sẽ không bao giờ có sự chắc chắn. Không ai để lại dấu vân tay ở dưới đó”, ông cho hay.
CIA hiện chưa bình luận về thông tin của Wall Street Journal. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết hôm 7/3 rằng Mỹ sẽ không bình luận về các cuộc điều tra đang diễn ra ở châu Âu.
Huyền Lê (Theo Wall Street Journal)
Để lại một phản hồi