“Tôi lo ngại mức tăng trưởng khoảng 5% không phải nhiệm vụ dễ dàng. Chính phủ cần quyết tâm nỗ lực hơn nữa”, ông Lý Cường phát biểu trong buổi họp báo ngày 13/3 tại Bắc Kinh. Đây là phát biểu chính sách đầu tiên của ông Lý sau khi được bầu làm Thủ tướng Trung Quốc trong kỳ họp quốc hội năm nay, nơi các đại biểu họp bàn chính sách, kiện toàn nhân sự then chốt loạt cơ quan trung ương.
Quốc hội Trung Quốc đã bầu ông Tập Cận Bình giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ thứ ba, trong khi ông Lý Cường được bổ nhiệm thay thế ông Lý Khắc Cường để điều hành chính phủ.
Phát biểu của ông Lý cho thấy nhiệm vụ xốc lại những động lực tăng trưởng cho nền kinh tế quốc gia vẫn đang được xem là thách thức cấp bách nhất mà đội ngũ lãnh đạo mới được bầu của Trung Quốc cần tìm ra giải pháp. Dù mục tiêu tăng trưởng GDP 2023 ở mức khiêm tốn nhất trong vài thập kỷ qua, tân Thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh con số được quyết định sau khi trung ương “cân nhắc toàn diện hàng loạt yếu tố”, trong đó có nhiều thách thức mới xuất hiện.
Bruce Pang, trưởng nhóm nghiên cứu và tư vấn kinh tế chi nhánh tại Hong Kong của tập đoàn đầu tư quốc tế JJL, kỳ vọng đội ngũ lãnh đạo kinh tế mới của Trung Quốc do Thủ tướng Lý Cường dẫn dắt có thể đảm bảo “môi trường thân thiện hơn với tăng trưởng”, đặc biệt trên phương diện duy trì tính ổn định trong chính sách tiền tệ và tài khóa. Tuy nhiên, nhiệm vụ này không dễ dàng trong bối cảnh kinh tế hiện nay của Trung Quốc.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới năm ngoái đạt mức tăng trưởng 3%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu 5,5%. Trong báo cáo công tác chính phủ cuối cùng của nhiệm kỳ thủ tướng, ông Lý Khắc Cường đã cảnh báo rằng nền kinh tế Trung Quốc đang đối diện nhiều rủi, đặc biệt là thị trường bất động sản cùng các tổ chức tài chính vừa và nhỏ.
“Nền tảng cho tăng trưởng bền vững cần được củng cố, nhu cầu thị trường thấp là vấn đề ai cũng thấy và kỳ vọng trong khu vực doanh nghiệp cùng nhà đầu tư tư nhân đang không ổn định”, ông Lý nói.
Willy Lam, chuyên gia cấp cao của Quỹ Jamestown, một tổ chức tư vấn chính sách tại Mỹ, cho rằng trước những thách thức đó, đội ngũ lãnh đạo Trung Quốc cần ưu tiên cho chiến lược hồi phục kinh tế trong năm nay, sau ba năm thực hiện các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, giữa giai đoạn xuất khẩu hạ nhiệt, niềm tin của doanh nghiệp thêm mong manh và tiêu dùng trong nước giảm.
“Đây là lý do Trung Quốc đặt mục tiêu GDP năm 2023 khá khiêm tốn và không dành quá nhiều nguồn lực cho tăng tốc tăng trưởng. Họ tập trung nhiều hơn vào giải quyết các thách thức tăng trưởng dài hạn”, Iris Pang, trưởng nhóm phân tích kinh tế tại chi nhánh Trung Quốc ngân hàng ING của Hà Lan, đánh giá.
Zhao Xijun, giáo sư tài chính của Đại học Nhân dân tại Bắc Kinh, đánh giá kỳ họp quốc hội lần này cho thấy Trung Quốc đang muốn biến nguy thành cơ và chuyển dịch sang tăng trưởng chất lượng cao, tập trung vào yếu tố bền vững thay cho các phương án tăng trưởng nóng.
Ông cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 5% vẫn hợp lý vì Trung Quốc dành nhiều quan tâm hơn cho cải thiện năng lực cạnh tranh và sáng tạo trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, nhiệm vụ hồi phục đà tăng trưởng của đội ngũ lãnh đạo Trung Quốc càng thêm khó khăn khi nước này đang đối diện hàng loạt thách thức nội tại, từ cân bằng giữa phát triển với bảo vệ môi trường, đến thu hẹp khoảng cách giàu nghèo sao cho vừa phù hợp với định hướng “thịnh vượng chung” vừa không đánh mất động lực cạnh tranh.
Giới chuyên gia nhiều năm qua cảnh báo Trung Quốc sẽ dần cảm nhận rõ nguồn tài nguyên của đất nước không phải vô hạn, khi nhu cầu tăng dần theo dân số và quy mô nền kinh tế, trong khi những thập kỷ tăng trưởng đã dẫn đến nhiều hệ lụy khó đảo ngược về môi trường.
Trung Quốc cũng đang chạy đua để hóa giải nguy cơ về khủng hoảng dân số già, tạo ra thêm việc làm cho người lao động và giảm áp lực xã hội trên vai người trẻ để đảm bảo tỷ lệ tăng dân số tích cực.
“Cải cách kinh tế Trung Quốc đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo. Giờ đây, nhu cầu của người dân sẽ tăng hơn nữa và đáp ứng điều đó là nhiệm vụ không hề dễ”, Damian Ma, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Viện Paulson của Mỹ, đánh giá.
Ngoài các vấn đề trong nước, đội ngũ lãnh đạo mới của Trung Quốc còn đứng trước nhiều câu hỏi lớn về chính sách đối ngoại quốc gia.
Sáng kiến Vành đai và Con đường, đại chiến lược đầu tư hạ tầng toàn cầu của Trung Quốc, sau 10 năm triển khai đang trong quá trình được đánh giá lại về tính bền vững cho các nước đối tác hay hiệu quả mà nó mang lại cho chính Trung Quốc.
Sri Lanka, nơi Trung Quốc đầu tư nhiều dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường, đã lâm vào khủng hoảng kinh tế và vỡ nợ. Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe hôm 7/3 thông báo Trung Quốc đã chấp thuận tái cấu trúc nợ cho nước này, tạo điều kiện để quốc đảo nhận gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Trung Quốc thường không mặn mà trong nỗ lực hỗ trợ tái cơ cấu nợ, dù là chủ nợ quan trọng của nhiều nước đang phát triển.
Trên phương diện an ninh, giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ cần chú ý hơn tới vấn đề Triều Tiên khi tình hình bán đảo thêm căng thẳng do các đợt tập trận và thử tên lửa đạn đạo ở hai phía.
Những điểm nóng bất đồng về tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, từ khu vực biên giới với Ấn Độ trên dãy Himalaya đến vùng biển Hoa Đông và Biển Đông, vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng nhiệt trở lại.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất mà Trung Quốc đang phải đối mặt trên trường quốc tế là cạnh tranh siêu cường với Mỹ đang ngày càng căng thẳng và phức tạp. Căng thẳng Mỹ – Trung không chỉ diễn ra trong những vấn đề song phương, mà từ lâu đã mở rộng sang các diễn đàn đa phương và lập trường khác biệt giữa hai nước ở các điểm nóng quốc tế, châm ngòi những tranh cãi gay gắt về trật tự thế giới, chống biến đổi khí hậu và chiến sự Nga – Ukraine.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bài phát biểu ngày 7/3 đã chỉ trích gay gắt phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã “thực thi các biện pháp chèn ép toàn diện” nhắm vào Trung Quốc nhằm bao vây và kiềm tỏa, đặt ra những thách thức nghiêm trọng, chưa từng có tiền lệ với quá trình phát triển đất nước.
Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương, trong cuộc họp báo một ngày sau đó, bày tỏ mối lo khu vực trở thành “bàn cờ cạnh tranh địa chính trị”, cho rằng xung đột và đối đầu giữa hai cường quốc chắc chắn sẽ xảy ra nếu như Mỹ không thay đổi chính sách.
“Chiến lược của Mỹ là lôi kéo các nước hình thành những nhóm khép kín, khiêu khích đối đầu bằng cách xây dựng một phiên bản khác của NATO tại châu Á – Thái Bình Dương và gây chia rẽ, cắt đứt các chuỗi cung ứng sẵn có để khiến liên kết khu vực yếu đi”, ông Tần chỉ trích Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Mở (FOIP) mà Washington đang xúc tiến ở khu vực.
Jude Blanchette, giám đốc chương trình nghiên cứu Trung Quốc của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) tại Mỹ, trong một cuộc phỏng vấn với kênh National Public Radio cũng cho rằng Washington đang có xu hướng ngày càng cứng rắn trong chính sách với Bắc Kinh.
Quốc hội Mỹ đầu năm nay thành lập Ủy ban đặc biệt Cạnh tranh Chiến lược Mỹ – Trung, dấu hiệu cho thấy đối đầu giữa hai quốc gia đang nhận được sự ủng hộ lưỡng đảng và sẽ tăng nhiệt. Mike Gallagher, chủ nhiệm Ủy ban, hôm 28/2 tuyên bố thách thức chiến lược từ Trung Quốc là “cuộc đối đầu sống còn của Mỹ trong thế kỷ 21”.
Điều này sẽ đặt ra trở ngại rất lớn cho các lãnh đạo Trung Quốc nhiệm kỳ mới, khi phải cân bằng giữa mục tiêu phát triển kinh tế trong nước với ứng phó sức ép cạnh tranh từ Mỹ và các nước phương Tây.
Trung Quốc gần đây tăng cường quan hệ với Nga khi Moskva hứng chịu loạt lệnh trừng phạt chưa từng có từ phương Tây. Quan hệ này giúp Trung Quốc có thêm nguồn dầu mỏ nhập khẩu giá rẻ, nhưng cũng đẩy họ vào tình thế đối đầu quyết liệt hơn với Mỹ và đồng minh.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 13/3 công bố Đánh giá Tích hợp (IR), tài liệu chính sách an ninh và đối ngoại của London, trong đó thể hiện lập trường cứng rắn với Nga và Trung Quốc hơn nhiều so với bản đánh giá được Anh công bố năm 2021.
“Trung Quốc đang tạo ra thách thức mang tính thời đại đối với trật tự quốc tế, cả về an ninh và các giá trị, nên cách tiếp cận của chúng ta cần thay đổi”, ông Sunak viết trong IR. Ông cũng đánh giá “mối đe dọa của Nga với an ninh châu Âu” là ưu tiên đối phó cấp bách nhất trong ngắn và trung hạn.
Rajan Menon, giám đốc nghiên cứu quốc phòng ở Trung tâm Stimson của Mỹ, nhận định những diễn biến này cho thấy trường phái cứng rắn đang kiểm soát chính sách của Mỹ và đồng minh trong quan hệ với Trung Quốc, khiến giới lãnh đạo Bắc Kinh có rất ít không gian để cải thiện tình hình.
Bắc Kinh trong những tháng qua tìm cách hâm nóng quan hệ với Canberra sau ba năm căng thẳng. Tuy nhiên, nỗ lực đó đối mặt nguy cơ đứt đoạn, khi Australia thông báo hợp đồng mua 5 tàu ngầm hạt nhân của Mỹ theo thỏa thuận AUKUS.
Chuyên gia Blanchette cho rằng các lãnh đạo mới của Trung Quốc rất khó tìm đường lùi trong mối quan hệ căng thẳng hiện nay với Mỹ, khi đối phương thể hiện quan điểm ngày càng quyết liệt.
“Hai cường quốc lẽ ra cần chấp nhận chung sống với nhau, bởi cạnh tranh một mất một còn có thể dẫn tới hậu quả ngoài sức tưởng tượng”, Blanchette nói. “Các bên đang hành động ngày một quyết liệt, song câu hỏi đặt ra là mọi thứ sau đó sẽ ra sao”.
Thanh Danh (Theo SCMP, Reuters, Straits Times, Al Jazeera)
Để lại một phản hồi