Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay lên đường tới Nga trong chuyến thăm được kỳ vọng sẽ củng cố mối quan hệ giữa hai quốc gia giữa sức ép ngày càng tăng từ phương Tây.
Chuyến công du cũng được cho là cơ hội để ông Tập và Tổng thống Nga Vladimir Putin thảo luận về những bước khả thi hướng tới giải pháp cho xung đột ở Ukraine, trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm cách khẳng định tiếng nói của mình trong các vấn đề quốc tế.
Trong 3 ngày ở thăm Moskva, Chủ tịch Tập cũng dự kiến có cuộc điện đàm đầu tiên cùng Tổng thống Volodymyr Zelensky kể từ khi chiến sự giữa Ukraine với Nga nổ ra hơn một năm trước.
Giới phân tích cho rằng khả năng Chủ tịch Tập đạt được đột phá lớn về vấn đề Ukraine qua các cuộc trao đổi với ông Putin và ông Zelensky là rất mong manh, bởi lập trường đàm phán của Nga và Ukraine vẫn còn quá xa nhau.
Trước khi xung đột Ukraine bùng phát cách đây hơn một năm, Nga và Trung Quốc đã tuyên bố về tình hữu nghị “không giới hạn”. Bắc Kinh sau đó từ chối lên án Moskva về chiến dịch, đồng thời không ngừng ca ngợi sức mạnh của mối quan hệ Nga – Trung.
Trước chuyến thăm Moskva, ông Tập đã viết trên báo nhà nước Nga Rossiiskaya Gazeta rằng hai nước đã “củng cố lòng tin chính trị lẫn nhau và thúc đẩy một mô hình quan hệ nước lớn mới”. “Quan hệ song phương đã trưởng thành và bền vững hơn”, ông tuyên bố.
Về cuộc khủng hoảng Ukraine, Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi tất cả bên “hướng đến tầm nhìn về an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững, đồng thời theo đuổi đối thoại và tham vấn bình đẳng, hợp lý, hướng đến kết quả cuối cùng”.
Thái độ ủng hộ kiên định của Trung Quốc đối với Nga trong suốt cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm sứt mẻ hình ảnh nước này ở Tây Âu, nơi Bắc Kinh cũng muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ. Trong bối cảnh đó, mục đích “kiến tạo hòa bình” của chuyến thăm Moskva có thể giúp ông Tập cải thiện vị thế của Bắc Kinh trên trường quốc tế.
Hồi đầu tháng, Trung Quốc đã làm trung gian giúp hai kình địch Arab Saudi và Iran nối lại quan hệ ngoại giao. Bắc Kinh hồi tháng hai cũng công bố tài liệu 12 điểm về xung đột Nga – Ukraine, trong đó kêu gọi các bên hỗ trợ Moskva và Kiev ngồi vào bàn đàm phán giải quyết khủng hoảng.
Hôm 17/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ “đóng vai trò xây dựng trong nỗ lực thúc đẩy hòa bình và đàm phán”.
“Tâm trạng chung đã được thiết lập. Bối cảnh đã được thiết lập. Ý tưởng rằng Trung Quốc là một nhà kiến tạo hòa bình có thể tới những nơi mà các nước khác không thể đã hình thành. Nhưng giải pháp thực tế vẫn còn rất mơ hồ”, Rana Mitter, giáo sư lịch sử và chính trị Trung Quốc tại Đại học Oxford, lưu ý.
Theo Yun Sun, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Stimson ở Washington, Trung Quốc không thực sự hướng tới mục tiêu trở thành “người giải quyết vấn đề” trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Bà cho rằng với việc ông Tập đến thăm Moskva, Trung Quốc “biết rõ sẽ có những câu hỏi quan trọng đặt ra với họ, về những gì họ dự định làm trong cuộc xung đột”.
Việc xây dựng hình ảnh Trung Quốc như một nhà kết nối hòa bình chủ yếu nhằm mục đích đưa tiếng nói của Bắc Kinh đi xa hơn và có sức nặng hơn trên trường quốc tế, Sun nhận định.
Vai trò trung gian hòa giải của Trung Quốc trong quá khứ cho thấy những rào cản với những gì Bắc Kinh có thể đạt được liên quan vấn đề Ukraine.
“Ngay cả trong thỏa thuận Iran – Arab Saudi, Trung Quốc cũng không phải bên môi giới hòa bình. Tôi nghĩ Trung Quốc chỉ đứng ra làm trung gian khi cơ hội đạt thỏa thuận giữa hai bên đã chín muồi”, Sun nói.
Theo bà, trước khi Trung Quốc đứng ra đóng vai trò kết nối, Iran và Arab Saudi đã thể hiện rằng họ thực sự muốn cải thiện quan hệ. Nhưng điều này chưa xảy ra giữa Nga và Ukraine ở hiện tại hay trong tương lai gần, khi hai nước vẫn quyết tâm giải quyết vấn đề bằng biện pháp quân sự.
Paul Haenle, chuyên gia về Trung Quốc tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, trụ sở ở Washington, cho hay trong tiến trình đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên mà ông từng tham gia, Bắc Kinh đã đóng vai trò đưa các nhà đàm phán đến bàn thảo luận. Nhưng ông lưu ý các quan chức Trung Quốc hiếm khi thúc ép bất kỳ bên nào hành động để đi đến thỏa thuận cuối cùng.
“Liệu Trung Quốc có thể đóng vai trò tích cực trong việc chấm dứt xung đột Ukraine hay không, tôi nghĩ đây là điều chúng ta chưa thể nhìn thấy”, ông cho biết. Thay vào đó, trọng tâm chuyến đi Moskva của ông Tập sẽ là tăng cường quan hệ giữa Moskva với Bắc Kinh.
Đối với ông Tập, chuyến thăm là cơ hội củng cố quan hệ với quốc gia láng giềng tối quan trọng, một đối tác không thể thiếu. Đồng thời, chuyến đi cũng góp phần không nhỏ giúp khẳng định vị thế của Trung Quốc với tư cách một cường quốc toàn cầu.
Giáo sư Mitter nhận định dù có thể không đạt nhiều kết quả thực tế, chuyến thăm Moskva của ông Tập có thể giúp Trung Quốc tạo dấu ấn là một bên có ảnh hưởng ngoại giao rất lớn, đồng thời thúc đẩy tâm lý hoài nghi ở châu Âu về vai trò của Mỹ đối với các vấn đề an ninh và hợp tác kinh tế.
“Nếu Trung Quốc thực sự có thể nói chuyện cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin và cố gắng làm trung gian giúp hóa giải một số khó khăn với Nga mà những nước Tây Âu không thể làm được, điều này sẽ khiến các lãnh đạo ở khu vực chú ý”, ông cho hay.
Suisheng Zhao, giáo sư tại Đại học Denver, Mỹ, cho rằng chỉ cần thực hiện chuyến thăm tới Moskva là ông Tập đã đạt được mục tiêu khẳng định hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế, trong bối cảnh cạnh tranh siêu cường với Mỹ tăng nhiệt.
“Trung Quốc chắc chắn sẽ thu được nhiều lợi ích từ chuyến thăm”, Zhao nói. “Mục tiêu chính sách đối ngoại cơ bản nhất của ông Tập hiện tại là bảo vệ lợi ích, hình ảnh quốc gia trong thế đối đầu với Mỹ”.
Vũ Hoàng (Theo NPR)
Để lại một phản hồi