Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Anh Annabel Goldie ngày 21/3 cho biết nước này dự định chuyển cho Ukraine đạn thanh xuyên giáp chứa uranium nghèo (DU) sử dụng trên xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2, khẳng định loại đạn này có hiệu quả cao trong tiêu diệt tăng thiết giáp hiện đại.
Tuyên bố của bà Goldie lập tức vấp phải phản ứng quyết liệt từ Nga. Tổng thống Vladimir Putin cáo buộc phương Tây bắt đầu “sử dụng vũ khí chứa thành phần hạt nhân” tại Ukraine và tuyên bố sẽ đáp trả tương xứng.
Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu cảnh báo quyết định của Anh đẩy Nga và phương Tây đến gần nguy cơ va chạm hạt nhân, khẳng định Moskva “cũng có thứ đáp lại”.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, đồng minh thân cận của Nga, thậm chí cảnh báo Moskva sẽ có “phản ứng đáng sợ” nếu Ukraine sử dụng loại đạn này. Ông còn nói rằng Nga “sẽ cung cấp cho chúng tôi đạn uranium thực sự”, dường như đề cập tới vũ khí hạt nhân.
Giới quan sát nhận định phản ứng dữ dội của Nga dường như xuất phát từ nỗi lo về khả năng xuyên phá cũng như mức độ độc hại của đạn uranium nghèo khi được sử dụng trên chiến trường. Loại vũ khí được cho là từng gây ra nhiều cái chết và thương tật cho lính Mỹ, cũng như các quốc gia từng giao tranh với lực lượng của Washington và đồng minh trong hàng chục năm qua.
Uranium nghèo (DU) là sản phẩm phụ của quá trình làm giàu uranium cho nhiên liệu và vũ khí hạt nhân, có tỷ lệ đồng vị phóng xạ U235 dưới 0,3%, thấp hơn so với mức 0,72% trong quặng tự nhiên.
Thành phần chính của DU là đồng vị U238 không có khả năng phân hạch và tính phóng xạ thấp hơn. Nhờ độ đặc cao hơn gần 70% so với chì, DU được sử dụng trong lĩnh vực quân sự để tăng khả năng xuyên phá của đầu đạn, chống lại các loại giáp trên xe tăng.
Đạn xuyên giáp chứa DU có đường kính nhỏ hơn so với đạn chì có kích thước tương đương, tạo ít lực cản không khí hơn, trong khi khả năng xuyên phá sâu hơn nhờ áp suất lớn hơn tại điểm va chạm.
Khi va chạm với vật liệu cứng như giáp xe tăng, phần mũi thanh xuyên DU bị bóc tách từng lớp và duy trì được độ sắc nhọn, thay vì vỡ vụn hoặc chuyển thành hình đầu tù như thanh xuyên bằng thép và volfram. Lợi thế này giúp đạn DU xuyên phá sâu hơn 25% so với đạn volfram có cùng sơ tốc đầu nòng.
Đầu đạn DU còn rất dễ cháy. Lượng nhiệt lớn được giải phóng khi xuyên phá giáp làm các mảnh DU bắt lửa, gây cháy đạn dược và nhiên liệu trong xe, cũng như sát thương tổ lái đối phương.
Ngoài ra, độ đặc rất lớn của DU còn được ứng dụng trong công nghệ chế tạo giáp cho xe tăng, bởi nó có thể ngăn đạn chống tăng tốt hơn các loại giáp thông thường. Mỹ sử dụng vật liệu này để chế tạo vỏ giáp mặt trước xe tăng M1 Abrams.
Phần lớn đạn DU của Mỹ và đồng minh là đạn xuyên giáp cỡ 20-30 mm, phần còn lại là đạn thanh xuyên tách vỏ dưới cỡ (APFSDS) cỡ 105-120 mm dùng cho pháo trên xe tăng chủ lực M1 Abrams và Challenger 2. Liên Xô và Nga cũng phát triển một số dòng đạn APFSDS dùng vật liệu uranium nghèo cho pháo xe tăng cỡ nòng 125 mm, như mẫu 3BM22 Vant và 3BM60 Svinets-2.
Đến nay chỉ Mỹ và Anh thừa nhận từng sử dụng đạn DU trong thực chiến. Hơn 782.000 viên đạn DU các loại từng được khai hỏa trong Chiến trạnh Vùng Vịnh năm 1991, chủ yếu là do lực lượng Mỹ. Giới chuyên gia ước tính liên quân Mỹ đã sử dụng khoảng 1.000-2.000 tấn đạn DU trong vòng 3 tuần đầu chiến sự ở Iraq năm 2003.
Bộ Cựu binh Mỹ cho biết DU phát ra hạt alpha năng lượng cao nhưng khả năng xuyên kém, không thể xâm nhập qua quần áo và da người, các tác động sức khỏe chủ yếu xảy ra nếu vật liệu lọt vào cơ thể qua mảnh văng, vết thương hở, cũng như đường thở và tiêu hóa.
Nghiên cứu trên tạp chí Harvard International Review thuộc Đại học Harvard ở Mỹ cho rằng uranium nghèo gây tác hại với cả binh sĩ tham chiến và cư dân địa phương.
Theo nghiên cứu trên tạp chí y khoa Lancet, khi đạn DU đánh trúng mục tiêu, các mảnh vật liệu uranium nghèo có thể vỡ thành bụi và phát tán ra môi trường xung quanh. Binh sĩ và người dân gần đó có thể hít phải bụi, trong khi nhiều mảnh vật liệu sẽ rơi xuống đất, xâm nhập mạch nước ngầm và đất canh tác.
Các mảnh đạn và vỏ giáp chứa uranium nghèo cũng là mối đe dọa lâu dài, đặc biệt là với trẻ em chơi tại những chiến trường cũ. “Những đứa trẻ có thể nhặt mảnh đạn và chơi trên xác xe tăng thiết giáp, trong khi một số gia đình cất trữ những quả đạn rơi vãi trong nhà suốt nhiều năm sau chiến tranh”, Souad Al-Azzawi, phó giáo sư ngành kỹ thuật môi trường ở Đại học Canada tại Dubai, đánh giá.
Sau khi tự cháy, uranium nghèo có thể phản ứng với chất ăn mòn trong nước và không khí, tạo thành các hợp chất độc hại có thể xâm nhập cơ thể qua thức ăn và nước uống, dần tích tụ ở các cơ quan như gan, lá lách và thận.
Nghiên cứu dịch tễ học và xét nghiệm độc tính trên động vật thí nghiệm cho thấy muối uranium hòa tan có thể gây độc miễn dịch và thần kinh, tạo ra khuyết tật ở bào thai, cùng khả năng gây ung thư. Các nhà dịch tễ học Mỹ hồi năm 2005 công bố báo cáo về tác hại của DU, trong đó kết luận có bằng chứng về tỷ lệ dị tật bẩm sinh gia tăng với con cái của những người từng tiếp xúc với DU.
Giới nghiên cứu thừa nhận chưa có đủ dữ liệu để khẳng định chắc chắn rằng đạn DU trong chiến tranh là tác nhân chính gây ra các vấn đề sức khỏe với binh sĩ và cộng đồng cư dân địa phương. “Dù vậy, vẫn có khả năng cao DU gây ra nhiều tác hại tiêu cực cho sức khỏe con người”, các chuyên gia cảnh báo trong bài viết trên Harvard International Review.
Vũ Anh (Theo Lancet)
Để lại một phản hồi