Ngân hàng Thế giới nâng dự báo tăng trưởng của Đông Á – Thái Bình Dương

Đối với nền kinh tế Trung Quốc, ngân hàng Thế giới đã nâng dự báo tăng trưởng cả năm 2023 từ 4,5% lên 5,1%. Ảnh: AFP
Đối với nền kinh tế Trung Quốc, Ngân hàng Thế giới đã nâng dự báo tăng trưởng cả năm 2023 từ 4,5% lên 5,1%. Ảnh: AFP

Rủi ro vẫn tiềm ẩn

Ngân hàng Thế giới (WB) lưu ý rằng khu vực Đông Á – Thái Bình Dương không bị ảnh hưởng bởi căng thẳng ngân hàng toàn cầu. Trong báo cáo tháng 4, tổ chức này dự báo Đông Á – Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng 5,1% vào năm 2023, cao hơn mức tăng 4,6% được dự báo vào tháng 10 năm ngoái.

Năm 2022, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đạt mức tăng trưởng 3,5%.

Đối với nền kinh tế Trung Quốc, Ngân hàng Thế giới đã nâng dự báo tăng trưởng cả năm 2023 từ 4,5% lên 5,1%.

Theo Ngân hàng Thế giới, “dự báo trên giả định rằng chính sách y tế công, pháp luật và kinh tế vĩ mô ở Trung Quốc có sự liên kết hỗ trợ tăng trưởng”. Đồng thời, Ngân hàng Thế giới cho rằng sự phục hồi trong lĩnh vực tiêu dùng của Trung Quốc dự kiến sẽ “gia tăng áp lực vừa phải” lên lạm phát mà cơ quan này dự đoán sẽ tăng lên mức 2,6% trong năm 2023, từ mức 2% vào năm 2022.

Đề cập đến những lo ngại về tác động lây lan từ tình trạng hỗn loạn ngân hàng ở Mỹ và châu Âu, Ngân hàng Thế giới cho rằng ngành ngân hàng Đông Á – Thái Bình Dương “cho đến nay vẫn chưa bị ảnh hưởng, nhưng có những rủi ro tiềm ẩn từ những tổn thất trực tiếp hoặc gián tiếp”.

Ngân hàng Thế giới cho biết: “Các chỉ số công khai cho thấy mức vốn tổng thể đầy đủ và tỷ lệ nợ xấu thấp đối với hầu hết các quốc gia trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương”. “Sức khỏe của ngành tài chính ở Đông Á – Thái Bình Dương cho đến nay vẫn tốt”.

Tuy nhiên, “thách thức trước mắt nhất” đối với khu vực Đông Á – Thái Bình Dương là sự chia rẽ ngày càng lớn trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

“Chính trị, hơn là các nguyên tắc cơ bản về kinh tế và các quy định có thể dự đoán được, đang định hình các mô hình thương mại và kết quả là sự không bất ổn có thể ngăn cản đầu tư vào các quốc gia khác”, báo cáo của Ngân hàng Thế giới viết.

Ông Aaditya Mattoo, chuyên gia kinh tế trưởng về khu vực Đông Á – Thái Bình Dương tại Ngân hàng Thế giới, nhận định rằng tác động của sự chia cắt có thể vượt ra ngoài hai nước Mỹ – Trung.

Phát biểu trên đài CNBC, ông Mattoo cho rằng: “Không còn nghi ngờ gì nữa, sự chia rẽ giữa hai ông lớn này sẽ có ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới, bên cạnh tác động của nó đến chính các quốc gia”. “Chúng ta có nguy cơ bị gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu với những hạn chế này”, ông Mattoo nói thêm.

“Giới hạn tốc độ” của nền kinh tế toàn cầu

Trước đó, trong một báo cáo riêng biệt công bố đầu tuần này, Ngân hàng Thế giới đã nêu ra “giới hạn tốc độ” của nền kinh tế toàn cầu – được định nghĩa là tốc độ dài hạn tối đa mà nó có thể tăng trưởng mà không gây ra lạm phát – sẽ đạt mức thấp nhất trong ba thập kỷ vào năm 2030.

Ngân hàng Thế giới dự báo tổng sản phẩm quốc nội tiềm năng toàn cầu trung bình từ năm 2022 đến năm 2030 sẽ giảm xuống 2,2%/năm – mức giảm mà tổ chức này cho là bằng “khoảng 1/3 tốc độ tăng trưởng phổ biến trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này”.

Cũng theo Ngân hàng Thế giới, tiềm năng GDP toàn cầu có thể tăng 0,7 điểm phần trăm nếu các chính phủ áp dụng các chính sách “bền vững, định hướng tăng trưởng”.

Ông Indermit Gill, Phó chủ tịch cấp cao Ngân hàng Thế giới cho biết: “Sự suy giảm liên tục về tốc độ tăng trưởng tiềm năng có tác động nghiêm trọng đến khả năng của thế giới trong việc giải quyết hàng loạt thách thức ngày càng lớn của thời đại chúng ta như nghèo đói dai dẳng, thu nhập chênh lệch và biến đổi khí hậu”.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*