Trong quý I/2023, các startup Mỹ đã huy động được 37 tỷ USD từ các nhà đầu tư mạo hiểm, mức thấp nhất trong 13 quý liên tiếp. Ảnh: AFP |
Nguồn vốn đầu tư mạo hiểm vào các startup ở Mỹ trong quý I/2023 đã giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm trước. Đây là dấu hiệu khá rõ rệt về hậu quả mà sự chững lại của ngành công nghệ Mỹ gây ra cho các công ty non trẻ.
Bloomberg trích dẫn số liệu từ Công ty phân tích thị trường PitchBook và Hiệp hội Đầu tư Mạo hiểm Quốc gia (NVCA) cho biết trong quý I/2023, các startup Mỹ đã huy động được 37 tỷ USD từ các nhà đầu tư mạo hiểm, mức thấp nhất trong 13 quý liên tiếp.
Các nhà đầu tư đã giảm cả quy mô và số thương vụ đầu tư mạo hiểm. Cụ thể, trong quý I/2023 Mỹ có số lượng thương vụ đầu tư mạo hiểm thấp nhất trong hơn 5 năm qua, với dưới 3.000 giao dịch.
Ông Kyle Stanford, nhà phân tích đầu tư mạo hiểm tại PitchBook, nhận định: “Toàn bộ thị trường đang thận trọng hơn nhiều với đầu tư”. “Các công ty sẽ không dễ dàng huy động vốn ngay cả khi họ đang tăng trưởng với tốc độ mà họ kỳ vọng ở vòng gọi vốn cuối cùng”, ông Standford nói thêm.
Vốn đầu tư mạo hiểm chảy vào các startup Mỹ chịu tác động nặng nề từ sau sự sụp đổ bất ngờ của ngân hàng Silicon Valley Bank vào tháng trước, bởi ngân hàng này đã bơm vốn hoặc cung cấp dịch vụ cho gần một nửa số startup được hậu thuẫn bởi nhiều công ty liên doanh.
Sự sụp đổ chóng vánh của Silicon Valley Bank làm dấy lên một làn sóng lo ngại mới trong cộng đồng các nhà đầu tư mạo hiểm và có thể sẽ kìm hãm tốc độ đầu tư của ngành này trong nhiều năm tới.
Ngành đầu tư mạo hiểm đã và đang vật lộn với lãi suất tăng cao và suy thoái kinh tế kéo dài khi giá trị cổ phiếu giảm mạnh và hàng nghìn người bị sa thải.
Dòng vốn đầu tư cho các công ty công nghệ gần đây chậm lại, nên các nhà đầu tư gặp khó trong việc kiếm lời từ việc hỗ trợ các startup.
Dữ liệu của PitchBook cho thấy các động thái rút khỏi thị trường, kể cả các thương vụ phát hành lần đầu ra công chúng rồi bán lại cho các công ty khác, đã giảm xuống còn 71,4 tỷ USD trong năm 2022. Đây là lần đầu tiên giá trị giao dịch này giảm xuống dưới 100 tỷ USD trong 6 năm qua.
Theo ông Stanford, các công ty đầu tư mạo hiểm có thể không trợ giúp được tất cả các startup kỳ lân cần tiền để duy trì hoạt động, đặc biệt là khi sự quan tâm của nhà đầu tư vào lĩnh vực này đã nguội lạnh, kể cả các nhà đầu tư khởi nghiệp phi truyền thống như các công ty cổ phần tư nhân và quỹ phòng hộ.
Trong năm tới, một số startup Mỹ có thể gặp khó khăn hoặc thậm chí đóng cửa nếu suy thoái kinh tế kéo dài. Bà Andrea Lamari, quản lý cấp cao của Quỹ đầu tư mạo hiểm Manhattan Venture Partners, cho rằng ngành đầu tư mạo hiểm đang theo dõi chặt chẽ biến động của nền kinh tế Mỹ và tác động của nó đến lĩnh vực công nghệ. “Trong gần một thập kỷ qua, chưa bao giờ có mức độ bất ổn lớn như vậy xung quanh tác động của môi trường vĩ mô đến các startup”, bà Lamari nhận xét.
Để lại một phản hồi