Tiêm kích Su-30 Nga chặn UAV Mỹ trên Biển Đen

Bộ Quốc phòng Nga cho biết cơ quan kiểm soát không phận đã phát hiện vật thể bay tiếp cận không phận từ Biển Đen ngày 5/8. Tiêm kích Su-30 được triển khai để nhận diện đối tượng.

“Phi hành đoàn trên tiêm kích Su-30 xác định mục tiêu trên không là máy bay không người lái (UAV) do thám MQ-9A của không quân Mỹ”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Khi máy bay Nga tiếp cận, MQ-9A Reaper đã quay đầu chuyển hướng bay. Tiêm kích Su-30 sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã trở về căn cứ an toàn. Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng đã “ngăn chặn hành động xâm phạm biên giới” thành công.

“Nhiệm vụ được thực hiện tuân thủ nghiêm ngặt quy định quốc tế về sử dụng không phận và tuân thủ đúng các quy trình an toàn hàng không”, Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh.

Mỹ chưa bình luận về thông tin này.

UAV MQ-9 Reaper tại buổi trình diễn ở căn cứ Không quân Cannon hồi tháng 5/2016. Ảnh: Reuters.

UAV MQ-9 Reaper tại buổi trình diễn ở căn cứ Không quân Cannon hồi tháng 5/2016. Ảnh: Reuters.

MQ-9 Reaper là dòng UAV có năng lực do thám lẫn tập kích, với chiều dài sải cánh khoảng 20 m và trọng lượng tối đa 4,7 tấn. Máy bay có khả năng hoạt động trong 27 tiếng, với tổng quãng đường di chuyển khoảng 2.000 km. MQ-9 Reaper còn được thiết kế để trang bị thêm tên lửa dẫn đường Hellfire.

Hồi tháng 3, một chiếc MQ-9 Reaper của Mỹ đã đụng độ với tiêm kích Nga và rơi xuống Biển Đen. Quân đội Mỹ cáo buộc hai tiêm kích Su-27 Nga đã tiếp cận, bay cắt mặt và xả dầu vào MQ-9. Một chiếc Su-27 được cho là đã va vào MQ-9, khiến cánh quạt UAV hư hại, buộc không quân Mỹ điều khiển nó lao xuống biển.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ thông tin xảy ra va chạm giữa hai máy bay. Moskva nhấn mạnh chiếc MQ-9 của Mỹ vào thời điểm đó thay đổi đường bay đột ngột nên mất độ cao và mất kiểm soát. Tiêm kích Nga không khai hỏa vũ khí, không va chạm UAV Mỹ và trở về căn cứ an toàn.

Quân đội Nga vào tháng 5 thông báo đã hai lần triển khai tiêm kích chặn máy bay ném bom chiến thuật của Mỹ hoạt động trên biển Baltic. Không quân Nga cũng chạm trán nhưng không đụng độ với máy bay quân sự các nước Pháp, Đức, Ba Lan và Anh trên các vùng biển chiến lược ở khu vực những năm qua.

Vị trí Biển Đen. Đồ họa: Guardian

Vị trí Biển Đen. Đồ họa: Guardian

Thanh Danh (Theo RIA, Reuters)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*