Cựu thủ lĩnh nổi dậy Niger lập phong trào chống đảo chính

Boula hôm nay ra tuyên bố cho biết phong trào Hội đồng Kháng chiến vì nền Cộng hòa (CRR) sẽ hỗ trợ Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) và bất kỳ chủ thể quốc tế nào khác đang tìm cách khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger, trả lại quyền lực cho Tổng thống Mohamed Bazoum.

Phong trào CRR được Boula thành lập hai tuần sau khi lực lượng cận vệ tiến hành đảo chính, lật đổ Tổng thống Bazoum và quản thúc ông tại dinh thự ngày 26/7.

Boula, 66 tuổi, từng là Bộ trưởng Du lịch Niger giai đoạn 1996-1999 và 1999-2004. Năm 2008, ông tuyên bố thành lập FFR, một phong trào nổi dậy chống chính phủ. Một năm sau, FFR tham gia tiến trình hòa bình do Libya bảo trợ để chấm dứt xung đột ở Niger, đổi lại các thành viên tham gia nổi dậy được ân xá. Boula sau đó tiếp tục hoạt động chính trị ở Niger.

Một thành viên CRR cho biết một số chính trị gia Niger đã tham gia phong trào, nhưng không thể công khai vì lý do an toàn.

Động thái này được đánh giá là dấu hiệu đầu tiên của phong trào phản đối nội bộ với cuộc đảo chính, diễn ra trong bối cảnh nỗ lực ngoại giao nhằm buộc quân đội Niger khôi phục quyền lực cho Tổng thống Bazoum bị đình trệ.

Chính quyền quân sự Niger đã từ chối tiếp phái bộ ECOWAS và các nước láng giềng Mali, Burkina Faso, vốn ủng hộ đảo chính, kêu gọi Liên Hợp Quốc ngăn chặn bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào Niger.

Người dân Niger tuần hành nhân ngày quốc khánh 3/8 ở thủ đô Niamey. Ảnh: AFP

Người dân Niger tuần hành nhân ngày quốc khánh 3/8 ở thủ đô Niamey. Ảnh: AFP

ECOWAS ngày 30/7 ra tối hậu thư với chính quyền quân sự Niger, yêu cầu trao trả quyền lực cho Tổng thống Bazoum trước đêm 6/8, nếu không sẽ tiến hành can thiệp quân sự. Tối hậu thư của ECOWAS đã hết hạn, song khối được cho là chưa sẵn sàng đưa quân vào Niger.

Niger đã đóng không phận từ ngày 6/8 trước nguy cơ bị can thiệp, đồng thời cảnh báo sẽ “phản ứng lập tức và quyết liệt nếu không phận bị xâm phạm”.

ECOWAS gồm 15 nước châu Phi là Cape Verde, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Liberia, Mali, Senegal, Sierra Leone, Benin, Burkina Faso, Ghana, Bờ biển Ngà, Niger, Nigeria và Togo. Khối dự kiến họp thượng đỉnh về tình hình Niger tại Nigeria vào ngày 10/8.

Tuy nhiên, Mali và Burkina Faso đã bị ECOWAS đình chỉ tư cách thành viên sau các cuộc đảo chính. Hai nước tuyên bố sẽ tuyên chiến nếu Niger bị can thiệp quân sự. Mali và Burkina Faso cũng đã cử phái đoàn chung đến Niger để thể hiện “tình đoàn kết với người dân Niger anh em”.

Mỹ cùng các nước châu Âu cho rằng vẫn có cơ hội để chấm dứt đảo chính ở Niger bằng con đường ngoại giao. Pháp cho rằng cách khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger tùy thuộc vào ECOWAS. Một nguồn thạo tin nói ECOWAS hiện chưa vạch kế hoạch can thiệp quân sự ngay lập tức vào Niger, thêm rằng con đường đối thoại vẫn để ngỏ.

Huyền Lê (Theo Reuters)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*