Sau cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Tổng thống Mohamed Bazoum, làn sóng biểu tình phản đối Pháp, ủng hộ Nga đã lan rộng ở Niger, quốc gia nằm trong vùng Sahel của châu Phi.
Vài ngày qua, các cuộc tuần hành ủng hộ lực lượng đảo chính, phản đối Pháp và ủng hộ Nga đã diễn ra trên khắp Niger. Hàng nghìn người hôm 3/8 tập trung ở trung tâm thủ đô Niamey, hô vang khẩu hiệu chống Pháp, quốc gia từng đô hộ Niger thời kỳ thuộc địa, cũng như vẫy cờ Nga.
“Người Pháp đã bóc lột chúng tôi trong thời kỳ thuộc địa”, Issiaka Hamadou, người tham gia cuộc tuần hành, nói. “Sau khi Niger giành độc lập năm 1960, Pháp vẫn triển khai quân ở đây, nhưng không thay đổi được gì về an ninh”. Đám đông xung quanh Hamadou hô lớn “đả đảo Pháp”, “nước Nga muôn năm, Vladimir Putin muôn năm”.
Trong cuộc tuần hành ủng hộ đảo chính ngày 31/7 ở Zinder, thành phố cách thủ đô Niamey khoảng 800 km, một doanh nhân giấu tên người Niger tự hào khoe trang phục màu cờ Nga.
“Tôi ủng hộ Nga và không thích Pháp. Từ nhỏ tôi đã phản đối Pháp”, doanh nhân này nói. “Họ đã khai thác tài nguyên khoáng sản của đất nước chúng tôi như uranium, xăng dầu và vàng. Những người nghèo nhất Niger không có đủ ba bữa mỗi ngày vì Pháp”.
Doanh nhân này cho biết hàng nghìn người tham gia biểu tình ở Zinder để ủng hộ quân đội đảo chính. Tại thủ đô Niamey ngày 3/8, hàng nghìn người cũng tham gia biểu tình ủng hộ đảo chính, trong đó nhiều người vẫy cờ Nga và phản đối hiện diện của Pháp.
Niger từng là thuộc địa của Pháp trong hơn 50 năm, trước khi giành độc lập vào năm 1960. Dù vậy, nhiều người Niger cho rằng Paris vẫn tiếp tục hành động như “mẫu quốc” với Niamey, khai thác tài nguyên của Niger và thao túng nền kinh tế.
Tổng thống Bazoum nhậm chức năm 2021 trong quá trình chuyển giao quyền lực dân chủ và hòa bình đầu tiên của Niger kể từ khi độc lập năm 1960. Niger dưới quyền Tổng thống Bazoum trở thành đối tác kinh tế mạnh mẽ với Pháp.
Đây là quốc gia khai thác uranium lớn thứ 7 thế giới, nhưng 1/4 lượng uranium mà họ sản xuất được được đưa tới châu Âu, đặc biệt là Pháp, để phục vụ các nhà máy điện hạt nhân tại đây.
Dù vậy, quốc gia này vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới và phải nhận hàng trăm triệu USD cứu trợ mỗi năm. Khoảng 40% trong số 24,4 triệu dân Nige sống trong cảnh nghèo đói cùng cực với mức thu nhập dưới 2,15 USD mỗi ngày.
“Niger đã phải chịu đựng quá nhiều vì nghe theo Pháp. Tôi đã thất nghiệp 10 năm vì hệ thống của họ”, Karimou Sidi, người biểu tình, nói.
Ngoài các vấn đề về kinh tế, chính quyền Tổng thống Bazoum còn trở thành mục tiêu của các nhóm phiến quân có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và al-Qaeda. Những nhóm phiến quân này trỗi dậy mạnh mẽ ở Niger từ năm 2015 và liên tục gây ra các vụ tấn công khủng bố, khiến hàng nghìn binh sĩ, dân thường Niger thiệt mạng.
Để đối phó với các nhóm phiến quân Hồi giáo, Tổng thống Bazoum đã dựa vào các đồng minh phương Tây, đặc biệt là Pháp. Quân đội Pháp trước đó cũng đã triển khai lực lượng đồn trú lâu dài tại hai quốc gia láng giềng của Niger là Burkina Faso và Mali để đối phó phiến quân Hồi giáo.
Tuy nhiên, từ năm 2020, quân đội hai nước này liên tiếp đảo chính, lật đổ chính quyền thân Pháp, với lý do họ đã không hoạt động hiệu quả trong cuộc chiến chống các nhóm nổi dậy. Khi các cuộc tấn công khủng bố tiếp diễn, tâm lý phản đối Pháp đã gia tăng trên toàn khu vực, khi người dân ở cả ba nước cáo buộc Paris không nỗ lực hết sức để ngăn chặn phiến quân.
Mali sau đó ký hợp đồng với tập đoàn quân sự tư nhân Wagner của Nga để đối phó phiến quân, đồng thời yêu cầu Pháp rút quân khỏi nước này. Hơn 1.000 binh sĩ Pháp sau đó đã chuyển từ Mali sang đồn trú tại thủ đô Niamey và các khu vực biên giới của Niger, nơi các nhóm phiến quân Hồi giáo thường hoạt động. Tuy nhiên, các cuộc tấn công vẫn xảy ra, bất chấp sự hiện diện của lính Pháp.
“Người dân không hiểu tại sao các cuộc tấn công khủng bố vẫn tiếp diễn khi lực lượng Pháp đồn trú trong khu vực”, Amina Niandou, chủ tịch Hiệp hội Các chuyên gia truyền thông châu Phi ở Niger, nói.
Nhiều người đã hoài nghi về động cơ của Pháp, quốc gia có lịch sử can thiệp quân sự hậu thuộc địa lâu dài ở châu Phi. Họ cho rằng những hành động quân sự của Pháp trong khu vực chỉ nhằm bảo vệ lợi ích của Paris, tập hợp đồng minh và trừng phạt kẻ thù, thay vì đối phó với phiến quân Hồi giáo.
“Thời kỳ thuộc địa là một ký ức không vui, thúc đẩy nhiều người Niger tham gia các nhóm nổi dậy chống người Pháp”, Amadou Oumarou, giảng viên Đại học Abdou Moumouni ở Niamey, nêu nhận định.
Phe của tướng Abdourahamane Tiani tuyên bố họ tiến hành đảo chính vì ông Bazoum với sự hỗ trợ của Pháp đã không thể làm gì để ngăn chặn tình trạng bất ổn gia tăng cũng như nền kinh tế trì trệ, chìm đắm trong nghèo đói của Niger.
Hadiza Kanto, sinh viên đại học tham gia biểu tình, cho biết anh ủng hộ phe đảo chính vì “họ chống lại Pháp, nước đã cướp đi tất cả của chúng tôi”. “Chúng tôi sẽ đuổi Pháp khỏi châu Phi”, Kanto nói.
Các cuộc biểu tình phản đối Pháp ở Niger trước đây thường bị lực lượng an ninh của Tổng thống Bazoum ngăn cấm.
Một số nhóm xã hội dân sự bắt đầu leo thang biểu tình chống Pháp vào giữa năm 2022, khi chính quyền ông Bazoum tiếp nhận lực lượng đồn trú Pháp chuyển từ Mali tới Niger.
Phong trào M62, được thành lập bởi liên minh các nhà hoạt động, phong trào xã hội dân sự và công đoàn vào tháng 8/2022, đóng vai trò nòng cốt, lãnh đạo cuộc biểu tình phản đối chi phí sinh hoạt tăng cao, quản lý nhà nước kém và hiện diện của lực lượng quân sự Pháp.
Nhiều cuộc biểu tình của nhóm này bị chính quyền Tổng thống Bazoum trấn áp bằng vũ lực. Thủ lĩnh Abdoulaye Seydou thậm chí bị tuyên án 9 tháng tù vào tháng 4/2023 vì “gây rối trật tự công cộng”.
M62 dường như được hồi sinh sau khi Tổng thống Bazoum bị phế truất trong cuộc đảo chính của quân đội. Các thành viên M62 thậm chí được truyền hình quốc gia đưa tin về nỗ lực tổ chức các cuộc tuần hành lớn ủng hộ chính quyền quân sự và lên án lệnh trừng phạt của nhóm các quốc gia Tây Phi nhắm vào Niger.
Trong cuộc tuần hành ở Zinder, doanh nhân ủng hộ Nga lạc quan về việc Moskva có thể giúp đỡ đất nước của anh, không phải theo cách của Paris trước đây.
“Tôi muốn Nga giúp chúng tôi về an ninh và lương thực. Lực lượng Wagner có thể đảm bảo an ninh hiệu quả hơn Pháp, trong khi Moskva có thể cung cấp công nghệ để cải thiện nền nông nghiệp của chúng tôi”, người này nói.
Thanh Tâm (Theo BBC, CNN)
Để lại một phản hồi