Sau chuỗi ngày sôi động, thị trường chứng khoán giao dịch ảm đạm với thanh khoản “mất hút”. Bất chấp nỗ lực hồi phục của chỉ số phien 11/10, thanh khoản thị trường vẫn èo uột với giá trị khớp lệnh giảm đến hơn 20% so với phiên trước xuống mức 11.000 tỷ đồng.
Thực tế, thanh khoản ảm đạm đã kéo dài suốt trong thời gian gần đây. Từ mức bình quân trên 20.000 tỷ đồng, thậm chí có những phiên khớp lệnh chạm ngưỡng tỷ đô, giá trị khớp lệnh trên HOSE đã liên tục tụt dốc xuống dưới mức 13.000 tỷ đồng từ đầu tháng 10 đến nay.
Sự sụt giảm thanh khoản nhanh đến bất ngờ của thị trường chứng khoán khiến nhiều người đặt câu hỏi chuyện gì đang diễn ra và dòng tiền lớn đã đi đâu?
Ngoài những lý giải về sự bất ổn của bối cảnh vĩ mô thế giới, áp lực tỷ giá trong nước, ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC cho rằng nhìn sâu vào sự dịch chuyển dòng tiền, có thể thấy một xu hướng đã hình thành và tiếp tục trong thời gian tới, đó là việc dòng tiền lớn đang phải co về cơ cấu tài sản và tham gia thị trường tái cấu trúc.
“ Tiền lớn ” co về cơ cấu tài sản khiến thanh khoản ảm đạm
Năm 2022, một trong những cú sốc lớn nhất trên thị trường tài chính đến từ chính những chính sách siết chặt nhằm “hãm phanh” thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phát triển quá nóng và lỏng lẻo. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp đã không thể cân đối nguồn để chi trả nợ gốc – lãi với các khoản vay đến hạn. Tất cả những biến động đó khiến chứng khoán Việt Nam trở thành một trong những thị trường giảm mạnh nhất từ đỉnh.
Sang đến năm 2023, vấn đề trái phiếu doanh nghiệp có phần tĩnh lặng trở lại với những nỗ lực từ các cơ quan quản lý. Từ việc đưa ra những quy định nhằm gia hạn thời gian đáo hạn trái phiếu, các quy định về hoãn trích lập dự phòng nợ xấu hay thực thi chính sách tiền tệ quyết liệt với 4 lần giảm lãi suất, thị trường tài chính và nền kinh tế đã có những dấu hiệu khởi sắc nhất định trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiểu ẩn số.
Dù có nhiều chuyển biến tích cực trong năm 2023, song chuyên gia DSC cho rằng áp lực về trái phiếu có thể được “đẩy” về tương lai. Chủ đề đáng lưu tâm nhất của thị trường tài chính năm 2024 sẽ là chủ đề cơ cấu nợ đến từ nợ trái phiếu, nợ xấu ngân hàng và cả nợ vay margin trên thị trường.
Đối với nợ trái phiếu, năm 2024 sẽ là năm các khoản trái phiếu (được gia hạn thêm 1 năm trong năm 2023) sẽ đáo hạn trở lại, cộng thêm những khoản đáo hạn năm 2024 sẵn có sẽ tạo áp lực không nhỏ.
Đối với nợ xấu ngân hàng, khi Thông tư Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hiệu lực, sẽ là lúc các ngân hàng phải đối mặt với việc trích lập các khoản nợ xấu và cần xử lý ngay từ bây giờ.
Còn đối với dư nợ margin trên thị trường chứng khoán, từ lâu đó là là kênh một phần thay thế kênh ngân hàng để các cổ đông lớn vay vốn qua việc thế chấp cổ phiếu. Thực tế cho thấy dư nợ margin/vốn hóa của sàn HOSE đã vượt ngưỡng 3,2% – mức cao nhất lịch sử.
Theo quan sát của ông Huy, càng đến giai đoạn cuối năm 2023 và bước dần sang năm 2024, hoạt động mua bán sáp nhập tại các doanh nghiệp sôi nổi cho thấy diễn biến trên thị trường cơ cấu tài sản cũng ngày càng diễn ra rõ nét và quy tụ những luồng tiền có thể xem là trụ cột trên thị trường.
Trong các quý vừa qua, ngoài một số doanh nghiệp đã gia hạn thành công kéo dài thời gian đáo hạn trái phiếu thì còn không ít doanh nghiệp vẫn rơi vào trạng thái không có khả năng thanh toán, dẫn đến chậm trả gốc- lãi trái phiếu cho nhà đầu tư. Chỉ riêng trong quý 3/2023, con số này là gần 14.000 tỷ, trong đó riêng ngành bất Động Sản là hơn 13.000 tỷ đồng.
Ngoài ra còn rất nhiều doanh nghiệp và nhóm doanh nghiệp lớn loay hoay giải bài toán thanh khoản, cơ cấu tài sản. Nhiều doanh nghiệp thuộc những mảng rất quan trọng của thị trường và trong trạng thái buộc phải dành nguồn lực cơ cấu.
Dòng tiền lớn tìm cơ hội tại các tài sản giá rẻ ngoài sàn chứng khoán
Bên cạnh dòng tiền co lại để cơ cấu tài sản, vị chuyên gia cho rằng thanh khoản trên thị trường chứng khoán sụt mạnh đến từ một luồng tiền lớn quan trọng khác cũng tham gia thị trường cơ cấu đã rút ra, đó là dòng tiền lớn tìm kiếm cơ hội tại các tài sản giá rẻ ngoài sàn chứng khoán.
Trong khó khăn, rất nhiều cơ hội xuất hiện cho những bên còn tiềm lực và rất nhiều tài sản tốt trong trạng thái bị “kẹt” thanh khoản, liên quan đến các nghĩa vụ nợ cần được cơ cấu và rao bán với giá rẻ. Khi tham gia cơ cấu những tài sản này, nếu vượt qua được giai đoạn khó khăn, tỷ suất sinh lợi sẽ rất cao và không ít trường hợp “ăn bằng lần” đã được chứng minh ở các chu kỳ kinh tế trước đó.
Do đó, so với tỷ suất lợi nhuận khi đầu tư trên sàn thời điểm hiện tại chưa thực sự hấp dẫn và lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết chưa có sự tăng trưởng đột phá, dòng tiền lớn sẽ tìm cơ hội “rót tiền” tham gia xử lý tài sản sơ cấp. Tư duy này không chỉ ở các quỹ, các tổ chức tài chính mà còn ở nhiều doanh nghiệp sản xuất, bởi lẽ dành nguồn lực mở rộng sản xuất trong bối cảnh cầu yếu chưa hẳn là hiệu quả, trong khi các tài sản hấp dẫn là những cơ hội có thể nhìn thấy rõ.
Từ thực tế nhiều dòng tiền lớn buộc phải dành nguồn lực cơ cấu nợ hoặc tìm cơ hội đầu tư các tài sản giá rẻ ngoài sàn chứng khoán, chuyên gia DSC cho rằng thanh khoản thị trường chứng khoán sụt giảm là chuyện đương nhiên. Đặc biệt trong bối cảnh thế giới có quá nhiều biến động và áp lực tỷ giá khiến NHNN cũng thận trọng trong việc để thanh khoản hệ thống dư thừa.
“ Vận động hiện tại của thị trường là của những dòng tiền còn lại, một phần đến từ các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong nước, cũng như một số quỹ ngoại “kẹp” lại, kèm việc tăng giảm tỷ trọng của các tổ chức, thêm một chút biến động của margin theo tâm lý thị trường” , ông Bùi Văn Huy cho biết.
Thông thường, các cuộc chơi lớn qua việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, xử lý các tài sản lớn là nền tảng để gỡ những “cục máu đông” lớn cho nền kinh tế. Từ những vận động dòng tiền lớn ở đây, nền kinh tế dần thoát đáy và KQKD của các doanh nghiệp trên sàn ngày càng được cải thiện. Sau đó, khi chốt lời ở thị trường tài sản sơ cấp, dòng tiền lớn mới trở lại và mang tính đầu cơ hơn trên thị trường chứng khoán và đây là vận động hết sức bình thường và hợp lý.
Do đó, chuyên gia cho rằng cũng không quá lo lắng nếu thanh khoản thị trường ngắn hạn vẫn ảm đạm như hiện tại, bởi những động thái của dòng tiền lớn ở các thị trường tài sản sơ cấp sẽ giải quyết được những vấn đề tồn đọng và đưa kinh tế phục hồi bền vững. Khi đó, câu chuyện phục hồi của thị trường chứng khoán thứ cấp, cũng như sự trở lại của thanh khoản chỉ cón là vấn đề thời gian.
Để lại một phản hồi