Bộ Kinh tế Bulgaria ngày 26/4 ra tuyên bố xác nhận “nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Gazprom Export sẽ bị đình chỉ từ ngày 27/4”. Phía Bulgaria thêm rằng họ đã luôn đáp ứng đầy đủ các nghĩa vụ và thanh toán đầy đủ theo yêu cầu của hợp đồng hiện tại “một cách kịp thời, nghiêm ngặt và phù hợp với các điều khoản”.
Công ty khí đốt PGNiG của Ba Lan cùng ngày cho biết Gazprom đã thông báo với họ về quyết định đình chỉ giao khí đốt theo hợp đồng Yamal từ ngày 27/4.
Thủ tướng Mateusz Morawiecki nói các kho lưu trữ khí đốt của Ba Lan đã nạp đầy 76% và họ có sẵn những nguồn cung cấp cần thiết khác ngoài đường ống Yamal.
Ba Lan nhập khẩu khí đốt hóa lỏng thông qua một kho lưu trữ bên bờ biển Baltic và hy vọng nhận được nguồn cung từ Na Uy qua dự án Đường ống Baltic, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay và đáp ứng khoảng 50% lượng tiêu thụ của đất nước.
Bộ Năng lượng Bulgaria hôm qua cho hay các nhà khai thác khí đốt thuộc sở hữu nhà nước gồm Bulgargaz và Bulgartransgaz đã chuẩn bị các thỏa thuận về nguồn cung thay thế.
“Hiện tại, không cần áp bất kỳ biện pháp hạn chế nào đối với người tiêu dùng”, cơ quan này cho hay.
Dữ liệu kiểm kê kho chứa khí đốt của các nhà khai thác ở EU cho thấy cơ sở lưu trữ duy nhất của Bulagria tại Chiren chỉ đầy hơn 17% vào ngày 25/4.
Bulgaria gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung từ Nga với mức tiêu thụ hàng năm lên tới khoảng 3 tỷ mét khối khí đốt. Quốc gia Balkan chỉ nhận được một lượng nhỏ từ Azerbaijan mà họ hy vọng sẽ tăng lên sau khi hoàn thành đường ống dẫn với nước láng giềng Hy Lạp vào cuối năm nay.
Hợp đồng dài hạn của Bulgaria với Gazprom dự kiến hết hạn vào cuối năm 2022. Tình trạng không chắc chắn về việc gia hạn hợp đồng do căng thẳng liên quan xung đột Ukraine đã thúc đẩy Sofia tìm kiếm nguồn thay thế, gồm cả khí tự nhiên hóa lỏng từ Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Phía tập đoàn Gazprom chưa lên tiếng xác nhận thông tin dừng chuyển khí đốt cho hai nước, nhưng các hãng thông tấn Nga dẫn lời một giám đốc điều hành cấp cao của công ty nói “Ba Lan phải trả tiền mua khí đốt theo thủ tục thanh toán mới”.
Trước đó, Điện Kremlin từng cảnh báo các nước thành viên EU rằng nguồn cung khí đốt sẽ bị cắt trừ khi họ thanh toán bằng đồng ruble.
Bộ Năng lượng Bulgaria không nói rõ họ có từ chối cách thức thanh toán này hay không, nhưng nói rằng “thủ tục thanh toán mới do Nga đề xuất không tuân thủ hợp đồng hiện tại có hiệu lực tới cuối năm nay”.
Liên minh châu Âu là một thị trường lớn của khí đốt Nga, khi nhận khoảng 40% nguồn cung từ Moskva vào năm 2021.
Thanh Tâm (Theo AFP)
Để lại một phản hồi