Đón tin vui, cổ phiếu Vietnam Airlines tăng kịch trần với thanh khoản bùng nổ

TIN MỚI

    Trong phiên thị trường giằng co, cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) trở thành điểm nhấn khi tăng kịch trần lên 13.600 đồng/cp – mức giá cao nhất của cổ phiếu này trong 9 tháng qua.

    Đáng chú ý, thanh khoản của HVN cũng nhanh chóng bùng nổ với 3,7 triệu cổ phiếu được “sang tay”, cao hơn gấp nhiều lần so với mức bình quân khoảng 500 nghìn đơn vị khớp lệnh mỗi phiên. Đây cũng là mức thanh khoản cao nhất của cổ phiếu này kể từ tháng 7/2023.

    EMk6dE18.png

    Cổ phiếu hàng không “cất cánh” sau thông khi đón nhận nhiều tin vui trong thời gian qua. Theo đó, kể từ ngày 1/3, Thông tư số 34/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019 của Bộ Giao thông Vận tải về việc thay đổi khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa chính thức có hiệu lực. Theo đó, sẽ điều chỉnh giá trần trên các đường bay nội địa tăng thêm 5% so với mức trước đây. Việc tăng trần giá vé máy bay nội địa lần này cũng là lần điều chỉnh đầu tiên sau gần 10 năm (gần nhất là năm 2015).

    Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị hàng không quốc tế 2024 (International Airline Symposium), ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết, từ ngày 1/3 giá trần vé máy bay nội địa tăng trung bình 3,75% so với giá trần được áp dụng từ năm 2015. Việc điều chỉnh này giúp các hãng hàng không bù đắp chi phí đầu vào đặc biệt là giá nhiên liệu và tỷ giá tăng mạnh trong 10 năm qua.

    Thêm vào đó, mới đây Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước trình Đề án tổng thể tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng Covid-19 giai đoạn 2021-2026 trong tháng 2/2024.

    Năm 2023, tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines cải thiện nhưng lợi nhuận hợp nhất sau thuế vẫn âm khoảng 5.500 tỷ. So với năm 2022, số lỗ này đã giảm được một nửa, tương đương hơn 5.700 tỷ đồng. Đến hết năm 2023, vốn chủ sở hữu của hãng hàng không quốc gia âm gần 17.000 tỷ đồng. Khoản lỗ lũy kế của hãng vượt 40.000 tỷ đồng.

    Theo dự báo, thị trường quốc tế sẽ từng bước được phục hồi, hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines được kỳ vọng có kết quả tích cực hơn vào năm 2024-2025.

    Giải trình biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng HVN bị kiểm soát, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết hãng đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2022-2025, đang báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền phê duyệt.

    Trong đề án, năm 2024, Tổng công ty sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất như thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thích nghi, nhanh chóng phục hồi và cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh; tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền.

    “Tổng công ty tin tưởng hoạt động kinh doanh đã từng bước ổn định và đang chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng cho phục hồi và phát triển trong giai đoạn tới”- đại diện Vietnam Airlines khẳng định.

    Bộ Tài chính đang sửa Nghị định về đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó đề xuất giải pháp để Vietnam Airlines có thể thoái vốn tại Công ty cổ phần Hàng không Pacific Airlines. Đây cũng là một trong những nội dung nằm trong Đề án tổng thể gỡ khó khăn cho Tổng công ty này.

    Hãy bình luận đầu tiên

    Để lại một phản hồi

    Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


    *