Khánh thành cầu Thủ Thiêm 2 trị giá 3.082 tỷ đồng

Công trình cầu Thủ Thiêm 2 – biểu tượng kiến trúc mới về giao thông trên sông Sài Gòn đã hoàn thành đúng vào dịp cả nước chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và Quốc tế Lao động 1/5.

Cầu Thủ Thiêm 2 có kiến trúc độc đáo, kết cấu dây văng “hai mặt phẳng dây”, có chiều dài 1.465 m, quy mô 6 làn xe. Phần cầu dài 885 m được thiết kế là cầu dây văng với trụ tháp chính có hình dáng kiểu kiến trúc cầu rồng, cao 113 m, nghiêng về phía Thủ Thiêm.

Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Đại Quang Minh, nhận thức được tầm quan trọng của dự án, ngay từ đầu công ty đã có bộ máy quản lý chuyên nghiệp với các khâu thiết kế, thi công và nghiệm thu. Đồng thời cũng tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia dự án này.

Cầu có tổng vốn đầu tư 3.082 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao).

Hệ thống chiếu sáng mỹ thuật đang được nghiên cứu đầu tư trong thời gian tới sẽ làm công trình trở thành biểu tượng kiến trúc, tạo thêm vẻ đẹp mỹ quan đô thị và cảnh quan trung tâm thành phố.

Công trình đi vào vận hành tạo thêm tuyến kết nối mới giữa trung tâm đô thị hiện hữu với khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức), tạo động lực phát triển cho khu đô thị mới Thủ Thiêm, góp phần giảm ùn tắc, thúc đẩy phát triển kinh tế TP.HCM.

Cây cầu có thời gian xây dựng gần 7 năm từ khi chuyển giao sang nhà đầu tư Đại Quang Minh, trải qua nhiều trắc trở phần vì vướng mặt bằng, phần vì điều chỉnh, rà soát Hợp đồng BT nhưng cuối cùng cầu cũng hoàn thành và đã chính thức khánh thành, đưa vào sử dụng.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, TP.HCM là thành phố lớn nhất cả nước về dân số và quy mô đô thị hóa, là đô thị đặc biệt.

Đây còn là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ; đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; đầu tàu, động lực, có sức hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có quy mô dân số lớn nhất cả nước.

Nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, TP.HCM trở thành một đầu mối giao thông, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không, nối liền các tỉnh trong vùng và là cửa ngõ quốc tế của Việt Nam và Đông Nam Á.

Bởi vậy, cầu Thủ Thiêm 2 là công trình giao thông quan trọng của TP.HCM, góp phần từng bước hình thành hệ thống giao thông hoàn chỉnh liên kết khu vực phía Đông với trung tâm TP.HCM hiện hữu ở bờ Tây sông Sài Gòn, góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông trong khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận và đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền TP.HCM và các cơ quan tham mưu, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông của TP.HCM đã chỉ đạo nhà đầu tư phối hợp chặt chẽ với các bên tư vấn giám sát cùng với các nhà thầu xây dựng nỗ lực cố gắng, với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, làm việc không kể ngày đêm, lễ, tết trên công trường trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn thành phố; đặc biệt là sự hỗ trợ của bà con cô bác trong khu vực dự án để đến hôm nay Dự án được hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước thời gian sắp tới, Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục đầu tư, chú trọng đối với khu vực này, cụ thể phải đầu tư hoàn thiện hệ thống các tuyến đường Vành đai cao tốc mà Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch như các tuyến đường Vành đai 3; Vành đai 4; tuyến cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành (Bình Phước), cao tốc TP.HCM – Mộc Bài (Tây Ninh), cao tốc TP.HCM – Tiền Giang – Bến Tre – Trà Vinh – Sóc Trăng … trong giai đoạn từ nay đến 2030.

Để thực hiện có hiệu quả các công trình đầu tư quy hoạch nêu trên, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ ngành trung ương nghiên cứu các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của TP.HCM về các vấn đề nguồn vốn, cơ chế chính sách đầu tư… để kịp thời tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý, tạo điều kiện để thành phố có nguồn lực phát triển xứng tầm với kỳ vọng và mong đợi của cả đất nước.

Sau khi khánh thành đưa vào sử dụng, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu UBND TP.HCM giao các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp với nhà đầu tư tổ chức quản lý, khai thác, duy tu bảo dưỡng công trình thường xuyên theo đúng quy định của pháp luật.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*