“Dưới những tiếng đạn pháo không ngừng, tôi phải ngủ vạ vật trên tấm thảm tự chế, ôm con trai tháo chạy và đôi khi bị sóng xung kích hất ngã. Mọi thứ thật kinh hoàng”, Anna Zaitseva, một trong 156 dân thường sơ tán khỏi hầm ngầm nhà máy luyện kim Azovstal ở thành phố Mariupol, đông nam Ukraine, chia sẻ khi đến được nơi an toàn.
Ôm con trai 6 tháng tuổi trên tay, Zaitseva bật khóc khi thể hiện sự biết ơn với nhóm hỗ trợ, từ những người lính đã nỗ lực tìm sữa cho con cô, tới những người đã đưa mẹ con cô tới nơi an toàn.
Cuối tuần qua, lần đầu tiên trong nhiều tuần, giao tranh ở nhà máy Azovstal đã dừng lại để sơ tán dân thường trú ẩn trong hầm ngầm, theo thỏa thuận được thực hiện bởi Liên Hợp Quốc, Hội Chữ thập Đỏ Quốc tế cùng phía Nga và Ukraine.
Nhóm dân thường bên dưới hầm ngầm nhà máy Azovstal được sơ tán trên các đoàn xe màu trắng của Liên Hợp Quốc và Hội Chữ thập đỏ Quốc tế, tới khu vực Zaporizhzhia do phía Ukraine kiểm soát.
Sau gần hai tháng bao vây, lực lượng Nga đã kiểm soát hầu hết thành phố Mariupol, chỉ còn cứ điểm kháng cự cuối cùng của Tiểu đoàn Azov tại nhà máy Azovstal. Giới chức Ukraine trước đó ước tính khoảng 1.000 dân thường mắc kẹt trong hầm ngầm bên dưới nhà máy suốt nhiều tuần qua.
Trước khi được sơ tán tới Zaporizhzhia, những người trong nhà máy Azovstal đã trải qua nhiều tuần kinh hoàng sống dưới hầm ngầm, chịu đựng cảnh thiếu thốn lương thực, nước uống và nuôi hy vọng sớm được giải cứu.
Đối với Elyna Tsybulchenko, 54 tuổi, nỗi ám ảnh khi ở trong nhà máy Azovstal vẫn còn nguyên vẹn. Tsybulchenko tới trú ẩn tại Azovstal sau khi ngôi nhà của bà bị đạn pháo phá hủy và nguồn nước trong thành phố Mariupol dần cạn kiệt.
“Bom đạn liên tục trút xuống, không ngừng giây phút nào. Mọi thứ đều rung chuyển. Xung quanh là tiếng chó sủa và tiếng trẻ em la hét. Khoảnh khắc khó khăn nhất là lúc chúng tôi được thông báo hầm ngầm không thể trụ được nếu bị ném bom trực diện”, Tsybulchenko kể. Bà khi đó đã lo sợ rằng hầm ngầm dưới nhà máy Azovstal sẽ thành ngôi mộ tập thể.
“Bạn không thể tưởng tượng mọi thứ đáng sợ ra sao khi phải ngồi trong căn hầm ẩm thấp. Chúng tôi cầu xin tên lửa bay qua nơi trú ẩn, vì nếu nó bắn trúng, tất cả chúng tôi sẽ bỏ mạng”, Tsybulchenko nói tiếp.
Lực lượng Nga tuyên bố không tấn công dân thường ở Ukraine, mà chỉ tập trung tiêu diệt các mục tiêu quân sự. Quân đội Nga cũng cáo buộc Tiểu đoàn Azov cố thủ trong nhà máy Azovstal lấy dân thường làm lá chắn trong giao tranh.
Khi được sơ tán tới Zaporizhzhia, Olga Savina, một phụ nữ cao tuổi sống trong hầm ngầm nhà máy Azovstal khoảng hai tháng, liên tục cúi mặt xuống đường, do chưa quen được với ánh sáng mặt trời.
“Chúng tôi đã quen với bóng tối đen đặc. Chúng tôi còn phải tiết kiệm thực phẩm. Những người lính đem tới cho chúng tôi những gì họ có thể cung cấp, từ nước, thức ăn tới bột yến mạch”, Dasha Papush, người được sơ tán khỏi hầm ngầm trong nhà máy Azovstal, chia sẻ.
Nhiều người trong nhà máy Azovstal đã chuyển xuống hầm ngầm dưới lòng đất kể từ những ngày đầu tiên Nga mở chiến dịch quân sự. Anna, 29 tuổi, đã trải qua 57 ngày ở dưới hầm trú ẩn.
Anna cho biết đôi khi mọi người phải đánh liều ra bên ngoài, dù biết rời khỏi hầm trú ẩn vô cùng nguy hiểm. “Những người ở cùng chúng tôi đã tìm đường ra ngoài để đem về máy phát điện, nhiên liệu. Tất nhiên chúng tôi phải tìm cả nước”, Anna kể.
Đối với Sergei Tsybulchenko, 60 tuổi, lý do để ông chui khỏi hầm trú ẩn trong nhà máy Azovstal là để kiếm những tấm gỗ pallet nằm rải rác khắp nhà máy về đun nấu.
Tsybulchenko kể rằng ông và khoảng 50 người khác cùng sống trong hầm ngầm tập trung lại để chuẩn bị bữa ăn cho từng ngày, thường là hỗn hợp mỳ ống, bột yến mạch và thịt hộp được nấu lẫn trong một chiếc nồi lớn.
Tsybulchenko kể rằng họ luôn phải giữ cho ngọn lửa cháy thật nhỏ, vì sợ cảm biến nhiệt trên máy bay Nga có thể phát hiện vị trí của họ dưới hầm ngầm. “Những tiếng nổ bùm, bùm, bùm liên tục vang lên. Thật sự căng não”, Tsybulchenko nhớ lại.
Trong hành trình sơ tán khỏi Mariupol, Tsybulchenko nhìn xa xăm, cố mường tượng những thứ còn sót lại của thành phố nơi ông sinh ra. Căn nhà Tsybulchenko sống từ năm 3 tuổi đã không còn.
Nhìn về phía đường chân trời, Tsybulchenko có thể nhận ra những ống khói lô nhô trên nhà máy thép Azovstal, nơi ông đã trú ẩn suốt nhiều tuần qua. “Nơi ấy giờ đây chỉ còn khói đen bao trùm”, Tsybulchenko nói.
Ngọc Ánh (Theo Guardian/NY Times)
Để lại một phản hồi