Một ngày đầu tháng 1/1970, Michael James Brody Jr. bước xuống máy bay phản lực Pan Am tại Sân bay John F. Kennedy với sự nổi tiếng kỳ lạ chưa từng có.
Chàng trai 21 tuổi tên Brody vốn được ít người biết đến trước đây, vào năm 1970 đã trở thành một trong những người thừa kế sản nghiệp trong lĩnh vực bơ thực vật. Khi trở về sau tuần trăng mật ở Jamaica, để thể hiện sự lãng mạn của một cặp đôi mới cưới mặn nồng, Brody đã bao cả máy bay để ông và cô dâu của mình có thể thoải mái trên chuyến hành trình trở về nhà.
Sự chấn động đã bắt đầu sau khi máy bay hạ cánh. Brody mặc quần ống rộng, đeo chiếc kính râm màu xanh lá cây, đã tuyên bố với các phóng viên rằng ông sẽ tặng tài sản 25 triệu USD của mình cho những người bình thường để lan tỏa tình yêu thương và “giải quyết các vấn đề của thế giới.”
Trong 10 ngày tiếp theo, Brody tóc xù, đẹp trai như mơ đã xuất hiện trên các trang nhất của tờ báo và chương trình “The Ed Sullivan Show”. Tại đây, ông đã chơi một bài hát của Bob Dylan trên cây đàn 12 dây. Nghe được tuyên bố của ông, những đám đông đã kéo đến căn nhà mà Brody đang thuê ở quận Westchester và văn phòng ở Midtown Manhattan.
Và sau đó là những lá thư của hàng chục ngàn người cũng đổ về, chồng chất quá nhanh đến mức khiến bưu điện phải dọa sẽ đốt hết chúng đi.
Brody đã viết séc cá nhân có trị giá hàng nghìn USD và phân phát số tiền lớn của mình cho tất cả những ai yêu cầu muốn nhận chúng. Tuy nhiên, cuộc đời không như là mơ và số tiền 25 triệu USD có vẻ vẫn ở nguyên vị trí ban đầu của nó.
Người thừa kế trẻ tuổi đã nói rằng ý tưởng muốn chia sẻ và giúp đỡ mọi người khi ông đang… dùng chất kích thích. Cùng lúc đó, nhiều người đã nhận séc của ông phát hiện ra chúng vô giá trị, ngân hàng từ chối cho họ rút tiền mặt.
Gần như ngay lập tức, séc của Brody bắt đầu được trả lại và mọi thứ được sáng tỏ. Ngay sau đó, ông biến mất khỏi tiêu đề các bài báo. Thế nhưng, câu chuyện này lại không biến mất khỏi ký ức lịch sử.
“Kính gửi ngài Brody”
Vào một buổi sáng, Thai Jones, người phụ trách thư viện bộ sưu tập đặc biệt của Đại học Columbia, cầm một chiếc dụng cụ mở thư trông giống như con dao mổ, chạm tay vào một hộp thư lộn xộn và hít một hơi dài.
“Chúng ta bắt đầu nào,” ông nói trước khi cắt một phong bì có địa chỉ người gửi tại Đại lộ Queens ở New York, được đánh dấu là “Riêng tư và bí mật – chỉ người nhận được mở.”
“Kính gửi ngài Brody,” Jones bắt đầu, đọc lướt qua lời yêu cầu số tiền 1.000 USD được viết bằng máy đánh chữ từ một người phụ nữ có người chồng vừa qua đời và để lại một núi hóa đơn.
Anh mở một lá thư khác được viết bằng nét chữ nguệch ngoạc từ một người đàn ông ở Brooklyn. Người này đang chật vật để nuôi sáu đứa con với mức lương 125 USD một tuần. Người đàn ông viết: “Để chứng minh tôi nói thật, ông có thể đến thăm căn hộ của tôi bất cứ lúc nào.”
“Các kho lưu trữ chứa đầy thư rác,” Jones nói một cách hóm hỉnh.
Đó là lần đầu tiên Jones nhìn thấy trực tiếp kho tàng với khoảng 30.000 bức thư, phần lớn là chưa mở. Những bức thư này được các nhà làm phim tặng cho “Dear Mr. Brody”, một bộ phim tài liệu bắt đầu phát sóng trên Discovery + vào ngày 28/4. Trong phim, một vài bức thư đã được đọc to bởi tác giả của chúng và đã khắc họa lại bối cảnh của một thời kỳ điên cuồng khiến người ta phải đối mặt với những cảm xúc tiêu cực và tuyệt vọng.
Mặt sau của một bức thư chưa mở
Chúng là thông điệp của quá khứ và là một nguồn cho các nhà sử học khám phá.
Các nhà làm phim của “Dear Mr. Brody” đã tặng khoảng 30.000 lá thư cho Đại học Columbia. Hầu hết trong số chúng vẫn chưa mở.
Jones nói: “Việc đưa những câu chuyện của mọi người hàng ngày vào kho lưu trữ theo cách như thế này là thực sự quá kỳ lạ. Khi mà hàng nghìn người cùng viết một lúc và kể về cuộc sống của họ”.
Những câu chuyện khác nhau ở mỗi lá thư
Những lá thư này hiện đang ở Columbia. Chúng đã tái hiện bức tranh cuộc sống cách đây một thập kỷ. Melissa Robyn Glassman, nhà sản xuất của “Dear Mr. Brody,” đang phân loại thứ ở kho tự quản của nhà sản xuất Hollywood Edward R. Pressman. Ông đang chuẩn bị tặng kho lưu trữ của mình cho Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh.
Trên kệ, cô nhận thấy một số thùng được dán nhãn “thư của Brody.” Bên trong là hàng đống thư đều được gửi cho cùng một người, đều được đóng dấu bưu kiện vào tháng 1/1970 và đều chưa được mở.
Cô nói: “Tôi đã hỏi vợ của Ed về chúng. Ôi tôi đã cố thuyết phục Ed hãy vứt chúng đi trong suốt nhiều năm trời!”
Nhưng rồi những bức thư đó đã thu hút sự chú ý của Glassman. “Tôi cứ bị ám ảnh. Tôi bắt đầu mở chúng với mẹ tôi,” cô nói.
Maitland là người được thuê để chụp ảnh và anh cũng có phản ứng tương tự như Glassman. Anh nói về câu chuyện của Brody: “Đó không phải là một câu chuyện. Đó là một triệu câu chuyện đó.”
Và những lá thư trong tủ lưu trữ của Pressman hóa ra chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm khổng lồ. Các nhà làm phim đã tìm đến con trai của Brody, hóa ra còn khoảng 100.000 bức thư nữa, được tìm thấy trong một kho công cụ và sau đó được lưu giữ bởi một nhà biên kịch. Người này cũng đang cố gắng làm phim tiểu sử về Brody.
Hầu hết các bức thư chưa được mở dù có rất nhiều trong số chúng có dấu hiệu hòa bình được vẽ trên niêm phong. Một tiếng rưỡi mở những lá thư mang đến cho người đọc nhiều câu chuyện về nợ nần, bệnh tật và tuyệt vọng. Nhưng cũng có rất nhiều trẻ em xin tiền mua đồ chơi, cầu xin giúp đỡ để có học phí đại học hoặc một khoản tiền trả trước. Có người xin một số tiền để bắt đầu “một đài phát thanh hard-rock ở một thị trấn đại học” hoặc một tờ báo không thuộc nhà nước ở Alaska. Thậm chí có người muốn xin tiền chỉ để được sống giống như Brody.
Những bức thư chứa đựng sự pha trộn của những lời cầu xin tuyệt vọng và những điều ước viễn vông.
Trong bộ phim tài liệu, các nhà làm phim tập trung vào những câu chuyện riêng lẻ đau lòng, như hai mẹ con chỉ có thể viết thư cho nhau nhưng không hề được biết mặt nhau. Nhưng họ cũng phát hiện ra một số cụm từ nổi bật dẫn đến những chủ đề rộng lớn hơn. Có một tập hợp thư từ những đứa con của các công nhân nông nghiệp nhập cư ở Immokalee, Florida. Chúng được viết như bài tập ở trường, mô tả trần trụi tình trạng bạo lực và nghiện rượu tràn lan trong thị trấn mà những đứa trẻ đang sống.
Vẫn còn phải xem các nhà sử học sẽ sử dụng kho tàng khổng lồ này như thế nào hoặc thậm chí làm thế nào họ biết được những gì cần tìm. Đối với ông Jones, một học giả của những năm 60, các bức thư này minh họa nghịch lý của một thời đại được định nghĩa trong ký ức lịch sử là một thời kỳ có đặc tính phản văn hóa.
Tham khảo NYT
https://babfx.com/bi-an-dang-sau-viec-nguoi-dan-ong-cho-khong-25-trieu-usd-va-30000-buc-thu-chua-mo-20220504110921218.chn
Để lại một phản hồi